Nỗ lực phòng chống HIV/AIDS thông qua nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ

06/10/2006
Với 4,37 triệu người đang sống chung với HIV, trong đó phụ nữ chiếm 27%, các nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) đang phải đối mặt với đại dịch HIV/AIDS, ước tính hậu quả thiệt hại về kinh tế đến năm 2010 sẽ lên tới 17,5 tỉ USD Mỹ, số người nhiễm HIV sẽ lên đến ngưỡng 10 triệu người.

Cuộc họp Mạng lưới Các nhà lãnh đạo nữ APEC (WLN) lần thứ 11 nhận định: Phụ nữ các nước châu Á – Thái Bình Dương đã có những đóng góp to lớn cho sự ổn định và tạo thu nhập của gia đình, nhưng phụ nữ trong khu vực này cũng đang phải đối mặt với những vấn đề bất công bằng trong kinh tế và xã hội, tình trạng này đã đẩy người phụ nữ đứng trước nguy cơ bị nhiễm HIV.

 

Tiến sỹ Nafis Sadik, Đặc phái viên của Tổng thư ký LHQ về AIDS tại châu Á – Thái Bình Dương đã kêu gọi tiến hành lồng ghép các hoạt động dự phòng HIV vào các dịch vụ sức khoẻ sinh sản, đồng thời mở rộng khả năng tiếp cận bao cao su nam và bao cao su nữ, do chính phụ nữ phát động để phục vụ lợi ích của mình. Bà Nafis Sadik nhấn mạnh: “Bằng tiếng nói của kinh tế và chính trị, chúng ta cần phải tấn công vào sự im lặng xung quanh người phụ nữ và HIV. Các nhà lãnh đạo kinh tế nữ trong khu vực Nhà nước và tư nhân cần yêu cầu ban hành các chính sách quốc gia về phòng chống HIV/AIDS tại nơi làm việc, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng của lực lượng lao động nữ tại châu Á – Thái Bình Dương”.

 

Mạng lưới các nhà lãnh đạo nữ APEC thừa nhận, HIV không phải chỉ là vấn đề y tế, mà còn là những vấn đề về kinh tế và giới, đòi hỏi tạo ra cho các cơ hội cho những người phụ nữ có gia đình và phụ nữ hành nghề mại dâm có cuộc sống ổn định và công ăn việc làm nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm HIV.

 

Cuộc họp đề nghị các nhà lãnh đạo APEC tăng quyền năng kinh tế của người phụ nữ và đảm bảo sự thịnh vượng của APEC thông qua việc khuyến khích các doanh nghiệp trong nền kinh tế APEC phê chuẩn và thực hiện Bộ quy tắc hành vi ứng xử về HIV/AIDS tại nơi làm việc của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO); đồng thời xây dựng các chương trình nâng cao năng lực. Cuộc họp cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ quyền của người lao động di cư, đại bộ phận là phụ nữ; đồng thời xây dựng và thực thi một cách có hiệu quả các quy định của pháp luật nhằm bảo vệ nam, nữ lao động di cư tại mỗi nền kinh tế và trong cả khu vực.

Đỗ Hoa - Trung tâm Thông tin

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video