Nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á Mai Kiều Liên

22/03/2012
Đầu tháng 3 vừa qua, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinamilk Mai Kiều Liên đã được tạp chí Forbes (Mỹ) bầu chọn là một trong 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất khu vực châu Á.

Cuộc bầu chọn nhằm tôn vinh những nữ doanh nhân năng động, vượt qua những mô hình làm việc cũ, tạo ra thị trường mới, đặt niềm tin và truyền cảm hứng cho những phụ nữ tài năng khác và thành công lớn trong kinh doanh, lãnh đạo doanh nghiệp đạt doanh thu trên 100 triệu USD. Trong top này có tới 12 gương mặt đến từ Trung Quốc, nếu tính cả Hồng Kong, Đài Loan và Ma Cao thì có tới 21 đại diện; Ấn Độ 8 người, Singapore 5 người, Hàn Quốc và Indonesia có 4 đại diện mỗi nước, Nhật Bản 3, Australia 2. Ở khu vực ASEAN, Philippines, Thái Lan và Việt Nam mỗi nước có một gương mặt lọt vào top 50.

Bà Mai Kiều Liên được bình chọn với hình ảnh một CEO năng động, đã xây dựng Vinamilk từ một doanh nghiệp nội địa xuất phát điểm rất thấp chỉ sau 35 năm trở thành một trong những thương hiệu phát triển hàng đầu Việt Nam cũng như châu Á. Bà là tấm gương điển hình của phụ nữ vượt qua mọi khó khăn, rào cản lớn như định kiến về giới còn nặng ở phương Đông.

Vạn sự khởi đầu nan

Vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỉ trước, từ việc bôn ba khắp nơi để tìm kiếm thị trường mới, bà Liên đã mở ra phong trào nuôi bò sữa trong nước, tạo lập các vùng nguyên liệu sữa để giảm dần nguyên liệu nhập ngoại. Bên cạnh đó, nhờ nhận định "phương thức kết hợp chặt chẽ với các nhà khoa học trong nước, chủ động về kỹ thuật chứ không vội vàng đi mua thiết bị từ các nước hay phải liên doanh liên kết với nước ngoài để chuyển giao công nghệ", bà Liên tạo ra những bước đột phá mới cho Vinamilk trên thị trường rộng lớn. Trong quá trình tìm kiếm, đầu tư sản phẩm mới, từ kinh nghiệm thất bại của một số doanh nghiệp lớn như bán thương hiệu bia Zorok, bán nhà máy cà phê Sài Gòn cho Trung Nguyên, bà đã nhận ra đâu là cơ hội, đâu là thời cơ đầu tư có lợi và đâu là lĩnh vực thế mạnh của doanh nghiệp mình. Đó là những cơ sở vững chắc để giúp Vinamilk tập trung thế mạnh cốt lõi để thực hiện “cách mạng trắng” trong ngành sữa Việt Nam. Trải qua các giai đoạn khó khăn do biến động kinh tế, cạnh tranh gay gắt từ nhiều hãng sữa mới, Vinamilk vẫn cho ra đời hàng loạt các sản phẩm mới, trong đó nhiều sản phẩm được chính bà Liên nghiên cứu như sữa chua, sữa chua kem, sữa bột cho trẻ em sơ sinh, sữa đặc có đường sản xuất từ dầu thực vật... Bà đã vinh dự được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO trao tặng bằng khen "Giải nhất lao động sáng tạo năm 2004".

Đặc biệt, từ năm 2004, Vinamilk đã vượt qua khoảng 15 hãng sữa lớn, danh tiếng trên thế giới cung cấp 15.000 tấn sữa bột trị giá hơn 51 triệu USD vào thị trường Iraq. Sản phẩm của Vinamilk cũng được xuất khẩu trực tiếp vào các thị trường Mỹ, Úc với kim ngạch hơn 2 triệu USD/năm

Nữ tướng trong cuộc “Cách mạng trắng” tại Việt Nam

Khiêm tốn với thành công của mình, bà Liên cho biết “Tố chất lãnh đạo thực ra chính là cách sống của mình, khi đã làm việc gì phải làm hết mình với hiệu quả cao nhất”. Bà lúc nào cũng say sưa với kinh doanh và “rất ghét sự nửa chừng”. Cho rằng tính cách ấy ảnh hưởng từ cha mẹ - những trí thức sống rất có trách nhiệm, bà tâm sự “Nhiều người nói tôi có cái căn cơ, chi li của người Bắc, có cái phóng khoáng của người Nam. Với tôi, cái gì thực sự cần mới chi, nhưng ngược lại tôi nhìn sự việc rất thoáng, và luôn thấy đường xa, đường rộng. Người phụ nữ làm lãnh đạo có ưu thế là biết lo xa, căn cơ, nhờ thế giảm rủi ro. Nhưng trong xử lý công việc vẫn nặng về tình, cái đó nhiều lúc cũng dở. Phải làm sao hành xử với nhau theo luật, theo quy trình, mà vẫn giữ được sự ấm áp, thân tình. Lúc khó khăn nhất tôi thường tự nhủ đó chỉ là tạm thời, nên có lẽ nhờ thế tôi lạc quan”.

Nhờ tự lực ngay từ đầu nên giờ đây, quy trình sản xuất, hệ thống phân phối, nguồn nhân lực... của Công ty Vinamilk đã được chuẩn hóa. Bên cạnh sự tìm tòi, nghiên cứu những công nghệ sản xuất mới, thì việc liên doanh liên kết với các đối tác là một phương châm hành động trong kế hoạch “cách mạng trắng” của vị nữ tướngtrên con đường phát triển doanh nghiệp. Năm 2010, Vinamilk – đại diện duy nhất của Việt Nam đã vượt qua 12 ngàn doanh nghiệp có niêm yết cổ phiếu tại sàn giao dịch với doanh thu dưới 1 tỉ USD, lọt vào top 200 doanh nghiệp tốt nhất tại châu Á- Thái Bình Dương do Tạp chí Forbes Asia bình chọn. Về doanh số, Vinamilk đứng thứ 16 trong top, về lợi nhuận đứng thứ 18 và vốn hoá thị trường đứng thứ 31, đạt 1,56 tỉ USD.

Chưa hài lòng với vị trí đó, nữ doanh nhân Mai Kiều Liên vẫn còn nhiều day dứt: “doanh nghiệp Việt Nam phải phục vụ được nhu cầu của người dân Việt Nam. Với ngành sữa, nỗi day dứt lớn nhất là chúng ta chưa tự chủ được 100% nguyên liệu. Làm thế nào để tạo vùng nguyên liệu cơ bản không phải nhập nữa, làm thế nào để tạo công ăn việc làm cho người nông dân là điều tôi theo đuổi”.

Bà luôn được các doanh nhân ngưỡng mộ, ông Đặng Lê Nguyên Vũ, tổng giám đốc công ty cà phê Trung Nguyên đã phải thốt lên “Một nữ tướng hiếm hoi của thời nay, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, biết chơi và biết thắng. Một tấm gương không chỉ với phụ nữ, mà cả những đấng mày râu phải nể phục”.

Với những đóng góp to lớn cho ngành sữa nói riêng, nền kinh tế Việt Nam nói chung, bà Mai Kiều Liên đã nhiều lần vinh dự được nhận huy chương, bằng khen của Nhà nước; nhiều bằng khen dành cho người phụ nữ đảm đang, giải thưởng người phụ nữ tiêu biểu, vì sự tiến bộ của phụ nữ... Bà Liên nói, đó là nhờ gia đình đã luôn đứng sau cổ vũ, động viên, đặc biệt là người chồng thân yêu luôn giúp đỡ, chia sẻ.

Đặng Thanh Thuỷ

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video