Ninh Bình: Những phụ nữ giữ làng nghề truyền thống

07/01/2020
Họ là những nghệ nhân yêu nghề, cố gắng gìn giữ và "truyền lửa" để thế hệ sau kế tiếp, phát triển những tinh hoa của làng nghề.
Nghệ nhân Vũ Thị Xuyến đang tạo hình sản phẩm.

Những nữ nghệ nhân làng nghề gốm Gia Thủy

Không nhộn nhịp, ồn ã, chẳng có nước thải hay khói bụi như những làng nghề truyền thống khác, làng gốm Gia Thủy (huyện Nho Quan) sạch sẽ, ngăn nắp bởi có sự chăm chút, chỉn chu của những người phụ nữ - đối tượng chiếm tỷ lệ lớn trong số thợ gốm ở đây.

Chính thức gắn bó với nghề làm gốm từ khi mới chỉ là thiếu nữ tuổi mười tám, đôi mươi, đến nay, nữ nghệ nhân Nguyễn Thị Mai dù đã lên chức bà nội, bà ngoại nhưng vẫn còn nặng lòng với nghề. Bà Mai bảo, cái nghề đã trở thành niềm đam mê, thậm chí là thú vui của tuổi già rồi. Ngày nào không ra lò gốm, là ngày ấy bà như … ốm dở. Không nhớ, không yêu làm sao được khi cái nghề ấy đi qua nhiều thế hệ, từ đời ông đến đời cha mẹ, rồi đến với cuộc đời bà như một điều tất yếu. Lò gốm mộc mạc này cũng là nơi gặp gỡ, xe duyên để vợ chồng bà gặp nhau, yêu nhau và gắn bó một đời với nhau. Vì vậy, bà luôn cố gắng gìn giữ, "truyền lửa" để thế hệ sau kế tiếp, phát triển những tinh hoa của làng nghề, và cũng là cách để bà hoài niệm về những ngày tháng vất vả nhưng tươi đẹp của cuộc đời mình. "Năm 2016, tôi và chị Phạm Thị Xuyến đã được UBND tỉnh công nhận là nghệ nhân làng nghề gốm Gia Thủy. Vẫn là những giờ phút hăng say bên chiếc bàn xoay để tạo hình sản phẩm, nhưng khi được công nhận là nghệ nhân, với tôi đó là niềm tự hào, thú vị và cả những trách nhiệm lớn lao đối với nghề. Niềm tâm huyết lớn của tôi là bên cạnh việc nghiên cứu, sáng tạo ra những sản phẩm vừa hữu dụng, vừa lột tả được sự đặc sắc, riêng biệt của làng nghề, còn là mong muốn tìm kiếm, đào tạo ra một lớp thợ gốm trẻ có đủ niềm đam mê để cùng thăng trầm với nghề như chính chúng tôi thuở nào"- bà Mai chia sẻ.

Nữ nghệ nhân Vũ Thị Xuyến ngoài 60 tuổi, nhưng những động tác làm việc của bà vẫn điêu luyện, nhanh nhẹn và đầy say mê. Hỏi về tình yêu của bà đối với nghề, bà Xuyến cười tươi bảo, niềm vui lớn nhất bây giờ của bà, ấy là cả 4 người con đều thành đạt. Giờ đây, khi không phải nặng nề về kinh tế nữa, thậm chí các con muốn bà nghỉ ngơi khi đã bước vào tuổi 60, nhưng "bỏ nghề làm sao được, tôi vẫn yêu lắm cái nghề lấm lem bùn đất này. Không chỉ là say mê, mà đó còn là sự biết ơn đối với cái nghề đã nuôi dưỡng ước mơ của các con tôi thành hiện thực. Bây giờ sức khỏe kém đi, năng suất làm việc không còn được như xưa nữa. Nhưng tôi vẫn cứ làm, theo sức khỏe của mình thôi"- bà Xuyến nói vậy.

Cũng theo nghệ nhân Mai, nghệ nhân Xuyến, nghề gốm là đứa con tinh thần của bao thế hệ người dân Gia Thủy. Có những giai đoạn, lò gốm tưởng chừng phải tắt lửa, nhất là khi mặt hàng nhựa ra đời. Khi ấy, mọi người, mọi nhà đều lựa chọn đồ nhựa bởi tính tiện dụng, đẹp mắt của loại hàng hóa này. Những sản phẩm của làng nghề như nồi niêu đất, chum sành, nồi hông, vại… dường như phải … đắp chiếu, không thể bán nổi. Nhiều người thợ phải bỏ lò đi nơi khác tìm kế sinh nhai, chỉ còn lại một số ít người - trong đó có bà Xuyến, bà Mai là quyết bám nghề. Vậy là những người thợ gốm tìm cách để "cứu" lấy làng nghề. Cùng với việc sáng tạo ra những sản phẩm có tính ứng dụng cao, ngày nào cũng vậy, các thợ gốm lại đưa hàng xuống thuyền, xuôi đến những nơi thật xa xôi, hẻo lánh, nơi mà người dân ít có cơ hội tiếp cận với mặt hàng nhựa để chào bán hàng. Nghề không phụ công người, chỉ một thời gian sau, nhận thấy sự nguy hại đến sức khỏe khi sử dụng bình nhựa trong việc cất giữ rượu, muối dưa, đựng cà… người dân dần dần chuyển về dùng lại đồ gốm. Chẳng cứ người dân, các nhà hàng, khách sạn cũng bắt đầu trở lại đặt hàng. Lò lại rực lửa, thợ gốm lại ngày đêm hăng say, miệt mài cho kịp các đơn hàng.

Mặc dù có nhiều đối thủ cạnh tranh trên thương trường, song gốm Gia Thủy vẫn có chỗ đứng bởi nét độc đáo ít đâu có được, từ chất liệu đất, đến cách làm bằng thủ công. Gốm Gia Thủy được làm từ nguyên liệu là đất sét vàng. Mỗi sản phẩm đều được làm thủ công hoàn toàn từ khâu làm đất, thấu đất, nặn, chuốt đến trang trí, phơi nắng tự nhiên và nung trong lò củi truyền thống. Dáng của gốm mộc mạc, thô phác bởi không có men nhân tạo, nhưng khỏe khoắn, chứa đựng vẻ đẹp nguyên sơ của đất với lửa. Đó chính là thứ làm nên nét duyên đặc biệt của gốm Gia Thủy. Điều đáng trân trọng là dù làm ở những công đoạn khác nhau, nhưng mỗi người thợ đều có ý thức và tạo điều kiện tốt nhất cho nhau hoàn thành nhiệm vụ. Bởi với họ, mẻ sản phẩm ra lò thực sự là những "đứa con chung", ai cũng muốn nó hoàn hảo nhất. Gắn bó với nhau bởi tấm chân tình, bởi lòng đam mê vì thế không còn khoảng cách giữa các lứa tuổi người thợ gốm. Sự giao thoa giữa các thế hệ ấy tạo nên một sức sống mãnh liệt cho gốm Gia Thủy hôm nay. Nhìn những người thợ trẻ thoăn thoắt vuốt nặn gốm bên bàn xoay, hay miệt mài, tỉ mẩn từng nét vẽ trang trí sản phẩm dưới sự hướng dẫn chu đáo của các nghệ nhân… chúng tôi hiểu rằng tình yêu tha thiết với gốm đã giúp tâm hồn họ thăng hoa. Đất và nghề cũng không phụ người, mỗi tháng, thu nhập của những người thợ lò gốm Gia Thủy dao động từ 4-6 triệu đồng. "Gốm đã giúp chúng tôi có cuộc sống no ấm, gây dựng tương lai cho mình, dệt ước mơ cho con trẻ, bởi vậy, chứa đựng trong từng sản phẩm, không chỉ là kỹ thuật điêu luyện, mà còn là cả tình người lắng đọng. Có lẽ, đây chính là điểm hấp dẫn của gốm Gia Thủy, để làng nghề truyền thống mãi trường tồn"- nghệ nhân Vũ Thị Xuyến cho biết thêm.

Phụ nữ Sơn Hà góp phần lưu giữ và phát triển nghề mộc truyền thống

*Nghề mộc Quỳnh Phong, xã Sơn Hà (huyện Nho Quan) đã có từ lâu đời, đến những bậc cao niên trong làng cũng không biết chính xác nghề được hình thành từ bao giờ. Chỉ biết, mỗi người dân khi lớn lên đều biết rất rõ và thành thạo các công đoạn của nghề mộc, như chạm, đục, đẽo, đánh bóng, phun sơn... Và cứ từ đời này qua đời khác, nghề "cha truyền, con nối" được lưu giữ và phát triển thành nghề truyền thống và được công nhận làng nghề cấp tỉnh.

Phụ nữ xã Sơn Hà (Nho Quan) tham gia làm nghề mộc.

Trong sự phát triển của làng nghề, có sự đóng góp không nhỏ của những người phụ nữ trong làng. Bằng đôi tay khéo léo và tài hoa, họ đã cho ra đời các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ không chỉ đẹp mà còn rất bền, chắc, được khách hàng trong và ngoài tỉnh liên tục tìm đến xem, đặt hàng.

Bà Nguyễn Thị Muôn sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống làm nghề mộc, nên với bà, những âm thanh ồn ào, ầm ĩ như tiếng đục đẽo, cưa xẻ đã trở thành quen thuộc và gần gũi trong cuộc sống. Giờ đây, với 40 năm gắn bó với nghề, bà Muôn có thể làm tất cả các công đoạn của nghề mộc, từ pha gỗ, tạo hình, chạm khắc, đục đẽo... đến đánh giấy giáp, phun sơn, lắp đặt sản phẩm...

Bằng đôi bàn tay khéo léo, bà Muôn cùng những người thân trong gia đình sáng tạo ra những sản phẩm gỗ không chỉ đẹp mà còn rất tiện dụng, như tủ, sập, giường, tượng... Các sản phẩm gỗ nhiều khi như những tác phẩm nghệ thuật, được đôi tay và khối óc của người thợ "thổi hồn" vào đó những nét văn hóa truyền thống; hình ảnh cuộc sống qua những nét chạm trổ công phu, tỉ mẩn trên từng thớ gỗ, biến những khúc gỗ thô ráp, khô cứng trở thành những đồ gia dụng tiện lợi và đẹp mắt.

Bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội LHPN xã Sơn Hà (huyện Nho Quan) cho biết: Thực tế, nghề mộc ở xã Sơn Hà phát triển ở tất cả các thôn, nhưng tập trung chủ yếu và nhiều hơn cả ở 2 thôn là Quỳnh Phong I và Quỳnh Phong II, nên được gọi chung là làng nghề mộc Quỳnh Phong. Hiện toàn xã có gần 200 hộ gia đình hội viên phụ nữ đang trực tiếp sản xuất, chế biến và kinh doanh gỗ. Các sản phẩm chính của làng nghề mộc Quỳnh Phong là mộc dân dụng và mộc mỹ nghệ như sập, tủ chè, tủ thờ, giường, bàn ghế, cửa...

Hiện ở mỗi xưởng mộc đều có phụ nữ tham gia làm nghề, trong đó đa số chị em tham gia vào những công việc nhẹ nhàng nhưng đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mẩn như chạm khắc, chà nhám, đánh giấy ráp, véc ni, làm sạch các sản phẩm đã hoàn thiện...

Những năm trước, các hộ gia đình làm nghề thường sản xuất nhỏ lẻ, chuyên sản xuất các mặt hàng đơn giản, dễ làm, phục vụ sinh hoạt gia đình như giường, tủ, bàn, ghế…, lao động chủ yếu bằng thủ công. Nhưng vài năm gần đây, hầu hết các công đoạn sản xuất nặng nhọc đều được thay thế bằng các loại máy móc, từ đó, những người thợ có thời gian đầu tư công nghệ, đa dạng hóa, mở rộng và nâng cao hơn chất lượng sản phẩm, sáng tạo thêm nhiều kiểu dáng, sản phẩm, mẫu mã mới; quy mô sản phẩm cũng lớn hơn và có đường nét tinh xảo, thêm sự kết hợp giữa phong cách cổ truyền và hiện đại, theo đó giá trị sản phẩm ngày càng gia tăng, thu nhập người làm nghề tăng theo, thúc đẩy làng nghề ngày càng phát triển.

Nhờ lưu giữ và phát triển nghề mộc truyền thống, hiện 100% chị em phụ nữ trong làng nghề mộc đều có cuộc sống ổn định và khá giả, thu nhập bình quân đạt từ 4-5 triệu đồng/người/tháng, người có tay nghề cao có thể đạt từ 7-10 triệu đồng/người/tháng.

Theo Chủ tịch Hội LHPN xã Sơn Hà, nghề mộc truyền thống Quỳnh Phong đang là nghề giúp cho phụ nữ nói riêng, người dân làng nghề trong xã nói chung có cuộc sống ngày càng đầy đủ, giàu có. Tuy nhiên, việc đầu tư và phát triển làng nghề cũng bộc lộ những hạn chế, như vấn đề về tiếng ồn, bụi bẩn, mùi sơn, nước thải ra môi trường.

Những hạn chế này đòi hỏi ý thức của mỗi người làm nghề trong việc nỗ lực khắc phục, như áp dụng các phương tiện, máy móc mới vào quá trình sản xuất để giảm thiểu tiếng ồn, bụi bặm; chủ động thu gom, xử lý phế liệu, phụ phẩm trong quá trình sản xuất... đảm bảo môi trường làng nghề phát triển bền vững và giữ gìn sức khỏe cho chính những người gắn bó với nghề truyền thống của quê hương.

Về làng nghề mộc Quỳnh Phong hôm nay, sự sôi động, phát triển của làng nghề thể hiện rõ bằng những tiếng chuyện trò, bàn bạc về các đơn hàng mới nhận; sự sôi động của tiếng đục, mài, cưa và mùi thơm đặc trưng của các loại gỗ, mùi sơn...

Dọc tuyến đường vào làng, nhiều gia đình có điều kiện đã tích trữ những khối gỗ lớn, làm nguyên liệu phục vụ cho việc làm nghề lâu dài, ổn định. Những ngôi nhà cao tầng, kiên cố, được xây dựng hiện đại, đẹp mắt, bên trong thấp thoáng bóng phụ nữ miệt mài làm việc, nhanh chóng hoàn thiện sản phẩm để giao cho khách hàng, khẳng định sự hưng thịnh của làng nghề trong những năm gần đây. Và dù còn có những vất vả, khó khăn hơn so với nam giới khi đôi bàn tay trở nên thô ráp khi làm nghề mộc, nhưng những người phụ nữ nơi đây vẫn nguyện gắn bó, giữ gìn tình yêu với nghề nhằm lưu giữ và phát triển nghề mộc truyền thống của cha ông-một nghề đã, đang và sẽ mang lại cho họ cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.

baoninhbinh

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video