Nói không với bạo lực, vì môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em

27/11/2019
Thực trạng các vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em đặt ra yêu cầu cấp bách cần xây dựng môi trường sống an toàn, chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em.

Dù liên tục lên tiếng, song các vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em vẫn diễn ra trên khắp cả nước với tính chất và mức độ bạo hành, xâm hại ngày càng trầm trọng. Nhiều nạn nhân bị bạo lực, xâm hại từ chính người thân của mình. Từ đó đặt ra yêu cầu cấp bách cần xây dựng môi trường sống an toàn, chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em.  

Tuyên truyền thay đổi nhận thức về bạo lực giới

Vào tháng 3/2019, tại Lễ phát động Năm an toàn cho phụ nữ và trẻ em do TƯ Hội LHPNVN tổ chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị từng cấp Hội cần xây dựng kế hoạch cụ thể, lựa chọn những việc làm thiết thực, phù hợp với từng nhóm đối tượng; huy động được sự tham gia của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong bảo vệ an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Hưởng ứng Năm an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái, các cấp Hội đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm thúc đẩy xây dựng không gian sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức xã hội và tổ chức quốc tế đồng hành cùng Chính phủ và Hội LHPN trong việc thực hiện mục tiêu vì sự an toàn của phụ nữ và trẻ em, vì bình đẳng giới và phát triển bền vững. 

Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về giới - gia đình - Phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) cho rằng, chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền thay đổi nhận thức của nam giới - những người gây bạo lực cũng như thay đổi nhận thức của giới trẻ bằng nhiều hoạt động Thời gian qua, trung tâm Csaga đã phối hợp với kênh Tik Tok tổ chức cuộc thi “An toàn cho phụ nữ” và đang triển khai cuộc thi “Cùng thanh niên chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em gái” tại các trường học để hướng tới tuyên truyền thay đổi nhận thức cho giới trẻ. Hi vọng, giới trẻ sẽ có nhiều nhận thức và các cách ứng phó tốt hơn.

Nguyễn Duy Hiếu (sinh viên năm cuối khoa Tâm lý học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) đạt giải Nhì trong cuộc thi Vì một môi trường không bạo lực với phụ nữ và trẻ em dành cho sinh viên tại các trường đại học do Trung tâm Phụ nữ và phát triển, Hội LHPN Việt Nam tổ chức, cho biết việc thúc đẩy phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em phải thay đổi từ nhận thức của người trẻ. Ở Việt Nam, áp lực và khuôn mẫu dành cho nam giới rất lớn, không kém gì phụ nữ. Một người nam giới phải chịu rất nhiều áp lực trong gia đình và ngoài xã hội dưới góc nhìn trụ cột, thành đạt… và khi người ta đi đến ngưỡng chịu đựng tối đa mà không tìm ra cách giải quyết thì sẽ có xu hướng giải quyết theo kiểu “giận cá chém thớt” với chính những người thân của mình. Đó là lý do đàn ông hay là đối tượng gây ra bạo lực trong gia đình. 

Xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ, trẻ em

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN TP Hà Nội cho rằng, xây dựng môi trường sống an toàn, chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em là thước đo cho sự tiến bộ, là trách nhiệm chung của toàn xã hội và mỗi người dân. Do đó, Hội kêu gọi cộng đồng tiếp tục chung tay, thể hiện sự quyết tâm hơn nữa trong xây dựng môi trường sống an toàn cho tất cả chúng ta, trong đó có phụ nữ và trẻ em. Thời gian qua, các cấp hội đã triển khai các giải pháp tuyên truyền, vận động toàn xã hội tích cực, thực hiện có hiệu quả chính sách, chương trình, mục tiêu về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. 

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Ủy viên ĐCT, Trưởng ban Gia đình - Xã hội, Hội LHPN Việt Nam cho biết , công tác phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em những năm qua đã được các cấp Hội quan tâm bằng nhiều hoạt động thiết thực. Các cấp Hội đã triển khai đồng bộ nhiều hoạt động theo hướng một mặt nâng cao năng lực cho phụ nữ và trẻ em để họ có khả năng tự bảo vệ và xây dựng môi trường sống, làm việc an toàn cho chính mình và gia đình. Đồng thời các cấp Hội đẩy mạnh việc lên tiếng trong các vụ việc xâm hại quyền và lợi ích của phụ nữ và trẻ em, tham gia giám sát và thực hiện phản biện xã hội đối với các quy định pháp luật liên quan đến quyền lợi của phụ nữ và trẻ em.

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, để nâng cao năng lực cho phụ nữ và trẻ em, các cấp Hội đã đa dạng hoá hình thức và xây dựng các nội dung truyền thông sát hợp với các nhóm đối tượng, thông qua giáo dục cha mẹ để tác động, bảo vệ, phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em. Song song với tuyên truyền, nhiều mô hình về phòng chống xâm hại, bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em đã được các cấp Hội cả nước xây dựng, nhân rộng như: Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, CLB gia đình không có bạo lực, Người mẹ mẫu mực, bàn tay yêu thương của cha, Nhóm cha mẹ nuôi dạy con tốt, Làng quê an toàn, Thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em... Trung ương Hội vận hành có hiệu quả Ngôi nhà bình yên, hỗ trợ các phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình và mua bán người.

Ngoài ra, Hội LHPN Việt Nam vận động các cấp, các ngành tham gia bảo vệ phụ nữ và trẻ em thông qua việc ký kết các chương trình phối hợp, các hoạt động liên ngành, điển hình là chương trình phối hợp về công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em với Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Công an; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để nam giới, các lực lượng xã hội và những người có ảnh hưởng trong cộng đồng cùng xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ, trẻ em. Bên cạnh đó, Hội LHPN Việt Nam cũng chú trọng học hỏi từ các mô hình hỗ trợ phụ nữ trẻ em với những hoạt động thiết thực và hiệu quả. 

Phụ nữ và trẻ em đang bị bạo lực, xâm hại nghiêm trọng

Theo báo cáo của Hội LHPN Việt Nam, trong năm 2018, có tới 8.056 phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình (BLGĐ), chiếm 85,14% tổng số người bị bạo lực gia đình. Thống kê của Cơ quan Phụ nữ Liê n Hợp Quốc (UNWomen) cũng cho biết, 34,4% phụ nữ Việt Nam từng bị bạo lực tình dục, xếp thứ hai khu vực Đông Nam Á. Cũng năm 2018, có 1.579 trẻ em bị xâm hại và hơn 2.000 vụ bạo lực học đường bị phát hiện. Trung bình mỗi ngày có 4,6 trẻ em bị xâm hại tình dục. Cùng với đó, ngày càng nhiều vụ xâm hại, quấy rối tình dục xảy ra tại nơi làm việc và nơi công cộng gây bức xúc dư luận.

Sáng ngày 17/10, clip dài hơn 2 phút ghi lại cảnh người bố tát tới tấp vào mặt con được đăng tải bởi một tài khoản trên Facebook. Người cha được xác định là Đoàn Văn Tí (trú tại TP Mỹ Tho, tỉnh An Giang) ngồi trên võng bắt con trai khoanh tay và liên tục tát mạnh vào mặt cháu. Tại cơ quan điều tra, anh này khai thường xuyên đánh con khi say rượu. Một vụ việc khác xảy ra tại tỉnh Tây Ninh cũng khiến dư luận vô cùng bức xúc. Bé trai T.N.M.T (6 tuổi) bị mẹ và bạn tình đồng tính bạo hành trong thời gian dài. Ngày 13/6/2019, bé T được đội Cứu nạn giao thông Tây Ninh giải cứu và nhập viện trong tình trạng cơ thể có nhiều vết thương.

Tại Hà Nội, đầu năm 2019, cháu Nguyễn Văn M (SN 2006, trú tại huyện Thạch Thất) xin đóng tiền học nhưng bố mẹ không cho. Sau đó, bố cháu M đã có hành vi bắt con trai nằm ra sàn nhà để em trai nhổ nước bọt vào miệng cháu nhiều lần. Đến khi M bị nôn ra sàn nhà, người cha tàn nhẫn còn bắt em trai lấy phần thức ăn dơ đó cho vào miệng anh... Hay mới đây, cháu Nguyễn Hữu Trọng (SN 2010, Chương Mỹ, Hà Nội) bị chú ruột là Nguyễn Hữu Toàn giết hại và chôn xác trong vườn nhà...

Đối với phụ nữ, không ít vụ việc bạo lực xảy ra thương tâm, mức độ nghiêm trọng khiến dư luận bàng hoàng. Cuối tháng 8/2019, Hội LHPN Hà Nội nhận được báo cáo của Hội LHPN quận Long Biên về vụ việc bạo lực gia đình xảy ra tại Khu đô thị Quân đội, phường Thạch Bàn, quận Long Biên. Người chồng là Nguyễn Xuân Vinh (SN 1987) có hành vi đánh đập, hành hạ vợ là chị Vũ Thị Thu L (SN 1992), trong khi chị L vừa sinh con được 2 tháng, khiến cho chị bị chấn thương vùng đầu phải. Vào khoảng tháng 5/2019, bà Trần Thị Chả (trú tại Đông Anh, Hà Nội) vì bênh con gái bị chồng cũ đuổi đánh đã bị con rể cũ chém vào đầu gây thương tích nặng. Được biết, con gái bà dù đã ly hôn nhưng vẫn luôn bị chồng cũ đe dọa, bạo hành...

Mới đây, báo Phụ nữ Thủ đô cũng nhận được đơn tố cáo hành vi bạo lực gia đình của bà N.T.D (SN 1967, trú tại huyện Chương Mỹ, HN), Theo đó, năm 1989 bà D kết hôn với ông Nguyễn Công T (SN 1967) và có 2 con. Từ khi kết hôn đến nay, chồng bà D thường xuyên rượu chè, cờ bạc, không chịu lao động, làm việc kiếm tiền nuôi vợ con. Bà D phải đi làm giúp việc gia đình để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Thế nhưng, ông T lại thường xuyên chửi mắng, đánh đập vợ rất dã man. Nhiều lần, bà bị chồng đánh khiến tổn thương sức khỏe. Dù con trai đã lấy vợ, song trước mặt các con, bà D vẫn bị chồng hành hạ, đánh vào đầu, chân tay gối khiến toàn thân bầm tím, trầy xước...

Thực tế cho thấy, nhiều vụ việc BLGĐ, bạo lực, xâm hại PNTE xảy ra chưa được xử lý nghiêm minh, có những vụ hình sự nghiêm trọng nhưng lại bị thương lượng dân sự. Định kiến với nạn nhân bị bạo lực khiến nạn nhân cảm thấy xấu hổ, im lặng chấp nhận và không dám tố cáo. Trẻ em, phụ nữ không được tiếp cận, cung cấp thông tin và kiến thức để tự bảo vệ mình. Tâm lý đổ lỗi cho nạn nhân, những khuôn mẫu, định kiến giới khiến cho nạn nhân thậm chí không dám lên tiếng bảo vệ bản thân và bảo vệ người khác khiến cho vấn đề càng trở nên trầm trọng hơn.

baophunuthudo

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video