Nơi nâng đỡ những mảnh đời bất hạnh

13/12/2007
Chỉ còn lại những ngôi nhà trống hơ trống hoác, trên bàn thờ là những di ảnh lạnh tanh; chỉ còn lại những đứa trẻ mồ côi khóc khan nước mắt tìm hỏi mẹ và những người bà lưng còng thức thâu đêm chăm cháu, ngày ngày đối mặt với miếng cơm manh áo, lấy gì chăm con mắc nghiện, nhiễm HIV và nuôi cháu mồ côi?…

Sẽ không thể vượt qua nếu như không có sự chia sẻ của cộng đồng, sự giúp đỡ nhiệt tình của những người cùng cảnh ngộ - đó là tâm sự chung của những người có HIV và bị ảnh hưởng bởi HIV chúng tôi ghi nhận được trong chuyến thăm, dự sinh hoạt tại CLB Đồng Cảm người cao tuổi phường Trần Hưng Đạo (TP. Hạ Long) và một số gia đình thành viên bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS do Hội người cao tuổi Việt Nam và T.W Hội người cao tuổi Việt Nam phối hợp tổ chức cuối tháng 10 vừa qua trong khuôn khổ dự án “Các cơ chế cộng đồng nhằm giảm thiểu tác động của HIV/AIDS tại Việt Nam”.

 

Thấm đẫm tình người

 

Nếu như ai đó có dịp ghé thăm, được dự sinh hoạt, giao lưu văn nghệ cùng các thành viên CLB thì không thể tin rằng họ đang phải gánh chịu những khổ đau khó có thể nói bằng lời. Đến với CLB, họ dường như trở thành những người khác hẳn: sôi nổi, hoạt bát, lấy tiếng hát át đinhững nỗi buồn hiện tại và trên hết là những ánh mắt trìu mến, thân thương, sự cảm thông chia sẻ, nâng đỡ nhau trong cơn hoạn nạn để sống những giờ phút như bao người bình thường khác.

 

Chị Vũ Thị Kim Nhung, Chủ nhiệm CLB Đồng Cảm người cao tuổi phường Trần Hưng Đạo tâm sự, cái được lớn nhất sau 2 năm đi vào hoạt động của CLB là đã xoá được kỳ thị của xã hội đối với các thành viên CLB. Ở phường Trần Hưng Đạo, bất cứ dòng họ nào cũng có người liên quan đến ma tuý, TNXH hoặc HIV/AIDS. Bằng nhiều cách, Ban chủ nhiệm CLB đã giúp mọi người hiểu rằng, nếu kỳ thị người có HIV là kỳ thị ngay chính người thân trong gia đình, dòng họ mình. Chính vì vậy, mọi người trong CLB đã không còn mặc cảm và cộng đồng đã không còn xa lánh họ. Từ 4 thành viên ban đầu đến nay CLB đã thu hút được 21 thành viên là những người sống chung với HIV tham gia.

 

Từ mặc cảm, tự ty, nhờ sự giúp đỡ tận tình của CLB, bản thân trong Ban chủ nhiệm cũng có người bị ảnh hưởng của HIV/AIDS, nên nhiều thành viên đã vượt lên hoàn cảnh, không những chăm lo được cho bản thân, gia đình mà còn là những tuyên truyền viên, tích cực tham gia vận động, tuyên truyền trong cộng đồng, nâng cao nhận thức cho mọi người về phòng chống HIV/AIDS. Điển hình là chị Nguyễn Thúy H. ở tổ 3, khu 4. Có ai hiểu hết được nỗi đớn đau của chị khi trong gia đình có tới 5 người nhiễm HIV và trong 1 năm phải chứng kiến 4 người thân lần lượt ra đi. Được động viên, an ủi, từ rụt rè, ái ngại, chị đã mạnh dạn tham gia các hoạt động của CLB, tham gia vào nhóm chăm sóc người nhiễm HIV. Được vay 2 triệu đồng, chị đã mua lợn về nuôi, làm nghề đóng gạch và được Hội LHPN giới thiệu nghề thu gom rác thải, mỗi tháng chị cũng thu nhập được 600 nghìn đồng. Cái đói cái nghèo đã được đẩy lùi và giờ đây chị đã trở thành tổ trưởng tổ phụ nữ 3, uỷ viên BCH chi hội phụ nữ khu 4 và là thành viên tích cực trong công tác phòng chống HIV/AIDS của phường. Hay như trường hợp của bà Trần Thị Kh., tổ 2, khu 4. Bà Kh. tâm sự, trước đây khi chưa tham gia CLB, bà thấy xấu hổ, không dám tiếp xúc với ai nhưng nay bà cảm thấy tinh thần thoải mái, phấn chấn hơn. Chồng mất, lương hưu ít, bà đầu tư 1 triệu đồng vốn vay tần tảo buôn bán rau, nuôi cháu họ bố mẹ chết, nuôi cháu nội mẹ nhiễm HIV đã bỏ đi. Rồi trường hợp của bà Nguyễn Thị L., tổ 2, khu 4 - người Chủ nhiệm CLB Đồng Cảm đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh - tiền thân của CLB Đồng Cảm người cao tuổi hiện nay, mặc dù 2 con đã chết do AIDS nhưng bà vẫn tích cực tham gia CLB. Mong muốn duy nhất của bà là được chia sẻ trách nhiệm với chị em cùng cảnh ngộ. Bản thân bà mở hàng nước cùng con dâu làm thêm dịch vụ rửa xe, cuộc sống giờ đã tạm ổn. Đối với bà, các thành viên trong CLB đã trở lên thân thích tự lúc nào.

 

Người trong cuộc mong muốn gì?

 

Tham gia CLB Đồng Cảm người cao tuổi phường Trần Hưng Đạo, ai cũng có chung nhận xét: rất thiết thực và hữu ích – đó cũng chính là mục tiêu Dự án Vie 011 “Các cơ chế cộng đồng nhằm giảm thiểu tác động của HIV/AIDS tại Việt Nam” do Tổ chức hỗ trợ người cao tuổi quốc tế (HAI) tài trợ đặt ra. Hiện nay tại Quảng Ninh có 15 CLB Đồng Cảm người cao tuổi đang hoạt động. Từ khi triển khai Dự án đến nay đã có hàng nghìn lượt người được khám bệnh, trong đó đáng lưu ý là có hàng trăm đối tượng có nguy cơ cao, trẻ em mồ côi bị ảnh hưởng bởi HIV. Sau gần 2 năm đã có gần 200 lượt người được tiếp cận với thuốc kháng virut ARV, gần 4.000 lượt người được nghe tư vấn về HIV/AIDS, hàng trăm người được thăm hỏi khi ốm đau và hàng chục trường hợp được phúng viếng khi qua đời. Đặc biệt đã có 490 người được vay vốn phát triển chăn nuôi, làm dịch vụ, buôn bán với số tiền lên đến 790 triệu đồng……

 

Rõ ràng, lợi ích thiết thực của CLB Đồng Cảm người cao tuổi là không thể phủ nhận. Tại buổi sinh hoạt CLB, rất nhiều thành viên mong muốn con cháu họ có việc làm, nhất là đối với những người đã cai hoặc những người đang sống chung với HIV, mong được miễn học phí, được xét nghiệm HIV miễn phí ở địa chỉ tin cậy, gần nhà, được tiếp cận ARV,mong cho CLB được duy trì mãi mãi… Đặc biệt khi không còn gì để “chống đỡ” thì tấm thẻ BHYT đối với họ là vô cùng quan trọng. Nên chăng Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ họ trong vấn đề này và khi người cao tuổi cần vay vốn, phát triển sản xuất kinh doanh, nếu có phương án khả thi cũng rất cần được quan tâm, được xét cho vay vốn bình đẳng như các đối tượng khác. Điều băn khoăn lo lắng nhất của họ, theo như bà Trần Thị L., tổ 10, khu 4 thì khi “khuất núi” về với tổ tiên, ai sẽ là người chăm sóc những đứa trẻ mồ côi? Qua thực tế cho thấy, một bộ phận người cao tuổi đang phải đối mặt, bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề bởi HIV/AIDS mặc dù hiện nay nước ta đã có nhiều văn bản luật pháp chính sách nhằm hỗ trợ người có HIV, trẻ mồ côi do AIDS và người cao tuổi, tuy nhiên những văn bản này lại chưa thực sự đi vào cuộc sống.

 

Theo chị Vũ Thị Kim Nhung, ngoài nỗ lực của CLB, nhằm phát triển bền vững còn có những vấn đề mà bản thân CLB hay Hội LHPN, Hội Người cao tuổi không thể giải quyết được, đòi hỏi cấp uỷ, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể vào cuộc như tạo việc làm, dạy nghề, cho vay vốn phát triển kinh tế gia đình; có chế độ, chính sách hỗ trợ cụ thể đối với người nhiễm HIV cũng như người cao tuổi bị ảnh hưởng bởi HIV, đặc biệt là các đối tượng đơn thân không nơi nương tựa. Cùng với đó là cần tạo điều kiện để có nhiều hơn các CLB Đồng Cảm người cao tuổi – nơi người sống chung với HIV, người bị ảnh hưởng bởi HIV nương tựa vào nhau, tìm thấy sự cảm thông, chia sẻ, xoá đi sự kỳ thị, xa lánh, góp phần cùng cộng đồng ngăn chặn, đẩy lùi HIV/AIDS.

Đỗ Hoa – Trung tâm Thông tin

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video