Nơi gửi gắm niềm tin của các bà mẹ

04/03/2014
Chị Lê Thị Lãm - chủ cơ sở dịch vụ trông giữ trẻ làng An Lưu, xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị - đã có 13 năm gắn bó với nghề nuôi dạy trẻ. Cơ sở trông giữ trẻ của chị là nơi được nhiều bà mẹ tin tưởng, gửi gắm con của mình...

Những năm 2000-2001, làng An Lưu không còn nhà trẻ như thời bao cấp. Chị em phụ nữ ở đây sớm hôm tần tảo chạy chợ buôn bán ngược xuôi, vừa chăm con nhỏ, vừa lo ruộng đồng nên vấn đề gửi con trở thành nhu cầu bức thiết. Trước thực tế đó, chị Lãm mạnh dạn gặp gỡ và đưa ra ý tưởng trông trẻ và không ngờ ý tưởng đó được chị em đồng tình cao.

Chị khởi nghiệp với cơ sở vật chất nghèo nàn, căn nhà chật chội xuống cấp, thiếu thốn đủ điều. Để tạo điều kiện cho cơ sở hoạt động, gia đình chị quyết định dành khoảng sân trước nhà để làm nơi sinh hoạt cho trẻ. Ban đầu chị chỉ nhận 3 đến 5 cháu. Chị chăm các cháu cẩn thận, chu đáo mà không nề hà khó khăn vất vả, kể cả khi các cháu ốm, đau. Con gái của chị cũng chăm chỉ vén tay vào phụ giúp mẹ trông trẻ ngoài giờ học.

Cơ sở dịch vụ trông giữ trẻ của chị Lãm không quy định giờ giấc đưa đón trẻ, mà đáp ứng tất cả nhu cầu của chị em, có thể bất kể thời gian nào trong ngày, dù sớm hay muộn. Khi nào nhận và đón trẻ chị đều vui vẻ, bởi chị hiểu và cảm thông với hoàn cảnh chị em trong làng - thường thức dậy từ 4-5h sáng để đi chợ hoặc bận việc đến tận lúc tối mịt. Nhiều khi các mẹ cai sữa cho con cũng phải nhờ đến chị chăm sóc và cho ở qua đêm. Chị còn trông giữ trẻ cả ngày thứ 7, chủ nhật. Với bàn tay khéo léo, chăm sóc ân cần và tấm lòng yêu thương con trẻ, dịch vụ trông giữ trẻ của chị luôn được chị em tín nhiệm, số cháu theo học ngày một đông, duy trì thường xuyên 20 cháu theo học. Trước nhu cầu gửi con của các bà mẹ, năm 2007, được sự hỗ trợ của Phòng Giáo dục huyện Triệu Phong và tổ chức Tầm nhìn thế giới, chị sửa lại nhà, lát gạch hoa, làm thêm công trình vệ sinh, bếp và một số trang thiết bị đồ dùng dạy học, làm rào chắn đảm bảo an toàn sân chơi cho trẻ. Chị được Phòng Giáo dục huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị tuyển vào biên chế trường mầm non của xã và được phân công nhiệm vụ cô nuôi.

Tận tâm, tận lực với nghề, để có thêm kiến thức và chăm sóc các cháu tốt hơn, không quản ngại đường sá xa xôi, chị Lãm đã theo học lớp bồi dưỡng sơ cấp cô nuôi dạy trẻ tại Đông Hà và tuyển thêm 2 cô giáo tốt nghiệp Cao đẳng và Trung cấp mầm non vào làm tại cơ sở của chị với mức thu nhập 2 triệu đồng/ người/tháng.

13 năm gắn bó với nghề, mặc dù cuộc sống còn bộn bề vất vả nhưng chị Lãm lúc nào cũng vui vẻ, nhiệt tình. Chuyện về những đứa trẻ luôn là những đề tài khiến chị say sưa chia sẻ với mọi người, như chính chị là người sinh thành ra các cháu. Thế là, hết lớp trẻ này kế tiếp lớp trẻ khác, bụ bẫm, khỏe mạnh lớn lên trong vòng tay yêu thương của chị cùng với niềm tin yêu của chị em phụ nữ trong làng. Cuộc sống của chị bây giờ dường như không thể thiếu vắng tiếng trẻ bi bô mỗi ngày. Với chị, thuở đầu khởi nghiệp vì kế mưu sinh, đến nay, cái nghiệp đó như thấm vào máu thịt, chị không thể xa rời lũ trẻ, như không thể quên điệu hò Chợ Cạn, làng An Lưu đã giúp chị có thêm nghị lực vượt qua những ngày gian khó.

Nằm bên cạnh dòng kênh Thạch Hãn trong mát, cơ sở dịch vụ nuôi dạy trẻ của chị Lãm hàng ngày rộn rã tiếng cười của trẻ thơ. Chắc chắn mai đây khi các cháu khôn lớn, mẹ của các cháu sẽ không quên nhắc nhở con mình, rằng một phần tuổi thơ của các con đã được ấp ủ từ vòng tay yêu thương của “mẹ Lãm”, chủ sơ sở dịch vụ trông giữ trẻ xã Triệu Sơn, một địa chỉ chăm sóc trẻ gia đình đầy tình thương và trách nhiệm.

Trần Thị Phước, Hội LHPN huyện Triệu Phong

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video