Nỗ lực làm giàu trên vùng đất khó

28/08/2011
Ở vùng đất bạc màu, cằn cỗi xã Đạ Lây (huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng), nhắc đến bà Hoàng Thị Sửu - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Vĩnh Thủy, mọi người đều trầm trồ thán phục về ý chí vượt khó vươn lên, trở thành gia đình có tiềm năng phát triển kinh tế bậc nhất hiện nay của xã.

Rời quê hương Cẩm Phả (Quảng Ninh) từ năm 1990, bà Hoàng Thị Sửu cùng chồng là ông Phạm Văn Hiếu và hai con nhỏ vào xã Đạ Lây lập nghiệp. Bà Sửu cho biết: “Cũng vì quá cực khổ nên đánh liều đi vào, chứ lúc đi hoàn toàn không định hướng”. Khi vào đến nơi, không một tấc đất cắm dùi, không đồng xu dính túi, hai ông bà phải cật lực làm thuê, đắp đổi cuộc sống qua ngày. Rồi được một người dân tốt bụng cho mượn cái chòi, dùng làm nhà kho để che nắng che mưa. Sau này, bà Sửu mua lại với giá 1,5 chỉ vàng (vào thời điểm năm 1996), nhưng cũng phải trả đến 3 đợt mới xong.

Hành trình vượt khó của bà Hoàng Thị Sửu thấm đẫm mồ hôi. Bởi theo bà, người ta có vốn, có đất, làm giàu còn khó, huống gì mình chỉ hai bàn tay trắng. Lúc đó chỉ mong sao kiếm đủ cơm 3 bữa trong ngày, nuôi dạy 2 con trưởng thành. Vượt qua những ngày “bĩ cực” đối với bà Hoàng Thị Sửu, ngoài sự cần cù chịu thương, chịu khó, còn là sự chắt chiu, tằn tiện “góp gió thành bão”. Song, để có được bước tiến như ngày hôm nay, chính là nhờ khi bà tham gia công tác Hội Phụ nữ thôn và được tạo điều kiện vay vốn. Từ số tiền vốn vay 2 triệu đồng (năm 2000), bà đã mua được 1 con trâu và nuôi thêm gà thả vườn. Có những lúc đàn gà của bà lên đến hàng ngàn con. Dần dần, vợ chồng bà khai hoang được 3 ha đất đồi để trồng điều, 2 ha đất trồng mì và 3 sào ruộng trồng lúa, đảm bảo tự cung tự cấp, lấy ngắn nuôi dài. Số tiền tích lũy từ bán trâu, gà, điều, khoai mì… mỗi năm từ 50 - 100 triệu đồng. Từ đó, bà tiếp tục mở rộng đầu tư, xây dựng chuồng trại chăn nuôi, đào ao thả cá, xây mới nhà cửa. Đến năm 2005, gia đình bà Hoàng Thị Sửu đã “xóa” khỏi danh sách “hộ nghèo”. 

Dẫn tôi đi thăm mô hình của gia đình (mà theo bà thì chưa thể gọi là quy mô trang trại) là một quả đồi, được rào quanh bằng lưới B40, rộng khoảng 3.000m2, bên trong, với diện tích 500m2 được ngăn thành các ô riêng, có hệ thống chuồng trại và đầm lầy để nuôi heo rừng đã được phân đàn. Diện tích rừng còn lại, bà Sửu dành để thả rong đàn heo rừng. Bà Sửu cho biết, mô hình này được đầu tư xây dựng từ đầu năm 2010, với số vốn khoảng 100 triệu đồng, gồm chi phí mua lưới B40 và 11 heo mẹ, 1 heo đực giống. Còn ao cá rộng trên 1000m2, bà nuôi 15 ngàn con cá lóc. Đến nay, mỗi con trọng lượng trên 0,5 kg. 

Thành quả lao động sau bao năm cơ cực, một nắng hai sương đang chờ ngày hái “quả ngọt”. Theo tính toán của bà Sửu, tết năm nay vừa xuất bán cá lóc và heo rừng có thể cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Số tiền đủ để bà tiếp tục thực hiện những dự định của mình trong thời gian tới. “Ngoài việc mở rộng thêm chuồng trại nuôi heo rừng, tôi cũng đã đi tham quan một vài mô hình ở Bình Dương, lên Internet tìm kiếm, học hỏi. Tới đây, tôi sẽ nuôi thêm con dúi - giống này chưa ai nuôi, nguồn thức ăn cũng dễ kiếm” - bà Sửu nói.

Theo baolamdong

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video