Nữ biệt động năm xưa và mối tình có hậu

13/07/2008
Nữ biệt động Huỳnh Hồng Vấn sinh năm 1950, ở ấp Bà Hội, xã Thới Bình, huyện Thới Bình. Năm 1966, khi ấy chị vừa tròn 16 tuổi, theo tiếng gọi của quê hương, đất nước và tiếp bước thế hệ của cha anh, Hồng Vấn lên đường làm nhiệm vụ cách mạng.

Đầu tiên, chị tham gia công tác giao liên ở xã Tân Lợi, huyện Thới Bình. Công tác ở đây được một thời gian, đến ngày 12-2-1967, chị được rút về Đội biệt động thị xã Cà Mau. Với biệt danh là Thu Trang, Huỳnh Hồng Vấn đã tham gia nhiều trận đánh và lập nhiều chiến công vang dội trong đơn vị Đội biệt động lúc bấy giờ. Để hoạt động được an toàn, lợi thế của đa phần nữ biệt động là tuổi đời phải còn trẻ, bản chất thông minh, đẹp... Nữ biệt động Huỳnh Hồng Vấn còn là thế hệ đầu tiên của Đội biệt động thị xã. Nhiệm vụ chính của đội là tham gia đánh trái, bám sát tình hình địa bàn hoạt động và tổ chức đánh chặn trước khi bọn Mỹ-ngụy thực hiện chiến dịch càn bố. Với đơn vị biệt động, trong chiến đấu, mọi thứ cần phải chính xác và tuyệt mật, nếu có một chút sơ hở sẽ phải trả giá bằng cả tính mạng.

Rồi điều không may đã xảy ra đối với nữ biệt động Hồng Vấn - Tiểu đội phó Biệt động D60. Ngày 19-5-1970, trong một lần tham gia đánh trái ngăn chặn đoàn xe quân sự của địch chuẩn bị đi càn, người con gái có biệt danh Thu Trang đã bị bắt. Trong chốn lao tù, có lẽ không lời nào tả hết những đòn tra tấn dã man của kẻ thù. Ai cũng biết Đội biệt động thị xã Cà Mau trong những ngày đầu mới thành lập, với khẩu hiệu “hoa nở trong lòng địch” nên những chiến sĩ đa phần là nữ, tuổi đời còn rất trẻ. Thế nhưng, lại ít ai biết được có một sự khắc nghiệt đến đau lòng đối với nữ biệt động khi bị bắt thời kỳ này, đó là: Sau khi ra tù thường trở nên mặc cảm, lạnh lùng, đôi khi tàn nhẫn ngay với chính bản thân mình; phần lớn sống cuộc sống cam chịu, không chồng con. Bấy nhiêu đó, cũng đủ làm  chúng ta hôm nay suy ngẫm về sự tàn ác man rợ của kẻ thù đối với những nữ tù biệt động lúc bấy giờ như thế nào. Nhưng trước những trận đòn roi, tra tấn hèn hạ ấy, không làm lung lạc ý chí quật cường của nữ tù biệt động Hồng Vấn mà còn làm tăng thêm lòng căm thù giặc sâu sắc. Càng tra tấn, Hồng Vấn càng trở nên gan lì, đấu tranh mạnh mẽ hơn ngay ở trong nhà tù, tuyệt thực để chống lại bọn chúng. Dụ dỗ, tra tấn vẫn không khai thác được gì, chúng kêu án Huỳnh Hồng Vấn 3 năm tù và chuyển từ khám lớn Cà Mau lên khám Cần Thơ, rồi lên Thủ Đức. Trong thời điểm này, ở Thủ Đức phong trào đấu tranh trực diện diễn ra rất sôi nổi, nhất là lực lượng học sinh, sinh viên, đòi Mỹ-ngụy phải thả ngay những tù chính trị. Tháng 10-1973, Huỳnh Hồng Vấn được trảû tự do.

Sau khi ra tù, với thân xác bệnh tật do bị tra tấn, nữ biệt động Huỳnh Hồng Vấn phải đi chữa trị một thời gian dài mới hết căn bệnh do bị hành hạ trong tù. Hết bệnh, Hồng Vấn không về quê mà đến với mảnh đất U Minh dạy học. Dạy học ở Lung Ranh một thời gian, cơ quan đưa đi học lớp công nông ở Cà Mau. Hoàn thành xong chương trình công nông, chị được chuyển về Công ty công nghệ phẩm làm việc. Ở đây, chị gặp được Châu Phủa - người làm việc cùng cơ quan và được ngỏ lời yêu. Nhưng chị luôn tránh né, luôn mặc cảm với bệnh tật của mình, bởi nỗi ám ảnh của chốn lao tù vẫn còn đeo đẳng.

Nhưng rồi với lòng chung thủy, trước sau như một, đặc biệt là sau khi nghe chị tâm sự hết nỗi niềm của mình là “ngoài thiên chức làm vợ, chị khó có thể làm mẹ”. Thế nhưng, bằng tình yêu cao đẹp, người con trai đó chấp nhận tất cả vì lòng yêu thương và muốn chia sẻ cùng chị trong quãng đời còn lại. Và rồi năm 1980, chị lập gia đình với ông Châu Phủa. Sau khi lập gia đình, cũng đồng nghĩa với biết bao nhiêu khó khăn chồng chất lên đôi vai của hai vợ chồng trẻ. Từ đó, hai người mới quyết định xin nghỉ làm về lập nghiệp, để còn chăm sóc mẹ già ở quê. Ban đầu, hai vợ chồng về tá túc một người quen ở U Minh, mượn đất để ở, rồi bắt đầu một cuộc mưu sinh mới bằng cách làm mướn làm thuê. Chị nói: “Ngày đó, ở đây đất rộng bao la (Ấp 1, xã Khánh Lâm ngày nay), nên ai mướn gì cũng làm, có khi làm đến chạng vạng mới về đến nhà. Hai vợ chồng suy nghĩ, không lẽ đi làm mướn hoài sao, nên làm có tiền là dành dụm để mua đất, sau này còn có nơi ăn chốn ở với người ta”. Trong những năm tháng bên chồng, đồng cam cộng khổ, có một điều chị luôn giấu là căn bệnh tim trong người. Chị hiểu rằng, chồng đã yêu thương mình, vì mình quá nhiều, nên cũng không muốn làm chồng thêm lo lắng. Trong khi còn sức, chị cứ lao vào công việc không mệt mỏi. Lao động để quên đi bệnh tật, có những lúc quặn đau, thắt người nhưng chị cũng cắn răng chịu đựng lướt qua.

Theo năm tháng, trời cũng động lòng thương cho tình yêu của hai người và tình yêu đó đã đơm hoa kết trái với niềm vui sướng vô bờ bến. Chị sinh được hai người con, một trai, một gái. Hai vợ chồng cũng đã mua được đất, cất được căn nhà khang trang. Cuộc sống đã  phần nào no đủ. Cứ tưởng cuộc đời nữ biệt động Hồng Vấn từ đây sẽ được an hưởng quãng đời còn lại bên gia đình, nhưng lúc được nghỉ ngơi cũng là lúc chị phải đối mặt với căn bệnh tim bắt đầu tái phát ngày một nặng, cùng với những vết thương do bị đánh đập hành hạ. Giờ đây, được gặp, tiếp xúc với người con gái biệt động thành năm xưa, tôi không khỏi bùi ngùi, kính phục và tưởng nhớ đến hình ảnh của mẹ tôi (nữ biệt động Nguyễn Thị Lòng).  Lúc tôi đang viết bài này cũng là lúc nhận được tin chị phải cấp tốc nhập viện, đối mặt với căn bệnh tim quái ác và tôi cầu mong chị mau lành bệnh để tận hưởng những ngày hạnh phúc bên chồng, con ở tuổi xế chiều.

Theo báo Cà Mau

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video