Nữ bác sĩ quan trọng nhất thế giới

25/02/2015
Đó chính là bà Margaret Chan, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Bà Margaret Chan vừa được tạp chí Forbes xếp vào vị trí 30 trong số những người phụ nữ nhiều ảnh hưởng nhất thế giới năm 2014. Điều này càng đúng hơn khi năm 2014, cả thế giới liên tiếp “rúng động” bởi đủ các dịch bệnh…
 

“Chiến sĩ” dập dịch

 

Người ta có thể thấy bà Margaret Chan làm việc không biết mệt mỏi trong vài chục năm qua. Trước khi trở thành người đứng đầu WHO, bà Chan đã từng 9 năm là Giám đốc Sở Y tế Hong Kong (Trung Quốc). Trên cương vị này, bà đã được ghi nhận với nhiều đóng góp cho ngành y tế Hong Kong. Dấu ấn của bà ngày càng đậm nét từ khi thế giới xuất hiện dịch cúm gia cầm H5N1 năm 1997. Hồi đó, bất chấp việc bị phản đối dữ dội từ chính quyền, bà Chan đã quyết định tiêu hủy 1,5 triệu con gia cầm, tức là toàn bộ gia cầm ở Hong Kong, để kiềm chế dịch. Sau lệnh của bà, hơn 1.000 nhân viên y tế đeo găng tay và bịt mặt đã tỏa khắp các khu chợ đông đúc ở Hong Kong tiêu hủy gia cầm. Quyết định táo bạo và mạnh tay này được đánh giá là góp phần quan trọng trong kiềm chế virus H5N1.

 

Sau khi Hong Kong hết dịch, bà Chan được hoan nghênh nhiệt liệt. Thái Lan đã tặng bà giải thưởng “Hoàng tử Mahidol”- người là cha đẻ ngành y dược hiện đại Thái Lan. Trường Bác sĩ Hoàng gia trao cho bà tư cách thành viên khoa Y tế cộng đồng và Nữ hoàng Anh tặng bà giải thưởng OBE. Sau này, ông David Heymann, Chủ tịch Cơ quan Bảo vệ sức khỏe Anh cũng nhận xét về bà Chan: “Bà ấy có đủ sự dũng cảm và chứng cứ khoa học để ra quyết định và những quyết định đó luôn đúng”.

 

Đến giai đoạn 2002-2003, vai trò của bà Chan một lần nữa được khẳng định khi Hong Kong xảy ra dịch SARS chết người, lan từ Hong Kong sang 37 nước. Bà đã bị chính quyền chỉ trích là bị động, kém hiệu quả khi để xảy ra cái chết của 299 người. Tuy nhiên, một ủy ban chuyên gia về SARS do chính quyền Hong Kong thành lập để đánh giá cách xử lý dịch đã minh oan cho bà Chan, khẳng định đây không phải là lỗi của bà mà là lỗi cơ cấu của cả hệ thống y tế Hong Kong. Cũng cần phải nói rằng bà Chan đã góp nhiều công sức trong dập thành công dịch SARS.

 

Khi thế giới kinh hãi trước tốc độ lây lan của virus cúm H1N1 năm 2009, người ta lại thấy bà Chan chôn mình trong núi công việc tại “phòng chiến tranh” ở trụ sở WHO tại Geneva, Thụy Sĩ. Bà chạy đua với thời gian để điều phối kế hoạch hành động chiến đấu với kẻ thù mới. Ông Mike Ryan, Giám đốc Trung tâm Điều hành Y tế chiến lược của WHO, nói: “Bà Chan đang điều hành mọi việc, bà hết họp sáng rồi lại tối. Bà đang thúc đẩy chiến dịch hành động”.

Năm 2014, bà Margaret Chan lại cùng cả thế giới đương đầu với virus Ebola đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người. Giai đoạn đỉnh điểm của dịch đã qua, một phần nhờ công sức của bà Margaret Chan và WHO cùng nỗ lực của toàn cầu.

 

Học ngành y vì… yêu gia đình

 

Là người năng nổ, tận tâm trong công việc là thế, nhưng bà Chan lại được đồng nghiệp miêu tả là người thoải mái, niềm nở và hiểu biết về truyền thông. Bà là một lãnh đạo năng động, có thể thuyết phục và dẫn dắt mọi người tới sự đồng thuận.

 

Sinh năm 1947 tại Hong Kong, bà Chan chưa bao giờ định học ngành y. Bà chọn học sư phạm tại trường Cao đẳng Giáo dục Northcote ở Hong Kong và sau đó từng dạy tiếng Anh, địa lý, toán học và kinh tế ở trường trung học Nữ hoàng Elizabeth.

 

Một điều ít người biết là lý do bà theo học ngành y. Bà trở thành một bác sĩ vì tình yêu, không phải tình yêu với ngành y ngay từ đầu mà là tình yêu dành cho David Chan, chồng mới cưới của bà. Khi ông rời Hong Kong đến học ở Canada năm 1969, bà lo lắng hai người sẽ xa mặt cách lòng, rồi tan vỡ hôn nhân. Mẹ bà khuyên bà đi theo tiếng gọi của trái tim.

 

Khi David Chan muốn thành bác sĩ, bà lo lắng việc học của ông có thể khiến họ có ít cơ hội bên nhau. Vì thế bà đã cùng ông theo học trường Đại học Tây Ontario.

 

Rồi họ cùng nhau về Hong Kong sau khi hai người đã tốt nghiệp. Bà Chan không nhìn thấy nhiều cơ hội trong lĩnh vực mà bà đã chọn là nhi khoa nên đã vào sở y tế làm việc. Từ đó, sự nghiệp của bà phát triển rất thuận lợi, tất nhiên là nhờ nỗ lực, sự tận tụy và năng lực thực sự. Dù vậy, bà vẫn khiêm tốn nói rằng thành công đó là nhờ may mắn. Sau đó, bà tiếp tục học cao hơn, lấy bằng thạc sĩ y tế công cộng của trường Đại học Singapore và học khóa học quản lý ở khoa Kinh doanh, trường Harvard năm 1991. Bà chiêm nghiệm: “Tôi học được rằng mỗi một quyết định đều có giá”. Trong quá trình làm việc, bà cũng nhận ra sự đầu tư và chuẩn bị sẵn sàng cho một dịch bệnh rất tốn kém, nhưng sẽ phải trả giá nhiều hơn nếu không đầu tư.

Theo baophunuthudo.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video