Nơi kết nối những người có H

03/12/2010
Theo chị Lê Thu Hà, cố vấn kỹ thuật dự án Mái ấm tình thân, mô hình hoạt động này là "cánh tay nối dài" để đưa người có H đến với các dịch vụ chăm sóc y tế.
Hỗ trợ tiếp cận y tế

Anh Phan Hồng Lãm, tình nguyện viên của Mái ấm chia sẻ: "Tiếp cận với những bệnh nhân có H là một việc làm không dễ dàng. Thông thường, họ cố giấu bệnh tật, không thổ lộ cho người ngoài biết. Là một người đồng cảnh ngộ nên tôi có điều kiện để tiếp cận những người này. Tuy nhiên, có những bệnh nhân phải tiếp cận đến 3-4 lần mới thành công. Nhiều lần, họ còn nhầm tôi là "cò" bệnh viện vì thấy tôi quá nhiệt tình".  

Nơi nghỉ đêm của phụ nữ và trẻ em có H.

 
Chị Hằng (đến từ Lạng Sơn) là một khách hàng của Mái ấm. Chị cho biết, mấy năm trước biết mình có H, muốn đi chữa bệnh nhưng dịch vụ y tế ở Lạng Sơn vẫn còn nhiều khó khăn. Để duy trì sự sống, chồng đã động viên chị xuống Hà Nội. Đến một nơi hoàn toàn xa lạ, chị lúng túng, không biết "cầu viện" ai. Thật may mắn cho chị Hằng khi gặp được các tình nguyện viên, họ đã giúp đỡ hai vợ chồng chỗ nghỉ qua đêm miễn phí, được hướng dẫn đến bệnh viện làm các xét nghiệm, được tư vấn miễn phí chăm sóc sức khỏe.
 
Sau đó, cứ khoảng một tháng, chị Hằng lại xuống Hà Nội lấy thuốc kháng virus ARV và nghỉ ở Mái ấm. Nhờ có tư vấn của các bác sĩ, sự động viên của anh em tình nguyện, chị đã tự tin hơn, sức khỏe được cải thiện.
 
Chị Nguyễn Thị Phấn ở Mỹ Đức (Hà Nội), khi nói về Mái ấm đã không giấu được nước mắt. Chị kể, khi biết mình lây bệnh từ chồng, đứa con cũng bị nhiễm H, chị hoàn toàn sụp đổ. Ra đường thì bị kỳ thị, xa lánh, cả gia đình chỉ muốn bỏ đi thật xa. Nhưng từ bé đến lớn chị chưa ra khỏi lũy tre làng, biết đi đâu?
 
Rồi có người mách chị tìm đến Mái ấm nhờ giúp đỡ và chính anh Lãm đã chia sẻ, tư vấn, tình nguyện chở mẹ con chị đến bệnh viện để được chăm sóc y tế. Từ ngày được tình nguyện viên trực tiếp đưa đi viện để khám, xét nghiệm, làm hồ sơ để được điều trị thuốc kháng virus ARV, sức khỏe mẹ con chị đã được cải thiện rất nhiều.
 
Cũng như gia đình nhà chị Phấn, chị Mai Thị Thu (ở Kim Sơn, Ninh Bình) cho biết, hai vợ chồng rời quê vào miền Nam làm ăn thì phát hiện bị nhiễm HIV. Quay ra Hà Nội để chữa trị được một thời gian ngắn thì chồng qua đời, để lại vợ và hai đứa con thơ, trong đó một đứa bị nhiễm HIV. Đến với Mái ấm,  hai mẹ con đã được theo dõi khám, điều trị tại Bệnh viện Nhi TƯ.
 
Cần nhân rộng mô hình ý nghĩa
 
Chị Lê Thị Nhạn, tình nguyện viên của Mái ấm cho biết, những người có H rất cần sự chia sẻ, động viên. Nhưng hơn hết, họ cần được chăm sóc y tế, cần có thu nhập để sống tốt hơn.
Các dịch vụ được thực hiện tại Mái ấm tình thân là tư vấn trực tiếp hoặc qua điện thoại, chuyển gửi khách hàng đến các dịch vụ y tế, xã hội, pháp lý và quản lý theo dõi từng trường hợp; tạo môi trường thân thiện, chỗ nghỉ qua đêm cho phụ nữ, trẻ em ngoại tỉnh về Hà Nội khám chữa bệnh, xét nghiệm và lấy thuốc... Mái ấm tình thân là mô hình hỗ trợ phụ nữ, trẻ em sống chung và ảnh hưởng bởi HIV của Hội LHPN Việt Nam do cơ quan phát triển quốc tế của Australia tài trợ.
 
Trong 2 năm qua, Mái ấm nhỏ bé này đã tư vấn được 771 khách hàng có H, trong đó có 429 khách hàng nữ, 124 khách hàng nam và 158 trẻ em. Chuyển gửi dịch vụ y tế xã hội, pháp lí cho 515 người, trong đó 271 phụ nữ, 147 nam giới và 111 trẻ em. Những khách hàng cần nghỉ qua đêm cần mang theo giấy tờ tuỳ thân để tiện cho việc khai báo tạm trú. Địa chỉ số nhà 38, ngõ 2, phố Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội. ĐT: 04.62516539.

*Họ tên bệnh nhân đã được thay đổi.

Theo GiadinhNet

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video