Nữ doanh nhân Thanh Hoá trước thềm hội nhập

23/03/2006
300 doanh nghiệp nữ so với gần 2.500 doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hoá vẫn còn là con số khiêm tốn. Tuy nhiên, những gì mà các doanh nhân nữ đạt được đã tạo nên luồng sinh khí mới, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trước thềm hội nhập, bên cạnh thời cơ, thuận lợi, doanh nhân nữ cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.

Những tín hiệu vui.

 

Trên 50 doanh nhân nữ đến dự Hội thảo “Doanh nhân nữ trong kinh doanh và hoạt động CLB nữ doanh nhân” do Hội LHPN Thanh Hoá phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp nữ Thanh Hoá tổ chức là bấy nhiêu câu chuyện cảm động về tinh thần vượt khó, dám nghĩ dám làm, nỗ lực gấp đôi của các nữ chủ doanh nghiệp.

 

“Mặc dù đã có thời gian dài làm công tác quản lý, song quả thật “thương trường như chiến trường”, có những lúc tưởng chừng không thể vượt qua”. Đó là tâm sự của chị Nguyễn Thị Hương, Giám đốc Công ty Cổ phần Bao bì Thanh Hoá trong những ngày đầu mới thành lập. Chị nhớ lại: 6 năm là cả quãng đường gian truân. Nhà xưởng chật hẹp, máy móc lạc hậu, cũ nát, đội ngũ công nhân tay nghề yếu, giá cả luôn biến động, cạnh tranh ngày càng khốc liệt, lãi suất ngân hàng tăng cao làm khó khăn chồng chất khó khăn. Đồng thời một lúc vừa sắp xếp lại lực lượng lao động, đầu tư nâng cấp nhà xưởng, đào tạo nâng cao tay nghề cho công nhân nhằm từng bước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, vừa phải mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu. Tất cả dồn cả lên vai chị và Hội đồng quản trị. Mặc dù vậy, bằng ý chí, nghị lực của người con gái xứ Thanh, quê hương Bà Triệu, chị đã cùng tập thể Ban lãnh đạo, trong đó phần đa là nữ đã dần vượt qua, từng bước vực Công ty đứng vững, đưa sản lượng bao bì giấy năm sau tăng cao hơn năm trước với bước nhảy vọt: Năm 2000 mới đạt 970 tấn đến năm 2005 tăng lên gấp 3 lần (2.800 tấn), doanh thu đạt 17,2 tỷ đồng (tăng hơn năm 2000 là 12 tỷ đồng), thu nhập của 95 lao động đạt bình quân 950.000đ/người/tháng, 100% cán bộ, CNV của Công ty được đóng BHXH, BHYT.

 

Với chị em thuộc một xã nông nghiệp như Đông Hưng, huyện Đông Sơn thì tinh thần vượt khó càng phải nhân lên gấp bội. Chiếm 2/3 trong số 100 doanh nghiệp của địa phương, các nữ doanh nhân Đông Hưng đã mạnh dạn đi đầu trong lĩnh vực tưởng chừng chỉ cánh “mày râu” mới có thể đảm đương được - sản xuất đá xây dựng, xây dựng các công trình giao thông thuỷ lợi, kinh doanh điện năng, tư vấn xây dựng công trình điện, mỗi năm đạt doanh thu 150 tỷ đồng, nộp ngân sách 2,5 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, trong đó lao động nữ chiếm tới 70%. Không những sản xuất kinh doanh giỏi, chị em còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện: Góp vốn 50 triệu đồng hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn; quyên góp hàng chục triệu đồng thăm và tặng quà các bà Mẹ Việt Nam anh hùng, các đối tượng chính sách, trẻ em nghèo, nhiễm chất độc da cam, ủng hộ đồng bào bão lụt, người nghèo…

 

Mặc dù “tuổi đời” chưa tròn 4 năm nhưng Công ty Phát triển Công nghệ An Ninh, huyện Hoằng Hoá đã khẳng định chỗ đứng của mình trên thị trường bằng việc “trình làng” sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao: Giàn và dây ăng ten, không những đáp ứng nhu cầu trong tỉnh mà còn mở rộng ra nhiều địa bàn: Ninh Bình, Nghệ An, Huế…, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động với mức thu nhập từ 1-1,2 triệu đồng/người/tháng, cán bộ tay nghề cao lên tới 3 triệu đồng. Hiện Công ty đang có kế hoạch xây dựng thêm hệ thống bán hàng, giới thiệu sản phẩm về các thiết bị công nghệ an ninh, giám sát, quản lý, thông tin, tư vấn các mặt hàng y tế, thiết bị viễn thông, đáp ứng yêu cầu khắt khe và sự cạnh tranh mới trên thương trường.

 

Thời cơ và thách thức.

 

Từ khi Luật Doanh nghiệp ra đời, đặc biệt là Nghị quyết BCH Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá về “Phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2005-2010” và lấy năm 2005 là năm phát triển doanh nghiệp toàn tỉnh đã tạo nên không khí sôi động, nhộn nhịp trong “đời sống” của các doanh nghiệp Thanh Hoá. Thực hiện chủ trương của tỉnh, các cấp Hội LHPN tỉnh Thanh Hoá đã có nhiều hoạt động thiết thực: Tranh thủ nguồn tài trợ trong nước, quốc tế tổ chức nhiều lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý, kinh doanh, nâng cao tay nghề cho người lao động, thành lập các câu lạc bộ, Hiệp hội nữ doanh nhân – nơi các doanh nhân nữ có điều kiện giao lưu học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, quan tâm giúp nhau khắc phục khó khăn trở ngại mà bản thân mỗi doanh nghiệp không tự đơn phương giải quyết được, đồng thời tổ chức các chuyến tham quan học hỏi kinh nghiệm các đơn vị điển hình tại các địa phương trong tỉnh và cả nước giúp chị em có điều kiện nắm bắt thông tin, tìm kiếm đối tác, cơ hội làm ăn và hỗ trợ nhau trong tổ chức cuộc sống. Chính vì vậy, vài năm gần đây, số lượng doanh nghiệp nữ không ngừng tăng, chất lượng doanh nghiệp cũng được nâng lên đáng kể. Sự đóng góp của đội ngũ nữ doanh nhân không chỉ mang lại giá trị sản phẩm hàng hoá, hiệu quả kinh tế mà còn đem lại ý nghĩa xã hội sâu sắc, khẳng định và nâng cao vai trò, vị thế của người phụ nữ đối với sự phát triển của địa phương.

 

Tuy nhiên, cũng như các doanh nghiệp trong cả nước, do sinh sau đẻ muộn so với các nước trong khu vực và các nước phát triển, doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp nữ Thanh Hoá nói riêng bị hạn chế nhiều mặt, ảnh hưởng lớn đến khả năng cạnh tranh không chỉ trên thị trường thế giới mà ngay cả trên thị trường nội địa và với cả các chủ doanh nghiệp là nam giới. Theo kết quả điều tra của Cục phát triển Doanh nghiệp vừa và nhỏ (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) với sự tham gia của 63.000 doanh nghiệp tại 30 tỉnh, thành phố phía Bắc, trong đó có Thanh Hoá, cho thấy, quy mô vốn của các doanh nghiệp nữ còn nhỏ, phần đa thiếu vốn, thiếu thông tin, kỹ năng quản lý, mặt bằng sản xuất, máy móc công nghệ lạc hậu; gặp khó khăn trong tiếp cận thị trường, đào tạo nguồn nhân lực và đặc biệt là phải đối mặt với thách thức lớn của xu thế toàn cầu hoá. Đó là chưa kể các doanh nhân nữ còn phải tìm được điểm cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình, hoàn thành thiên chức của người vợ, người mẹ.

 

Để nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả của các doanh nghiệp nữ, ngoài ý chí phấn đấu của bản thân doanh nghiệp rất cần sự giúp đỡ của Nhà nước, sự phối hợp đồng bộ, hỗ trợ tích cực của các tổ chức trong nước và quốc tế, của Hiệp hội doanh nghiệp và các ban, ngành, đoàn thể trong việc tạo điều kiện và đảm bảo công bằng cho các doanh nghiệp được thuê mặt bằng sản xuất, có chính sách giảm thuế đối với doanh nghiệp sử dụng đông lực lượng lao động nữ; tăng cường tổ chức tập huấn nâng cao năng lực, kiến thức quản lý kinh doanh cho các nữ chủ doanh nghiệp; tổ chức cho các nữ chủ doanh nghiệp trong tỉnh được đi tham quan học tập, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong và ngoài nước; nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả của doanh nghiệp nữ và đẩy mạnh các hoạt động câu lạc bộ, hiệp hội doanh nghiệp nữ.

Đỗ Hoa - Trung tâm Thông tin

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video