Nỗ lực xóa bỏ tình trạng bất bình đẳng giới

06/06/2017
Sau hơn 30 năm tham gia Công ước CEDAW (công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ), Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Tuy nhiên, tình trạng bạo lực gia đình, sự phân biệt trên cơ sở giới tính vẫn tồn tại, một nhóm không nhỏ phụ nữ vẫn đang phải chịu đựng tình trạng bất bình đẳng.

Việt Nam vốn bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi tư tưởng phong kiến và Nho giáo. Suy nghĩ “trọng nam khinh nữ” đã ăn sâu, bén rễ vào đời sống nhiều thế hệ. Mặc dù, trong cuộc sống hiện đại, nhận thức về quyền bình đẳng nam nữ đã được nâng cao, nhưng những phân biệt đối xử với phụ nữ vẫn còn thấp thoáng đâu đó ở mỗi nếp nhà, nơi làm việc, thậm chí ở cả một cộng đồng rộng lớn.

Hiện nay, tại nhiều công ty, doanh nghiệp (DN) mức lương của lao động nam và nữ đã có sự đồng đều nhưng phần tiền thưởng thì lại có sự khác biệt rõ rệt. Lao động nam luôn có thể hoàn thành đầy đủ ngày công, còn lao động nữ phải thực hiện thiên chức làm mẹ nên sẽ nghỉ thai sản, hoặc nghỉ phép khi con ốm đau, bệnh tật… Tất cả những điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự tham gia và chất lượng công việc của lao động nữ. Bên cạnh đó, trong Bộ luật Lao động quy định DN sử dụng lao động phải đối xử công bằng giữa nam và nữ. Nhưng trên thực tế, nhìn lao động nữ, người chủ DN thường nghĩ ngay đến việc nghỉ 6 tháng thai sản. Thậm chí, nhiều DN của Việt Nam khi ký hợp đồng lao động đã buộc lao động nữ ký thêm một phụ lục hợp đồng là không được mang thai trong thời gian 2 năm đầu làm việc ở công ty. Nên có tình trạng một số DN chấp nhận tuyển lao động nam dù khả năng làm việc có kém hơn một chút, trình độ thấp hơn một chút để tránh tình trạng nữ công nhân nghỉ thai sản.

Không chỉ chịu nhiều thiệt thòi trong việc phân công việc làm hay trách nhiệm nặng nề ở mỗi gia đình của những người phụ nữ, mà ngay cả ở những đứa trẻ cũng vẫn xảy ra tình trạng phân biệt đối xử giữa bé trai và bé gái. Theo như đánh giá của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực dân số, thì trong 5 năm trở lại đây, chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh liên tục gia tăng. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự cân bằng giới tính trong dân số. Theo đó, nếu như năm 2015, tỷ số giới tính khi sinh tại nước ta là 112,8/100 thì năm 2016, tỷ lệ này đã tới 113,4/100 (tương đương cứ 100 bé gái được sinh ra thì có hơn 113 bé trai cũng ra đời). Các chuyên gia lo ngại, nếu tỷ số giới tính tiếp tục gia tăng và ngày càng lan rộng như hiện nay thì vấn đề về mất cân bằng giới của Việt Nam trong 20-25 năm sau là hết sức nghiêm trọng.

Mặt khác, trong số liệu báo cáo của Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội) mức lương bình quân hằng tháng của lao động nữ khoảng 4,58 triệu đồng, thấp hơn so với lao động nam là 5,19 triệu đồng và tỷ lệ lao động nữ thất nghiệp chiếm 44,6% trên tổng số 1.117.000 người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, tỷ lệ lao động nữ có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp chiếm 57,2% trong hơn 592.000 quyết định trợ cấp. Cho thấy, phụ nữ vẫn được trả lương thấp hơn nam giới và họ tập trung trong khu vực phi chính thức, nhất là các lao động gia đình không được trả công.

Mới đây, tại buổi tọa đàm “Trao quyền kinh tế cho phụ nữ trong bối cảnh thế giới thay đổi về việc làm”, ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã khẳng định: Bất bình đẳng giới trong thị trường lao động vẫn còn phổ biến ở Việt Nam. Các chuẩn mực xã hội như việc phụ nữ phải làm các công việc nhà, chăm sóc con cái; hay phải đảm bảo cân bằng việc nhà và việc xã hội là những khó khăn của phụ nữ khi nắm bắt các cơ hội việc làm bền vững. Tỷ lệ thấp của đại diện giới nữ trong các vị trí lãnh đạo và ra quyết định trong cả khu vực công và tư, các rào cản về mặt chính sách như việc tiếp cận các chính sách an sinh xã hội trong khu vực kinh tế phi chính thức nơi phần đông lao động là nữ giới cho thấy việc trao quyền kinh tế cho phụ nữ đòi hỏi việc xóa bỏ những rào cản này, bao gồm phân biệt đối xử trong luật pháp và thay đổi các chuẩn mực xã hội nhằm thúc đẩy bình đẳng trong việc tiếp cận các cơ hội và kết quả của sự phát triển kinh tế

Trước tình trạng này, trung tuần tháng 5-2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện khuyến nghị của Ủy ban về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ của Liên Hiệp Quốc. Trong đó, nhiệm vụ chủ chốt của kế hoạch là rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và ban hành các văn bản luật pháp, chính sách liên quan đến công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, bảo đảm quyền của phụ nữ, trẻ em gái phù hợp với công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ theo Công ước CEDAW được ký năm 1980.

Bản kế hoạch cũng phân rõ trách nhiệm, nhiệm vụ, lộ trình thực hiện kế hoạch cho các bộ, ngành và địa phương, tránh tình trạng chồng chéo trách nhiệm giữa các ban, ngành, các cấp. Bộ Tư pháp rà soát đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước nhằm góp phần xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ. Trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là nghiên cứu, rà soát sửa đổi quy định chính sách về cấm phân biệt đối xử trong Bộ luật Lao động nhằm phù hợp với Hiến pháp và các cam kết quốc tế về bình đẳng giới; tăng cường thanh tra và kiểm tra về tình hình thực hiện pháp luật về bình đẳng giới trong lao động việc làm.

Bộ Y tế đẩy mạnh tập huấn và truyền thông về sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình; nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em. Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai hiệu quả kế hoạch hành động về bình đẳng giới của ngành giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2020. Nhằm giảm tỷ lệ mù chữ và bỏ học của trẻ em gái dân tộc thiểu số.

Đặc biệt, với vai trò của mình, Bộ Công an cần chỉ đạo công an các cấp phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc phát hiện sớm, can thiệp và xử lý các vụ bạo lực trên cơ sở giới, môi giới hôn nhân bất hợp pháp và bảo vệ nạn nhân. Đồng thời, ngăn chặn các hành vi buôn bán phụ nữ và trẻ em gái vì mục đích bóc lột lao động và tình dục.

Bên cạnh đó, cần tăng cường truyền thông, giáo dục, vận động toàn xã hội nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, bảo đảm quyền của phụ nữ và trẻ em gái. Ngoài ra cũng cần nâng cao trình độ dân trí, tăng cường vai trò gia đình trong bình đẳng giới. Kiên quyết đấu tranh loại bỏ các hành vi bạo lực gia đình. Gia đình là tế bào của xã hội, mỗi thành viên trong gia đình được bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau thì xã hội sẽ công bằng và văn minh.

Các cơ quan chức năng cần rà soát lại tất cả các văn bản luật để lồng ghép bình đẳng giới, làm sao để người phụ nữ có vị trí bình đẳng, đồng thời, phân loại vùng miền, đặc thù từng dân tộc để có những định hướng cụ thể.

Ðặc biệt, phải có chế tài mạnh để bảo vệ trẻ em gái trước các nguy cơ bị bạo hành trong cả gia đình và xã hội. Bên cạnh đó cần có chế tài xử phạt mạnh đối với người đứng đầu cơ quan hay địa phương khi để xảy ra tình trạng bạo hành phụ nữ và trẻ em.

molisa.gov.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video