Ninh Thuận: Hiệu quả từ những mô hình hoạt động ở phụ nữ xã Phước Hữu

29/10/2008
Hội phụ nữ xã Phước Hữu (Ninh Phước) hiện có 2.448 hội viên sinh hoạt ở 6 chi hội cơ sở là: Mông Nhuận, La Chữ, Hậu Sanh, Hữu Đức, Tân Đức và Thành Đức. Đa số chị em đều làm nghề nông nên đời sống còn nhiều khó khăn. Hưởng ứng phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” do Hội LHPN cấp trên phát động và chương trình xóa đói giảm nghèo của huyện, Hội phụ nữ xã Phước Hữu tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện ngày càng có hiệu quả.

Các mô hình như: tổ nhóm phụ nữ tiết kiệm, tổ nhóm tình thương, tổ nhóm vay vốn, mua sắm vật dụng gia đình… ngày càng phát triển, thu hút đông đảo hội viên tham gia. Qua nhiều năm hoạt động, đến nay Hội đã xây dựng được trên 70 tổ theo các hình thức trên. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2008, Hội đã xây dựng thêm được 3 tổ giúp nhau phát triển kinh tế, có 90 chị tham gia với số tiền đã đóng góp gần 5 triệu đồng; 2 CLB “Phụ nữ không sinh con thứ 3” với 60 chị tham gia, đồng thời phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội giải ngân được 282 triệu đồng giúp cho 114 hộ được vay để đầu tư sản xuất, chăn nuôi, nâng tổng số dư nợ do Hội phụ nữ ủy thác lên 6,4 tỷ đồng với 1.066 chị được vay.

Chị Bá Thị Thu Vân, Chủ tịch Hội phụ nữ xã tâm sự: “Không chỉ tạo điều kiện để chị em được vay vốn của mình giúp nhau bằng những việc làm thiết thực như xây dựng hũ gjao tình thương, cho nhau mượn vốn không lãi, giúp các chị em nghèo có điều kiện làm ăn phát triển kinh tế gia đình”. Riêng với mô hình chăn nuôi bò vỗ béo và sinh sản theo dự án của Nhà nước hỗ trợ cho phụ nữ nghèo người Chăm, toàn xã Phước Hữu đã có 389 hộ được vay vốn với số tiền trên 3,8 tỷ đồng, trung bình mỗi hộ được vay 10 triệu đồng. Qua hơn 3 năm áp dụng mô hình, đến nay (trừ 7 hộ bị rủi ro chăn nuôi không hiệu quả), đa số chăn nuôi đều có lãi. Điển hình như chị Sử Thị Mẫu ở thôn Hữu Đức, từ nguồn vốn được vay chị đầu tư mua 2 con bò vỗ béo giá 6 triệu đồng, sau 1 năm bỏ công chăm sóc, chị bán được 7,5 triệu đồng. Với số tiền trên chị tiếp tục đầu tư mua lại 3 con bò giống, đến nay nếu bán cũng có giá từ 5 đến 6 triệu đồng một con. Rất nhiều chị ở Phước Hữu cũng thông qua mô hình chăn nuôi này mà đến nay cuộc sống đã khá lên nhiều, như: Mai Hàm Huyền Nga ở thôn Tân Đức; Đổng Thị Lời ở thôn Hậu Sanh…

Từ những mô hình hiệu quả nói trên đã giúp chị em ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Hội, xem tổ chức Hội phụ nữ là chỗ dựa vững chắc của chị em nên việc triển khai thực hiện các nội dung, chương trình của Hội luôn được thuận lợi, số người tự nguyện tham gia sịnh hoạt Hội ngày một đông. Trong 6 tháng đầu năm, Hội đã phát triển thêm được 138 hội viên mới, nâng tổng số hội viên hiện có lên 2.448 chị. Đặc biệt, Hội đã góp phần cùng địa phương hạ thấp tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn 170 hộ, trong đó hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ chỉ còn 95 hộ.

Điều băn khoăn nhất hiện nay của phụ nữ xã Phước Hữu đó là nguồn vốn vay dành cho chị em còn quá ít, vòng vay ngắn hạn nên chỉ mới giải quyết được một phần nhu cầu cấp bách trước mắt, một số chị em cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu vay vẫn chưa được giải quyết hết. Vì vậy, mong rằng trong thời gian tới, tỉnh, huyện cũng như các Hội cấp trên cần quan tâm hơn nữa trong việc tạo nguồn vốn, đẩy mạnh công tác đào tạo bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ Hội về mọi mặt để chị em có đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ, sáng tạo, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đáp ứng nhu cầu chính đáng của tầng lớp phụ nữ.

Văn Thanh
Theo Báo Ninh Thuận

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video