Nỗ lực phòng chống nạn bạo lực gia đình

14/11/2009
Những năm gần đây, bạo lực gia đình ở Bắc Giang không còn đơn thuần là hành vi đánh đập ngược đãi về thể xác, về tinh thần, bạo hành trong tình dục… mà còn là hành vi phạm tội nghiêm trọng như con giết bố, chồng giết vợ… Bạo lực không chỉ phát sinh ở các gia đình học vấn thấp mà còn có ở các gia đình học vấn cao, không chỉ có ở những gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn mà còn nảy sinh ở những gia đình điều kiện kinh tế tốt và không chỉ ở những đôi vợ chồng mới kết hôn mà còn có cả những đôi vợ chồng sống cùng nhau hàng chục năm.

Bắc Giang là một tỉnh miền núi nằm ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ với 26 thành phần dân tộc sinh sống, trong đó có 25 thành phần dân tộc thiểu số với số dân là 199.090 người, chiếm 12,3% tổng số dân toàn tỉnh,

Hơn 20 năm đổi mới, nhất là từ khi được tái lập năm 1997, tình hình kinh tế xã hội của tỉnh Bắc Giang đã có những bước phát triển vượt bậc. Tuy vậy, hiện nay Bắc Giang vẫn còn là một tỉnh chậm phát triển. Đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, nhất là ở miền núi và vùng cao. Năm 2008, tỷ lệ hộ nghèo là 17,78%, riêng vùng có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo là 52,73%. Tình hình an ninh trật tự, an sinh nông thôn có nhiều diễn biến phức tạp. Điều đáng lo ngại đó là sự bất bình đẳng giới, tình trạng bạo lực trong gia đình còn xảy ra ở nhiều thôn, làng, bản trên địa bàn tỉnh. Theo báo cáo của Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch – cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” tỉnh Bắc Giang, tình hình bạo lực còn xảy ra ở 1.749 hộ/379.469 hộ gia đình. Đó là còn chưa kể đến ở các gia đình mà vợ chồng đang ly thân, các hộ gia đình có vợ hoặc chồng đi nước ngoài trở về đang phát sinh mâu thuẫn và các gia đình có người mắc tệ nạn xã hội.

Tình trạng bất bình đẳng giới, “trọng nam khinh nữ” đã dẫn đến sự mất cân bằng giới ở Bắc Giang. Tỷ lệ sinh giữa nam và nữ hiện nay là 100 nữ/118 nam, cá biệt có huyện tỷ lệ này còn cao hơn gần 130 nam/100 nữ. Sự bất bình đẳng giới và tình trạng bạo hành trong gia đình cũng là một trong những nguyên nhân làm cho tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em đang diễn ra hết sức phức tạp. Theo báo cáo của Công an tỉnh – cơ quan thường trực của Tiểu ban chỉ đạo 130 (phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em) tỉnh, trong 106 trường hợp phụ nữ, trẻ em bị buôn bán (74 phụ nữ) có 22 trường hợp đã có gia đình. Trong 223 trường hợp đang nghi ngờ bị buôn bán có 142 trường hợp đã kết hôn. Các trường hợp này có ở 10/10 huyện, thành phố của tỉnh Bắc Giang.

Bạo lực gia đình ở tỉnh Bắc Giang không còn đơn thuần chỉ là hành vi đánh đập ngược đãi về thể xác, về tinh thần, bạo hành trong tình dục… mà còn là hành vi phạm tội nghiêm trọng như chồng giết vợ (Tân Yên, Lục Nam), mẹ giết con (Lục Nam), con giết mẹ (Lạng Giang), con giết bố (Tân Yên), con dâu đầu độc bố chồng (Lục Ngạn)… Bạo lực không chỉ phát sinh ở các gia đình học vấn thấp mà còn có ở các gia đình học vấn cao, không chỉ có ở những gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn mà còn nảy sinh ở những gia đình điều kiện kinh tế tốt và không chỉ ở những đôi vợ chồng mới kết hôn mà còn có cả những đôi vợ chồng sống cùng nhau hàng chục năm.

Bạo lực gia đình đang là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự đỗ vỡ của nhiều gia đình ở Bắc Giang. Theo báo cáo thống kê của TAND tỉnh Bắc Giang, năm 2008, TAND 10 huyện, thành phố đã thụ lý 1.185 vụ án ly hôn, trong đó ly hôn do mâu thuẫn gia đình là 537 vụ, bị đánh đập ngược đãi là 83 vụ, ngoại tình là 37 vụ, nghiện ma tuý, rượu chè 63 vụ. Quý I/2009 TAND 10 huyện, thành phố thụ lý 565 vụ, trong đó do mâu thuẫn gia đình 248 vụ, bị đánh đập ngược đãi 56 vụ, ngoại tình 20 vụ, nghiện ma tuý, rượu chè 25 vụ…

Ý thức được nguy cơ đó của sự bất bình đẳng giới và hành vi bạo lực gia đình, nhiều năm qua, cấp uỷ, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã coi việc phòng chống bạo lực trong gia đình là một nhiệm vụ trong tổ chức thực hiện chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Ngày 26/11/2008, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Kế hoạch số 2677/KH-UBND xác định rõ trách nhiệm của các ngành, các địa phương của hệ thống chính trị và từng gia đình trong việc ngăn chặn, xử lý các hành vi bạo lực trong gia đình, trong việc củng cố, xây dựng gia đình đạt các tiêu chí: No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững.

Ngay sau đó, 10/10 huyện, thành phố đã xây dựng Kế hoạch tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng chống bạo lực gia đình. Thống kê cho thấy, các huyện, thành phố đã tổ chức 23 đợt tuyên truyền lưu động trên các tuyến đường giao thông, tuyên truyền trên 1.000 buổi trên các hệ thống truyền thanh cơ sở; cấp phát 1.200 cuốn Luật Phòng chống bạo lực gia đình và Luật Bình đẳng giới, 1.327 cuốn sách về giáo dục đời sống gia đình cho cơ sở và các câu lạc bộ gia đình.

Thực hiện sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng chống bạo lực gia đình tỉnh, 7/10 huyện, thành phố đã thành lập được 129 Câu lạc bộ Phòng chống bạo lực gia đình và xây dựng gia đình phát triển bền vững điểm với 2.527 hội viên tham gia. Các huyện, thành phố có câu lạc bộ điểm hoạt động hiệu quả là Yên Dũng, Lạng Giang và Bắc Giang.

Cùng với việc chỉ đạo công tác tuyên truyền Luật Phòng chống bạo lực gia đình ở các địa phương, Ban chỉ đạo của tỉnh đã tổ chức thành công Hội thảo từ ngày 22 đến 25/9/2008 về công tác phòng chống bạo lực gia đình với sự tham gia của lãnh đạo 5 ngành ở 26 tỉnh phía Bắc và ngày 16/11/2008 đã tổ chức tốt lễ phát động chiến dịch truyền thông về Luật Phòng chống bạo lực gia đình với sự tham gia của trên 700 đại biểu đến từ các địa phương và các ngành, đơn vị trong tỉnh. Đồng thời chỉ đạo các ngành, địa phương lấy 19.350 chữ ký hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống bạo lực đối với phụ nữ. Các cơ quan thông tin đại chúng: Đài PTTH tỉnh, Báo Bắc Giang đã có nhiều tin, bài, phóng sự phục vụ kịp thời chiến dịch truyền thông Luật Phòng chống bạo lực gia đình.

Cùng với hoạt động của các ngành, đoàn thể, địa phương, Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh đã tổ chức 02 lớp tập huấn kiến thức về giới và phòng chống bạo lực gia đình cho thành viên Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh cũng như Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ các cơ quan, ban, ngành, địa phương trong tỉnh.

Hoạt động tuyên truyền của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh cũng như Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật các cấp đã tập trung hướng việc tuyên truyền trong năm 2008 phục vụ cho chiến dịch truyền thông Luật Phòng chống bạo lực gia đình. Các ngành thành viên của Hội đồng như Sở Tư pháp, Hội Phụ nữ tỉnh, Tỉnh đoàn thanh niên, Công an tỉnh, Liên đoàn lao động tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Uỷ ban MTTQ tỉnh, Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch, Sở Nội vụ… đã có nhiều hình thức truyền thông về Luật phòng chống bạo lực gia đình như xuất bản Bản tin số chuyên đề về phòng chống bạo lực gia đình, phát hành các tập tài liệu nghiệp vụ, tổ chức các Hội nghị, Hội thảo, nghiên cứu các đề tài khoa học, mở các lớp tập huấn nghiệp vụ, tổ chức các đợt trợ giúp pháp lý lưu động, tổ chức các hoạt động hoà giải, thành lập trung tâm tư vấn pháp luật của các tổ chức hội, đoàn thể…

Với những nỗ lực của các cấp các ngành, công tác phòng chống nạn bạo lực gia đình ở Bắc Giang đang có tín hiệu đáng mừng. Số vụ vi phạm Luật Phòng chống bạo lực gia đình và Luật Bình đẳng giới giảm rõ rệt. Nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân về phòng chống bạo lực gia đình đã có chuyển biến tích cực, đã có nhiều tiếng nói cất lên khi có tình trạng bạo lực xảy ra trong cộng đồng.

Từ thực tế này ở Bắc Giang đã cho thấy, việc thực hiện phòng chống bạo lực gia đình trước hết là phải làm tốt công tác truyền thông về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình. Tiếp đến phải coi việc phòng chống bạo lực gia đình là trách nhiệm của các cấp chính quyền. Thực tế cho thấy, ở nơi nào, địa phương nào cấp ủy chính quyền quan tâm đến công tác phòng chống bạo lực gia đình thì nơi đó, tình trạng bạo lực gia đình sẽ được ngăn chặn và đẩy lùi. Nhưng trên hết, để hạn chế thấp nhất những hậu quả đau lòng từ nạn bạo hành gia đình, điều cần làm trước hết vẫn là phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi bạo lực gia đình. Đồng thời từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình./.

Từ Minh Hải – PGĐ Sở Tư pháp Bắc Giang

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video