Nồi cháo tình thương và người đàn bà suốt đời làm việc thiện

26/10/2008
“Nồi cháo tình thương” do bà Em sáng lập và duy trì liên tục từ 20 năm nay, vừa được thành phố Đà Nẵng tặng bằng khen, đã cứu giúp cho rất nhiều người trong cảnh ngặt nghèo coi bệnh viện…là nhà.

“Nếu cô ra đi, con bỏ cái gì cũng được nhưng nồi cháo thì phải giữ nghe con” – Đó là lời cuối, cũng có thể gọi là lời trăng trối của cụ bà Nguyễn Thị Em (nhà 41, Phan Châu Trinh, Đà Nẵng) với người cháu ruột Nguyễn Bích Liên.

Mỗi ngày một việc thiện

Người đàn bà ấy vốn là chủ rạp Kim Châu - rạp xi nê lớn nhất thành phố Đà Nẵng những năm trước giải phóng, bây giờ mang tên mới là rạp Lê Độ mà tất cả người dân xứ này đều thuộc lòng nằm ở đường Trần Phú. Sau khi không kinh doanh lĩnh vực này, bà quay sang buôn bán vàng.

Tiệm vàng không khuếch trương hoành tráng, nhưng tên tuổi và uy tín của bà Em, giới kinh doanh đều nể mặt. Bà Em vừa giỏi giang, lanh lợi, dáng dấp lại cao thanh, nhanh nhẹn, khuôn mặt phúc hậu nên nhiều người yêu quý. Bà chỉ chuyên tâm mỗi chuyện làm ăn mặc dù cha mẹ rất giàu có.

Bà nhận bốn cháu gọi bằng cô, tức con của anh trai ruột về nuôi cho ăn học, những người này đều thành tài và coi bà như mẹ đẻ. Ông anh trai bà Em đã mất, chuyện xưa cũ không muốn nhắc lại, nhưng bà chị dâu người Sài Gòn, hiện đang ở nhà bà Em kể rằng, ngày đó bà đã bị anh trai bà Em bỏ đi theo vợ bé.

Nhưng bà Em không hề bỏ chị dâu và các cháu, mà còn hết lòng cưu mang. Bà Nguyễn Bích Liên nay đã ngoài năm mươi tuổi, bao năm nay theo phụ bà trong hoạt động cứu trợ, đang kế tục duy trì “nồi cháo tình thương” …

Mỗi ngày làm một việc thiện- quan điểm sống của người đàn bà một mình làm nên cơ nghiệp, nhưng cũng nổi tiếng từ tâm. Bạn tâm giao với bà Em- bà Kim Mãi- là người kề vai sát cánh với bà Em suốt sáu mươi năm qua, tuy còn minh mẫn nhưng vẫn không tài nào nhớ hết họ đã cùng nhau đi bao nhiêu đường đất, đến bao nhiêu vùng quê, gặp gỡ và sẻ chia với bao nhiêu số phận mảnh đời heo hút, khó khăn.

Bà Kim Mãi nói làm việc thiện cũng phải có cái duyên và sự khéo léo. Cái duyên để thuyết phục người khác nghe mình, bỏ ra khoản tiền lớn giúp “người dưng” mà không nghĩ gì đến thiệt hơn lợi lộc. Khéo léo để tính toán kịp đến lúc ang gạo của bà con vùng khó đã bắt đầu cạn, của cứu tế ít nhưng tấm lòng trải đều, không để ai nằm ngoài sự quan tâm…

Bà Em chính là người đó, nên được nhóm Khuyến thiện chùa Phổ Đà (Đà Nẵng) giao làm người “cầm cân nảy mực” tất cả các chuyến đi cứu trợ.

Đã thành nếp, trước mỗi chuyến đi, bà Bích Liên dậy từ mờ sáng, giúp người cô chuẩn bị sẵn đồ ăn đường cho tất cả những người trong đoàn. Khi thì mì Quảng chấm mắm nêm, lúc bún chan xì dầu..., những món dân dã rẻ tiền, đảm bảo no và vệ sinh.

Bà Em luôn căn dặn bà Liên, nhiều người ở xa, hoặc không có điều kiện đến tận nơi giúp bà con, họ tin tưởng giao cho mình tiền bạc và cả tấm lòng, mình không giữ chữ tín thì chẳng còn ai tin mình nữa.

Mỗi thành viên trong đoàn đã quen với việc chung tiền thuê xe đi, chứ không khấu trừ vào khoản nào của tiền cứu trợ. Biết tiếng bà Em, nhiều người rất nhiệt tình trước các cuộc quyên góp của bà. Còn những người tham gia đoàn, từ già đến trẻ đều nể phục và yêu mến bà Em. Mỗi chuyến đi với họ là một câu chuyện dài về tình người.

Cô gái Võ Thị Kiều Thu vẫn coi bà Em là ân nhân của quê hương Duy Phước (Duy Xuyên, Quảng Nam), còn nhớ như in con nước trắng xóa cuồn cuộn trên dòng Thu Bồn năm 1998. Bà Em dẫn đầu đoàn cứu trợ trên con thuyền tròng trành qua  bờ bên nước chập chờn bắp đùi.

Lội bộ hơn cây số trong nước mới đến được nơi dân ở. Làng xóm, nhà cửa mấy ngày bị dìm trong mênh mông nước, lo chết chìm, chết đói bao nhiêu lại càng mừng vui xúc động bấy nhiêu khi nhận quà…

Bà Em kêu gọi bạn bè góp tiền lập “Tủ thuốc tình thương” dành cho người nghèo ngay tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Hoạt động này do thiếu kiến thức về y tế nên không hiệu quả, bà chuyển sang việc nấu cháo. Hàng tháng chỉ trừ 4 ngày chay tịnh, nồi cháo thơm ngào ngạt đầy đủ dưỡng chất dành cho người ốm được chở đến Bệnh viện Đa khoa.

Đã bước sang tuổi tám mươi, bà Em vẫn như một người chị cả cần mẫn, tính toán chi li sao cho đảm bảo chất lượng hàng trăm suất cháo đều đặn mỗi ngày, giúp từng ấy con người trong hoàn cảnh túng quẫn.

Năm 2006, bà Em bị bệnh hiểm nghèo nằm mê man liệt giường, trong khi từng miếng ăn của bà phải có người bón, thì những hoạt động nhân đạo theo nếp bà  xây dựng  vẫn duy trì. Ở bệnh viện, những bát cháo nồng ấm tình thương vẫn đều đặn tiếp sức cho bao người.


Nhân rộng những tấm lòng


Mỗi sáng tầm mọi người đến công sở, thường thấy một chiếc xe lam cũ chở toàn là các bà, có cụ đầu tóc đã bạc trắng, vẻ mặt đầy phấn chấn đi từ phía biển lên. Đó là nhóm bà Bê, sáng nào cũng dậy từ lúc 5 giờ đi tắm biển, tập dưỡng sinh... Chiếc xe được hợp đồng cứ theo lịch trình sáng sáng đưa đón các bà tận nơi, với giá rất “hữu nghị”.

Hôm nào có công việc, thì điểm dừng là nhà bà Bê. Căn nhà hai tầng rộng rãi nhưng chỉ có bà Bê và người giúp việc, nên thành điểm tụ họp của cả nhóm và là điểm tập kết hàng đi cứu trợ.

Năm 2006, nhóm bà Bê học tập sáng kiến của bà Em, cũng lập một Nồi cháo tình thương tại bệnh viện để giúp đỡ những bệnh nhân trong hoàn cảnh khó khăn.

Hình dung, nhà bạn neo người, nhất là những gia đình ở quê ra, ở xa đến thì việc lo miếng ăn đảm bảo cho người bệnh là cả một vấn đề. Hai nồi cháo đã trở thành vị “cứu tinh” của họ. Ngoài ra, các bà còn “phát gạo tình thương” cho hàng trăm hộ gia đình vào các dịp Tết, lễ Vu Lan…

Các bà là những người tình nguyện đoàn kết và hết lòng vì việc nghĩa. Điều đáng nói và vô cùng cảm kích là hầu hết họ đều đã ngoài sáu mươi, nhiều bà bảy, tám mươi tuổi. Sức khoẻ đã suy yếu, tính khí thay đổi, con cháu nhiều nhà phải chăm lo từng bữa ăn… Hơn nữa, không phải ai cũng dư dả, an nhàn.

Cụ Trần Thị Thừa 83 tuổi chồng mất sớm, một mình tảo tần chợ búa nuôi 13 con nên người, tâm sự: “Khi tuổi già, cũng cần tìm nguồn vui sống để không trở thành gánh nặng cho con cháu và xã hội”. Với suy nghĩ ấy, họ mải miết với hoạt động từ thiện, cứu trợ. Không chỉ vận động quyên góp, mà chính các bà bỏ tiền túi và đến tận nơi để trao các món quà tình nghĩa cho mọi người tại vùng “nước sôi lửa bỏng”.

Các trung tâm xã hội, mồ côi, tâm thần Đà Nẵng, Quảng Nam, Huế... thường xuyên nhận được sự giúp đỡ của các bà cả về vật chất và tinh thần.

Cụ Thừa kể lại những ngày ở Trung tâm nuôi dưỡng người tâm thần (Đà Nẵng): “Chúng tôi khi thì nấu mì Quảng, khi nấu bún mang đến cho họ ăn. Những người bệnh nặng rất khó tiếp cận vì họ không tỉnh táo, rất mất vệ sinh nhưng không vì thế mà chúng tôi bỏ rơi họ”.

Cụ Dương Thị Đông đã 92 tuổi, vẫn còn là một thành viên tích cực, khi nhắc đến những lần đi cứu trợ tại Tà Lang, Giàng Bí, Hiên, Giằng, Khâm Đức, Khe Sanh, tận vùng sâu Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên… lại bồi hồi.

Cụ nhớ, có khi cả đoàn phải bộ hành vận chuyển hàng cứu trợ trong cảnh mưa gió tầm tã. Nhưng sự cảm kích của bà con khi nhận quà đã làm cho không ai còn nhớ đến tuổi tác và những nguy hiểm, gian truân suốt chặng đã qua.

Tôi đang viết những dòng chữ này, thì được tin cụ Nguyễn Thị Em mất vì căn bệnh quái ác. Đà Nẵng chưa có một đám tang nào đặc biệt hơn thế, lặng lẽ theo sau là gồng gánh chè, cháo, bún…

Những người nghèo khó được bà Em cho vay không lãi tiền làm vốn buôn bán, đến tiễn đưa bà. Và cả những người sống lại nhờ những giọt máu do bà vận động hiến tặng. Số máy 0511.823329 nhà bà, từ nhiều năm qua được Khoa huyết học Bệnh viện Đà Nẵng thuộc lòng, thường gọi tới để xin hỗ trợ máu cho người nghèo, sẽ theo ý nguyện của bà mãi reo chuông cho niềm hy vọng của những bệnh nhân khó khăn về máu.

Theo Lâm Chiêu Tranh
Tiền Phong Online,

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video