Ninh Thuận: Những gương phụ nữ cần cù vượt khó vươn lên làm giàu

03/12/2005
Xuất thân từ hoàn cảnh gia đình khó khăn, rời Quảng Trị năm 1995 chị Đinh Thị Huỳnh Mai, vào ở thôn Thạch Hà, xã Quảng Sơn (Ninh Sơn) lập nghiệp.

Với hai bàn tay trắng, nhà cửa không có, phải nương nhờ bà con lối xóm, làm thuê kiếm sống qua ngày. Nhưng với quyết tâm bằng sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của bản thân cũng như có sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền, bà con lối xóm, với đồng vốn ít ỏi được vay từ quỹ người nghèo năm 1998, chị đầu tư vào chăn nuôi heo. Qua những lần xuất chuồng, gia đình chị dần hoàn vốn trả và có tích luỹ. Tiếp tục đầu tư vào chăn nuôi, cùng với thời gian biết tằn tiện trong chi tiêu, cần cù làm việc, kinh tế gia đình ngày một khá lên. Đến nay, chị đã có hơn 1 ha đất canh tác, trang trại nuôi bò, heo. Nhà cửa xây đựng phương tiện hiện đại.

Trong khi đó chị Quảng Thị Đào ở Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) lại khác. Cũng nghèo khó vươn lên làm giàu nhưng lại bằng con đường làm nghề truyền thống. Sinh ra và lớn lên trong làng nghề thổ cẩm Mỹ Nghiệp, ngay từ nhỏ ước mơ sau này làm giàu bằng chính nghề truyền thống của mình đã thành hiện thực. Mặc dù nghề thổ cẩm thăng trầm, nhưng lòng yêu nghề, sáng tạo trong sản xuất cũng như quan hệ thị trường tốt, sản phẩm của chị sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó. Mỗi năm từ nghề truyền thống, gia đình chị thu nhập bình quân trên 200 triệu đồng. Không những làm giàu chính đáng cho bản thân, mà cơ sở dệt của chị còn giải quyết được cho 15 công lao động có việc làm ổn định, với mức lương 500.000 đồng\tháng. Chị còn giúp đỡ 2 hộ nghèo trong làng bằng hình thức giúp vốn, mỗi hộ 2 triệu đồng để đầu tư mua vật liệu như tơ, sợi dệt ra sản phẩm nhập ổn định, thoát nghèo.

Nếu như chị Mai làm giàu bằng đồng ruộng, chăn nuôi, chị Đảo làm giàu bằng nghề truyền thống thì chị Lê Thị Ngọc Oanh,ở thị trấn Tân Sơn (Ninh Sơn) lại làm giàu bằng hình thức kinh doanh buôn bán. Từ một phụ nữ nghèo làm nghề đổi nước cho tiểu thương ở chợ Tân Sơn rửa rau, cá, qua thực kinh nghiệm tích góp trong buôn bán nhỏ ở chợ đã giúp cho chị thoát nghèo đi lên làm giàu. Nắm bắt nhanh thị trường, thời cơ, tạo dựng mặt bằng, quan tâm nghiên cứu những nhu cầu cần thiết của địa phương nơi mình sinh sống, những mặt hàng cần thiết cho sinh hoạt thiết yếu hằng ngày. Biết học thêm từ sách báo, các phương tiện thông tin để nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh doanh. Hoạt động kinh doanh của chị ngày càng hiệu quả và lớn mạnh. Từ buôn bán nhỏ, chị trở thành một tư thương lớn ở huyện NinhSơn, hoạt động hiệu quả thể hiện qua con số từ năm 2001-2004, chị đã nộp vào ngân sách Nhà nước 150 triệu đồng; giải quyết việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương, có mức thu nhập ổn định.

 

Vượt qua đói nghèo lươn lên làm giàu chính đáng không khó, nếu như tất cả chị em phụ nữ biết nỗ lực phấn đấu vươn lên, biết chọn cho mình hướng đi đúng phù hợp với hoàn cảnh của mỗi người, cần cù lao động, chi tiêu có kế hoạch. Hình ảnh của chị Mai, Đảo, Oanh là minh chứng sinh động nhất.

Nguyễn Xuân Bính

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video