Nữ GS, TS, NGND đau đáu vì môi trường làng nghề

27/11/2019
Đứng trên bục giảng hơn 40 năm, biết bao thế hệ học trò được GS. TS. NGND Đặng Thị Kim Chi đào tạo, nhưng giờ đây, GS.TS.NGND Kim Chi được ghi nhận và biết đến với tư cách chuyên gia về lĩnh vực môi trường.
GS.TS. NGND Đặng Thị Kim Chi

Nhà riêng của GS, TS, NGND Đặng Thị Kim Chi (ảnh bên), Nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường (Trường đại học Bách khoa Hà Nội) nằm trong khu đô thị mới khá tách biệt, cách trung tâm Thủ đô hơn 10 km. Đó là một nơi yên tĩnh, trong lành, tràn trề ô xy vì bao quanh nhà là màu xanh cây lá... Hỏi, đứng trên bục giảng hơn 40 năm, biết bao thế hệ học trò được bà đào tạo, nhưng giờ đây, bà được ghi nhận và biết đến với tư cách chuyên gia về lĩnh vực môi trường. Làm thế nào để bà tròn vai trong các vị trí công việc như vậy. GS,TS Đặng Thị Kim Chi chỉ nói nhẹ: Cứ làm việc tận tâm và đam mê, rồi sẽ tròn vai...

Mặc dù xuất thân từ gia đình trí thức, nhưng từ nhỏ, GS, TS, NGND Đặng Thị Kim Chi luôn gắn bó, dành tình cảm đặc biệt với nông thôn. Mộng mơ, yêu thích văn chương nghệ thuật, nhưng rồi như là nghề chọn người, cô gái trẻ Kim Chi lại lựa chọn bước vào cổng parabol của Trường đại học Bách khoa Hà Nội để gắn bó duyên nghiệp ở đó. Năm 1971, cô sinh viên Đặng Thị Kim Chi tốt nghiệp đại học và được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy. Để đáp ứng yêu cầu phát triển mới, năm 1977, cô giáo trẻ Kim Chi được cử đi nghiên cứu sinh ở Đức để mở một ngành đào tạo mới là Kỹ thuật môi trường. Trở về, cô được phân công giảng dạy bộ môn Kỹ thuật môi trường đại cương, tiếp tục công tác giảng dạy và đầu tư công sức vào những đề tài nghiên cứu khoa học. Đó là thời kỳ đời sống đất nước mới thoát khỏi chiến tranh, đời sống kinh tế cả nước còn trăm bề khó khăn, công tác bảo vệ môi trường thật sự chưa được ai quan tâm. Được đào tạo bài bản, với con mắt của nhà chuyên môn sâu, GS Chi luôn trăn trở làm sao để đất nước mình thực hiện tốt vấn đề bảo vệ môi trường, làm sao để phát triển kinh tế mà vẫn bảo đảm môi trường sống trong lành...

GS,TS Đặng Thị Kim Chi hướng dẫn mô hình cho sinh viên tại phòng thí nghiệm.

Trong buổi gặp mặt các nữ trí thức mới đây, GS Đặng Thị Kim Chi có chia sẻ một câu chuyện xúc động liên quan đến nghề nghiệp. Ngày 30 Tết năm ấy, đang bận rộn tất bật với nhà cửa bếp núc thì có hai thanh niên đi xe máy mang theo lỉnh kỉnh đồ đạc máy khoan tìm đến. Bà mở cổng hỏi han, thì ra, họ là người của cơ sở chế biến gỗ, đến để tặng gia đình một món quà. Đó là bức phù điêu gỗ khổ vuông 50 x 50 chạm chữ Phúc rất đẹp đẽ và công phu. Trong lúc GS xúc động không nói nên lời thì hai chàng trai mở đồ nghề mang theo bắt vít, ngắm nghía chỗ treo, rồi khoan tường treo tác phẩm để gia đình GS kịp đón Tết. Thì ra, trong chuyến điền dã về làng nghề thủ công chế biến gỗ, thấy người dân sống chung với ô nhiễm bụi, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, GS đã cùng học trò tìm tòi nghiên cứu để sản xuất cho bà con sản phẩm máy chà gỗ có thể hạn chế được tình trạng bụi.

Trong công việc, dù trong vai trò của một giảng viên đứng lớp hay trong phòng nghiên cứu, GS Đặng Thị Kim Chi luôn làm việc với niềm say mê và tập trung cao độ. GS luôn tâm niệm rằng, nghề giáo đã giúp bà sống nhân từ và ý nghĩa hơn. Bà vẫn thường nhắc nhở các đồng nghiệp trẻ, rằng nhà giáo, đặc biệt là nữ, càng cần phải luôn trau dồi, tu dưỡng bản thân, hết sức nghiêm túc, chỉn chu từ lời ăn tiếng nói đến trang phục, cách ứng xử... Phương châm của GS Chi với các học trò là học phải kết hợp với hành. Trong quá trình giảng dạy, GS Đặng Thị Kim Chi tích cực tham gia nghiên cứu khoa học để áp dụng kiến thức hàn lâm ra thực tế và ngược lại đưa kiến thức thực tế vào giảng dạy. Có lần đi cùng học trò trong một chuyến khảo sát ở một huyện miền núi, bà quan sát thấy rau màu của bà con trồng bên đường vàng úa khác thường. Dừng lại xem xét, thì ra nước từ con suối đang chảy bên cạnh không trong mà chuyển màu vàng đục. Lần theo dòng chảy, rồi bà hỏi người dân quanh vùng, thì ra đầu nguồn có một cơ sở đang khai thác quặng. Bằng con mắt của nhà chuyên môn, bà khẳng định, nguồn nước đã bị nhiễm độc. Bà trực tiếp liên hệ với bộ phận quản lý môi trường, yêu cầu xử lý ngay sự cố để hạn chế ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe người dân. Học trò của bà học hỏi thêm được nhiều điều bổ ích từ việc làm nhỏ và sát sườn như vậy. Đó cũng là nhạy cảm chuyên môn mà GS Đặng Thị Kim Chi để lại cho học trò, điều không có trong bất cứ giáo trình nào.

GS Đặng Thị Kim Chi thường nhắc nhở các học trò của mình rằng, đặc thù của khoa học môi trường là sự phối hợp liên ngành. Mỗi công trình, đề tài nghiên cứu liên quan đến môi trường đều rất cần sự tham gia của nhiều nhà khoa học ở các chuyên ngành khác nhau như: Sinh học, hóa học, địa chất, địa lý, xây dựng... Do đó, người làm môi trường, ngoài việc tự trau dồi, bổ sung kiến thức còn phải có trình độ bao quát và quản lý tốt. GS Chi hiện vẫn tham gia nhiều hoạt động khoa học nghiệp vụ ở Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam. Ở cương vị Phó Chủ tịch, bà vẫn không ngừng trăn trở làm thế nào để cải thiện chất lượng môi trường các làng nghề Việt Nam, biện pháp để quản lý và xử lý điểm ô nhiễm tồn lưu ở một số vùng tại Việt Nam hay những công trình nghiên cứu độc chất trong môi trường...

Những hướng nghiên cứu mà GS Đặng Thị Kim Chi dồn nhiều tâm sức và thời gian là nghiên cứu, khảo sát để xây dựng các chính sách và biện pháp giải quyết vấn đề môi trường ở làng nghề Việt Nam. Bà tâm sự: Càng đi nhiều, càng thấy nước mình có đặc điểm là rất nhiều làng nghề, nhưng ô nhiễm trong quá trình sản xuất đang làm mất dần đi vẻ đẹp của nhiều làng quê, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của nhân dân. Gần đây vấn đề môi trường làng nghề ô nhiễm mới được đặt ra nhu cầu giải quyết nhưng cách đây nhiều năm, bà và các cộng sự đã đưa ra những cảnh báo và tư vấn khoa học một cách bài bản. Bà cho rằng, môi trường làng nghề còn rất nhiều việc cần các nhà khoa học, công nghệ quan tâm, tham gia giải quyết. Cần nghiên cứu công nghệ ít chất thải để áp dụng vào các làng nghề với các tiêu chí tốt, rẻ, vận hành đơn giản, mang lại hiệu quả kinh tế để bảo đảm sinh kế cho người dân đồng thời bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng. Nung nấu ý chí đó, nhiều năm GS Đặng Thị Kim Chi và các cộng sự có những chuyến điền dã đến hầu hết các làng nghề, sống “ba cùng” với bà con để tìm hiểu. Nhiều mô hình cải thiện môi trường được bà và cộng sự đề xuất áp dụng vào các làng nghề như tái chế giấy, chế biến gỗ, sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ và chế biến lương thực, thực phẩm.

Đi nhiều nơi trên khắp mọi miền của Tổ quốc, bà luôn bày tỏ xúc động khi gặp lại các học trò của mình. Họ đang đảm nhận nhiều vị trí, từ nhà quản lý, nhà khoa học, đến nhà giáo, doanh nhân... có dịp cô trò gặp nhau vẫn luôn ấm áp tình thầy trò, tình đồng chí, đồng nghiệp. Đó là niềm hạnh phúc thiêng liêng mà GS Đặng Thị Kim Chi luôn nâng niu trân quý. Niềm hạnh phúc đó thành nguồn nhựa sống dồi dào bền bỉ, luôn hiển hiện trên gương mặt người phụ nữ đam mê làm khoa học này...

GS Đặng Thị Kim Chi chủ trì và tham gia 49 đề tài dự án, nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp liên quan đến khoa học và công nghệ môi trường. Bà còn là tác giả, đồng tác giả, chủ biên của 12 đầu sách, giáo trình, 80 công trình khoa học đã được công bố trên các tạp chí, các hội nghị khoa học trong và ngoài nước. Với những đóng góp lớn cho sự nghiệp giáo dục và khoa học, đặc biệt là trong lĩnh vực môi trường, GS,TS Đặng Thị Kim Chi đã được nhận nhiều phần thưởng cao quý như Giải thưởng Môi trường Việt Nam; Giải thưởng Kovalevskaia; danh hiệu Nhà giáo Nhân dân cùng các huân, huy chương, bằng khen giấy khen của các cấp, ngành, đơn vị... Mới đây, GS,TS Đặng Thị Kim Chi vừa được xướng tên trong Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2019 trong lĩnh vực Môi trường diễn ra tối 15-11.

nhandan

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video