Nỗ lực dạy nghề, tạo việc làm cho phụ nữ

31/01/2008
Là tỉnh đông dân, ít ruộng, hiếm nghề phụ, thu nhập bình quân đầu người thấp, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 31,71%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo do phụ nữ làm chủ chiếm tới 19,09%, hàng năm số lao động Thanh Hoá thất nghiệp khá cao do trình độ, tay nghề thấp, phần đa lao động nữ nông thôn chưa qua đào tạo.

Nhiều năm qua Hội LHPN Thanh Hoá đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác dạy nghề, giới thiệu việc làm. Trong 5 năm, toàn tỉnh đã có 26.488 phụ nữ được dạy các nghềnhư: mây giang xiên, mây tre đan, móc hộp, móc túi lưới sợi xuất khẩu, thêu ren, kỹ thuật trồng nấm rơm, mộc nhĩ,hàng cói mỹ nghệ, may công nghiệp, trồng dâu nuôi tằm, dệt thổ cẩm, chế biến hải sản…Đến nay các loại nghề này vẫn duy trì và nhiều nghề phát triển, mang lại hiệu quả cao như trồng nấm, mộc nhĩ, đan lưới, móc hộp, sợi xuất khẩu.

 

Hội LHPN các huyện làm tốt chức năng tư vấn và giới thiệu việc làm cho 77.010 người. Số lao động được Hội tư vấn, giới thiệu đi lao động ở nước ngoài là 31.934 người, tập trung vào các ngành: công nghệ thông tin, thêu ren, may công nghiệp với mức thu nhập ổn định, góp phần cải thiện cuộc sống cho các hộ gia đình.

 

Bên cạnh hoạt động dạy nghề, giới thiệu việc làm, các cấp Hội còn tích cực khai thác nguồn vốn tại chỗ thông qua việc xây dựng tổ, nhóm phụ nữ tiết kiệm, huy động nguồn vốn tự có trong các tầng lớp phụ nữ, ký uỷ thác với ngân hàng; tranh thủ nguồn vốn quốc gia tạo việc làm do T.W Hội và Sở Lao động – TBXH cấp và sự tài trợ từ các tổ chức quốc tế. Tính đến tháng 11/2007, tổng số các nguồn vốn do Hội khai thác và tham gia quản lý là trên 1.2 tỷ đồng cho 276.740 lượt phụ nữ vay đầu tư phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo. Trong đó, Hội LHPN đã duy trì được 14.665 tổ phụ nữ tiết kiệm với số vốn là 27 tỷ đồng cho 239.305 lượt chị vay, thực hiện hợp đồng uỷ thác với Ngân hàng CSXH cho 92.212 lượt phụ nữ vay với số tiền gần 500 triệu đồng; Ngân hàng NN&PTNT 662 triệu đồng cho gần 70 nghìn lượt phụ nữ vay; vốn 15 tổ chức quốc tế tài trợ thông qua hình thức tín dụng, tiết kiệm với số tiền trên 32 triệu đồng cho trên 27 nghìn lượt phụ nữ vay. Các nguồn vốn vay được chị em sử dụng vào chăn nuôi gia súc, gia cầm, mua nguyên liệu sản xuất hàng thủ công (cói, mây, giang, tre…), dịch vụ, buôn bán nhỏ, làm trang trại…đem lại hiệu quả tốt.

 

Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nữ đã được các cấp Hội quan tâm. Các doanh nghiệp được tạo điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, thu hút lao động nữ thiếu việc làm. Các cấp Hội tích cực phối hợp với Kho bạc nhà nước tỉnh, các Ngân hàng, Quỹ tín dụng nhân dân, Sở LĐ – TB&XH, hỗ trợ cho các doanh nghiệp vay vốn, đầu tư mở rộng, phát triển doanh nghiệp. Để nâng cao kiến thức về quản lý, kỹ năng giao tiếp, thương thuyết với khách hàng, Hội LHPN đã phối hợp với Liên minh HTX tỉnh cử các doanh nghiệp là nữ đi tập huấn, bồi dưỡng tại T.W và tỉnh. Các cấp Hội đã chỉ đạo thành lập được 9 CLB nữ doanh nhân, tập hợp 300 chị em là chủ doanh nghiệp tham gia sinh hoạt CLB. Qua đó giúp chị em có điều kiện giao lưu học hỏi kinh nghiệm, liên doanh liên kết, mở rộng thị trường, sản xuất kinh doanh hiệu quả.

 

Hội LHPN các huyện, thị, thành phố mở 50 lớp tập huấn về kiến thức kỹ năng lãnh đạo, quản lý Makettinh, tiếp thị, dịch vụ du lịch văn minh, thương mại trong kinh tế hội nhập, tư vấn phát triển doanh nghiệp…Hội còn tổ chức cho các doanh nhân nữ Thanh Hoá tham gia Hội chợ APEC tại Hà Nội; phối hợp với Hiệp hội doanh nhân nữ Trường Đại học kinh tế quốc dân tổ chức hội thảo quảng bá thương hiệu; Trường cán bộ phụ nữ T.W tổ chức khoá đào tạo “100 giám đốc nữ” tranh thủ sự hỗ trợ của Dự án Hà Lan; tổ chức cho hội viên, phụ nữ đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở các cơ sở doanh nghiệp tỉnh bạn có uy tín, khảo sát nắm bắt nhu cầu, tìm kiếm thị trường, chọn xã tổ chức chỉ đạo điểm nhân ra diện rộng.

Hồng Nhung - Hội LHPN tỉnh Thanh Hoá

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video