Nỗ lực vì sự tiến bộ của phụ nữ vùng cao

30/12/2010
Xã Bản Phố có hơn 3.000 người, trong đó 99% là đồng bào dân tộc Mông. Đã bao đời nay, người phụ nữ Mông xã Bản Phố chỉ biết ngày ngày lên nương, lên rẫy trồng cây ngô, cây lúa. Phần lớn chị em chưa thạo tiếng phổ thông, không biết chữ, thiếu thốn trăm bề… Sinh ra và lớn lên ở bản Phéc Bủng, xã Bản Phố, một xã vùng cao của huyện Bắc Hà (Lào Cai), cô gái người Mông Chấu Thị Lan đến với công tác Hội với mong muốn sao cho đời sống của chị em người dân tộc thiểu số quê hương mình bớt khó khăn.

Năm 2004, chị Lan được chị em bầu làm Chủ tịch Hội LHPN xã. Là một người dân tộc Mông từ nhỏ đã gắn bó với mảnh đất và con người nơi đây, chị Lan hiểu những khó khăn, thử thách sẽ phải đối mặt trong việc tuyên truyền đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước đến với chị em. Nguyên nhân chính của tình trạng này vẫn là do tập quán lạc hậu, đời sống chị em còn gặp nhiều khó khăn, trình độ nhận thức còn hạn chế… Với mong muốn cải thiện đời sống của chị em phụ nữ ở địa phương, chị chịu khó tìm tòi đọc các sách báo, tài liệu, nghiên cứu các văn bản chỉ đạo của Hội phụ nữ cấp trên, tích cực học hỏi kinh nghiệm của chị em đi trước. Bên cạnh đó, chị phối hợp với các ban ngành mở lớp tập huấn, tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng chị em ở các thôn, bản về Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình; vận động chị em tham gia các lớp học văn hóa bồi dưỡng kiến thức tại trung tâm học tập cộng đồng qua đó dần nâng cao nhận thức của chị em phụ nữ. Cùng với đó, chị tích cực vận động hội viên đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng đưa các loại cây, con giống mới cho năng suất cao vào thay thế giống địa phương năng suất thấp. Xác định muốn làm tốt công tác Hội trước tiên phải chăm lo phát triển đời sống của chị em hội viên, chị mạnh dạn tham mưu với cấp ủy chính quyền địa phương vay vốn ngân hàng chính sách xã hội huyện giúp chị em phụ nữ có vốn để phát triển kinh tế. Đến nay, Hội LHPN xã Bản Phố đã quản lý trên 4 tỉ đồng tiền vốn vay và tạo điều kiện cho 287 hộ hội viên nghèo được vay vốn. Từ nguồn vốn vay của Hội, nhiều chị đã vươn lên thoát nghèo, điển hình như gia đình chị Chấu Thị Dúa, gia đình chị Vàng Thị Sung…

Một vấn đề nổi cộm ở khu vực vùng cao biên giới phía Bắc trong thời gian gần đây là hiện tượng phụ nữ bỏ nhà đi khỏi địa phương trong đó Bản Phố là một điểm nóng. Chỉ riêng năm 2010, toàn xã đã có 29 trường hợp phụ nữ đi khỏi địa phương. Để khắc phục tình trạng trên, chị Lan đã tích cực tuyên truyền phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em đẩy mạnh hoạt động của hội đến các Chi hội, tăng cường phối hợp với ban công an xã tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương thành lập Ban chỉ đạo về phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em của xã, tổ chức các buổi tuyên truyền thu hút đông đảo hội viên phụ nữ tham gia. Đến nay, phong trào này đã đem lại hiệu quả bước đầu, tình trạng phụ nữ bỏ nhà ra đi đã giảm, đời sống kinh tế của các gia đình, hội viên trong xã từng bước được cải thiện. Hiện Bản Phố vẫn còn nhiều khó khăn nhưng những nỗ lực của những người như chị Lan đang góp phần vào việc từng bước thay đổi đời sống của chị em phụ nữ xã vùng cao này.

Chính những nỗ lực không mệt mỏi vì một cuộc sống tốt đẹp hơn với phụ nữ vùng cao Bản Phố của chị Chấu Thị Lan đã được ghi nhận và đánh giá cao. Chị Lan trở thành 1 trong 323 đại biểu nữ được tuyên dương tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần này.

Theo Báo Phụ nữ Việt Nam, số 155 ra ngày 27/12/2010 (HM)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video