Nữ biệt động 8 lần gặp Bác Hồ

18/05/2007
“... Niềm an ủi lớn nhất của tôi là những đứa con đã trưởng thành, hiểu một cách sâu sắc con đường mà thế hệ cha ông và Bác Hồ đã lựa chọn. Các con tôi chưa một lần được gặp Bác, nhưng tôi đã truyền lại cho các con tất cả những gì mà tôi đã cảm nhận được qua 8 lần được gặp Bác. ...”, chị Trần Thị Kim Cúc, tâm sự.

Chị Trần Thị Kim Cúc (SN 1946), hiện trú tại 149 đường Thanh Long, phường Thanh Bình, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.

Chị Kim Cúc kể: Năm 17 tuổi, chị trở thành Đội trưởng Đội công tác đặc biệt, hoạt động tại nội thành Đà Nẵng, 20 tuổi chị vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Chị là thương binh nặng 1/4. Và chị bắt đầu bằng câu chuyện diệt Mỹ. Hôm đó, đầu năm 1962, từ nguồn tin cơ sở có 34 sỹ quan Mỹ đến Đà Nẵng làm cố vấn để huấn luyện cho Quân đoàn I, Quân đoàn II quân đội Sài Gòn đóng tại Bán đảo Sơn Trà và khu vực Hòa Cầm, Đà Nẵng.

Đội công tác đặc biệt của chị Cúc lập tức bí mật gặp nhau tại chùa Diệu Phát bàn bạc. Khoảng 5 ngày sau, H2 là bí danh của anh Lê Hợi lái xe cho trại lính ở Sơn Trà đưa cho chị Kim Cúc một mảnh giấy của H1 ghi nội dung: “9 giờ sáng này có cinema, cậu theo xe đến đúng hẹn để kịp xem”. Chị Kim Cúc cho biết H1 tức là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Nổi, là cơ sở nội tuyến của ta hoạt động tại Sở Chỉ huy quân đoàn địch đóng ở Sơn Trà.

Chị Kim Cúc kể tiếp: Nhận được mật hiệu của H1, tôi lập tức lắp đạn vào súng, hóa trang cẩn thận chờ H2 đi lấy thực phẩm xong quay lại đón sang Sơn Trà, sau đó H1 chở tôi bằng xe đạp ra phía cảng Tiên Sa. Hai anh em vừa tới nơi thì bọn Mỹ cũng vừa trên núi xuống... Thấy chúng gần quá, dễ đánh như chơi. H1 liền móc túi lấy 2 quả lựu đạn M26 bảo: “Ngứa mắt quá, mình rợt luôn đi đội trưởng ơi!”.

H1 hăng quá và là cơ hội ngàn vàng nên tôi cũng gặt đầu. H1 đưa cho tôi một quả M26, cùng lúc 2 quả lựu đạn bay vào bọn Mỹ nổ vang, bọn chúng rống lên như bò bị chọc tiết. Còi báo động khu Sơn Trà réo inh ỏi, xe nhà binh chở lính chạy rần rần đổ xuống chặn tất cả các ngả đường. H1 lại dùng xe đạp chở tôi phóng như bay đưa tôi thoát ra khỏi khu quân sự, hối tôi lên xe lam chở khách về nội thành, còn anh bình tĩnh đạp xe quay về trại lính...

Mãi mấy ngày sau H2 trên đường đi lấy thực phẩm đã báo cho chị Cúc biết là có 3 tên Mỹ chết tại chỗ, 2 tên bị thương nặng... Bọn Mỹ - quân đội Sài Gòn không tìm ra được manh mối gì, vẫn đang nghi kỵ lẫn nhau. Sau trận đánh đó, các chú các anh ở Huyện uỷ đã động viên chị Kim Cúc và H1 là mưu trí, thông minh nhưng cũng phê bình là nôn nóng...

Một lần khác, trong lúc đi trinh sát để chuẩn bị cho một trận đánh mới thì chị Cúc bị địch bắt, chúng tra tấn dã man, đóng cây đinh 5 phân vào sọ não để lấy cung nhưng chị một mực không khai, không biết. Năm 1966, những cơn động kinh giằng xé, hành hạ chị suốt ngày đêm, lãnh đạo tỉnh Quảng Đà đã bí mật đưa chị ra miền Bắc chữa bệnh. Và chị Kim Cúc nhớ như in lần đầu tiên gặp Bác Hồ kính yêu: “Hôm đó, chiều 19/5/1966, tôi và chị Mười quê Mỹ Tho, Tiền Giang nằm điều trị chung một phòng ở Bệnh viện Việt - Xô thì chú Trần Kim Ảnh, Giám đốc bệnh viện và bác sĩ Bình, chủ nhiệm khoa bước vào hỏi thăm tình hình sức khoẻ, thông báo: “Lúc nữa có người trong Phủ Chủ tịch đến thăm”. Chúng tôi mừng vui khôn xiết, mắt luôn dõi nhìn ra ngoài trông chờ từng giây..

Đúng 7 giờ tối, tôi thoáng thấy một người dáng cao, nhanh nhẹn với chòm râu bạc phơ, đi bên cạnh là chú Vũ Kỳ. Bác mặc bộ bà ba màu nâu thẫm, ở ngoài khoác chiếc áo bờ-lu trắng bước rất nhanh vào phòng chúng tôi. Tôi nói với chị Mười “Đúng là Bác Hồ rồi”. Vừa nói, tôi vừa định chạy nhanh đến đón Bác nhưng vì mừng và xúc động nên hai chân tôi như dính chặt xuống đất, còn chị Mười vẫn ngồi yên ở trên giường vì chân chị bị tê liệt, không thể đi lại được. Bác vội vẫy tay bảo: “Hai cháu ngồi ở đó, đừng chạy ra”.

Tôi lặng người nhìn Bác, một cụ già trán cao, mắt sáng, râu tóc bạc phơ, hiền từ, gần gũi như người ông trong gia đình, vừa giản dị, vừa âu yếm làm sao! Bác hỏi thăm về bệnh tình, sức khoẻ chúng tôi. Nghe bác sĩ Trần Kim Ảnh báo cáo tôi bị đóng đinh vào đầu, Bác đưa tay sờ lên đỉnh đầu tôi, lo lắng hỏi: Đau như vậy, đêm cháu có ngủ được không? Rồi Bác đưa tay vẫy bác sĩ Bình lại dặn: Chú phải theo dõi cả việc ăn uống của các cháu, nhắc nhà bếp phải đổi món và chế biến thức ăn cho hợp khẩu vị...

Tôi và chị Mười lúc đó nghẹn ngào, không nói được lời nào. Bác trìu mến nhìn chúng tôi và nói: Cháu Mười ở Mỹ Tho, cháu Cúc ở Quảng Đà, mỗi cháu công tác ở mỗi nơi, nhưng về nằm viện phải biết đoàn kết, thương yêu và săn sóc nhau, coi nhau như chị em ruột thịt. Các cháu phải cố gắng ăn nhiều hơn, phải coi uống thuốc, ăn cơm như nhiệm vụ đánh Mỹ của các cháu ở miền Nam trước đây mới được!...

Và thật bất ngờ, gần 1 tháng sau, chiều 10-6-1966, Bác Hồ cho xe của Bác đến K5 đón tôi, chị Mười và cả chị Tạ Thị Kiều, Y Vân... vào Phủ Chủ tịch cùng ăn cơm với Bác. Vừa bước ra khỏi xe, tôi đã nhìn thấy chú Phạm Văn Đồng từ cầu thang đi xuống. Chúng tôi quấn quýt quanh chú. Chợt chú Đồng cười bảo chúng tôi: “Ai kia kìa”. Theo tay chú Phạm Văn Đồng chỉ, chúng tôi thấy Bác Hồ đang đứng bên hàng dâm bụt, tay Bác cầm điếu thuốc đứng nhìn chúng tôi âu yếm. Xúc động quá, tôi kéo tay chị Mười chạy tới Bác mà quên rằng chân chị Mười đi lại rất khó. Bác vội đưa tay ra dìu chị Mười đến ngồi vào ghế dưới giàn nho nơi làm việc của Bác.

Bác bảo: “Chiều ngày kia (tức chiều 12-6), các cháu sang Trung Quốc chữa bệnh. Ở bên đó, có điều kiện hàng ngày tiếp xúc với người nước bạn, lúc khỏe thì các cháu nên tranh thủ học tiếng. Biết được các thứ tiếng nước ngoài chừng nào tốt chừng ấy, phòng khi ta nghe và nói chuyện trực tiếp với họ mà không cần phiên dịch. Biết các cháu sang, nhất định nhà báo sẽ đến khai thác. Bác dặn: nếu sức khỏe không bảo đảm thì nên tránh để nghỉ. Lúc khỏe thì nên cho họ gặp kể cho họ biết tội ác của Mỹ - quân đội Sài Gòn và tinh thần bất khuất đấu tranh đánh giặc của ta...”.

Sau một thời gian đi chữa bệnh ở Trung Quốc về, tôi và chị Mười về nước lại ở cùng với nhau. Chân chị Mười đi lại bình thường không bị liệt nữa. Chúng tôi lại được vào thăm Bác. Bác hỏi tôi: “Sau thời gian dài chữa bệnh ở ngoài nước, cháu thấy sức khỏe ra sao? Bác nghe nói cháu vẫn còn lên những cơn động kinh phải không? Trời rét, đầu cháu có còn tê buốt nhiều không?”... Bác hỏi chị Mười: “Cháu Mười, chân đi còn cảm giác nặng nặng không?”.

Hỏi xong, Bác lại dặn: “Mùa rét các cháu phải giữ ấm, mặc quần áo Đông Xuân, đi bít tất vào. Cháu Cúc phải thường xuyên đội mũ để bảo vệ cái đầu...”. Tôi và chị Mười vâng dạ ghi lời Bác Hồ căn dặn, rồi lần lượt thưa với Bác về kết quả chữa bệnh của mình. Sau đó, tôi đi học bổ túc văn hóa ở Hưng Yên và thi đậu vào Khoa Hóa, khóa 17 Trường Đại học Bách khoa Hà Nội...”.

Giờ đây, chị Trần Thị Kim Cúc đã ngoài 60 tuổi, sức khỏe giảm sút bởi những vết thương do bị địch tra tấn tái phát. Song, khi được gợi chuyện về những lần được gặp Bác Hồ, chị dường như khỏe ra và lanh lẹn hẳn lên. Chị nói với tôi rằng: Chị đang chỉnh sửa lại những trang bản thảo cuốn Hồi ký của chị chuẩn bị xuất bản, để con cháu hiểu biết thêm về một thời không thể nào quên ấy...

Theo CAND.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video