Nữ họa sĩ quảng bá văn hóa dân tộc qua tranh

09/12/2018
Khuôn viên Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hôm ấy rộn rã niềm vui, gương mặt đôn hậu của nữ họa sĩ, nhà giáo Lê Thị Kim Bạch (cô Ba) toát lên nét hạnh phúc rạng ngời.

Bức tranh bà vẽ Bác Hồ kính yêu từ năm 1976, chính thức được trao tặng bảo tàng, với tâm nguyện của tác giả muốn tác phẩm quý ấy đến được gần hơn với đông đảo công chúng yêu nghệ thuật.

Nhà sư phạm giàu tâm huyết

Đan trong vòng tay học trò cũ, những khuôn mặt thân quen ngày nào, nay ríu rít bên cô giáo. Chỉnh lại cặp kính lão, họa sĩ-nhà giáo Lê Thị Kim Bạch nhìn hết lượt, đọc đầy đủ họ tên và những đặc điểm, tính cách của từng học trò thời sinh viên. Mọi người trầm trồ thán phục! Tình cảm của cô Ba với học trò, không chỉ là người thầy đáng kính, mà chất chứa, đong đầy như tình yêu thương người mẹ dành cho con.

Sinh ra và lớn lên tại xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh, vùng đất giàu truyền thống cách mạng, tuổi thơ của cô Lê Thị Kim Bạch chứng kiến bao sự đau thương, bất công trên quê hương mình. Với sức vóc nhỏ nhắn, người con gái ấy tâm niệm rằng, dù không tham gia trực tiếp chiến đấu thì cũng làm điều gì đó có ích cho cách mạng. Thế rồi cô tham gia lực lượng quân báo Quân khu 8. Năm 1954, cô tập kết ra Bắc và học trung cấp mỹ thuật Việt Nam, sau đó được Nhà nước cử đi học tại Trường Đại học Mỹ thuật Quốc gia Kiep (Liên Xô trước đây). Tốt nghiệp, họa sĩ Lê Thị Kim Bạch về nước tham gia giảng dạy tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp (nay là Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội). Cũng từ đây, sự nghiệp giáo dục và sáng tác mỹ thuật như định mệnh gắn chặt với cuộc đời người con gái Nam Bộ duyên dáng này.

Những năm tháng đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh phá hoại miền Bắc, gian khó bộn bề, thầy trò nhà trường phải rời Hà Nội sơ tán về Bắc Giang. Xa trường lớp, vật chất thiếu thốn, nay càng khó khăn hơn. Nhìn học trò như những đứa con thơ, ngơ ngác trong môi trường mới, cô thấy thắt lòng. Với phẩm chất của người phụ nữ Nam Bộ đôn hậu lại chưa vướng bận gia đình, cô yêu thương, chăm sóc học trò bằng tất cả tấm lòng. 

Ngày ấy, lời hiệu triệu “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành mệnh lệnh trái tim người nghệ sĩ. Hơn lúc nào hết, họa sĩ phải là những chiến sĩ xung kích trong việc vẽ tranh cổ động, áp phích tuyên truyền cho phong trào ấy. Chính từ suy nghĩ ấy, bằng kiến thức học được từ nước bạn, cùng kinh nghiệm thực tiễn, cô Ba cùng với học trò của mình cho ra đời rất nhiều tranh cổ động, áp phích. Những bức tranh ấy của cô Ba và các học trò được in ấn, phát hành khắp các vùng miền. Từ nông thôn tới thành thị, từ miền núi đến hải đảo xa xôi, từ nhà máy, xí nghiệp tới nông trường, lâm trường, thậm chí cả ngoài chiến trường… những bức tranh cổ động ấy, kịp thời cổ vũ, khích lệ, động viên tinh thần thi đua ái quốc trong lao động, sản xuất và trong chiến đấu của quân và dân ta.

Là người sống tình cảm, dễ gần, nhưng cô cũng rất nghiêm khắc trong việc dạy và học. Học trò, đồng nghiệp luôn kính trọng tài năng và đức độ của cô. Sau mỗi khóa tốt nghiệp, sinh viên mỹ thuật tỏa đi khắp mọi miền Tổ quốc. Dù ở đâu, các họa sĩ cũng luôn thể hiện tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm. Có được niềm đam mê nghệ thuật ấy, phần lớn nhờ sự “truyền lửa” tâm huyết từ nhà sư phạm Lê Thị Kim Bạch.

Nghệ sĩ tài, đức vẹn toàn

Cái nắng cuối ngày đổ bóng trước khoảng sân trống, nữ nghệ sĩ vẫn cần mẫn làm việc. Chiếc mũ tai bèo che một phần mái tóc bạc bồng bềnh, bàn tay xoay đi xoay lại những phiến đá sao cho hợp về hình khối, tương đồng về màu sắc. Đây là tác phẩm “Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh” khổ lớn, được ghép hoàn toàn bằng đá tự nhiên. Điều ít người biết rằng, ở cái tuổi gần 80, nữ nghệ sĩ vào tận Thanh Hóa, chọn từng mẫu đá có màu sắc ưng ý đem về thành phố, thuê thợ xẻ ra và tự tay ghép bức chân dung Bác Hồ. Hỏi động lực nào mà cô có sức khỏe dẻo dai đến vậy? Thay vì trả lời, cô nhẹ nhàng bộc bạch: “Với lòng yêu kính Bác, cô muốn có một tác phẩm bằng chất liệu bền vững để thể hiện hình ảnh của Người”.

 

 Bức tranh trong bộ tác phẩm "Tổ quốc gọi" của họa sĩ Lê Thị Kim Bạch


Năm 1976, họa sĩ Lê Thị Kim Bạch hoàn thành tác phẩm “Phút nghỉ ngơi”, khắc họa hình ảnh những năm tháng Bác Hồ sống và làm việc ở Pác Bó (Cao Bằng). Dù chưa một lần có vinh dự được gặp Bác, nhưng bằng tấm lòng tôn kính vị lãnh tụ kính yêu, họa sĩ đã hoàn thành tác phẩm một cách xuất sắc, toát lên vẻ đẹp vừa thanh cao mà rất đỗi gần gũi, giản dị của Người. 

Họa sĩ Lê Thị Kim Bạch là người sống nội tâm, giàu cảm xúc. Tính cách này được thể hiện trong từng nét vẽ của nữ họa sĩ. Với mảng đề tài về lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng, tác giả có cách nhìn sâu sắc và nhân văn. Tác phẩm “Tổ quốc gọi” được trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2015 minh chứng điều ấy. Tác phẩm nói về hạnh phúc ngọt ngào của người mẹ trẻ, sự luyến lưu ngày tiễn con cùng đồng đội lên đường đi chiến đấu bảo vệ quê hương, rồi cả sự hóa thân vào đất mẹ của những người con anh hùng ấy. Bằng ngôn ngữ hội họa, tác giả không chỉ chuyển tải tới người xem tình mẫu tử thiêng liêng, mà vượt lên tất cả là tình yêu quê hương, trách nhiệm của mỗi công dân đối với Tổ quốc.

Ngoài những đề tài trên, nữ họa sĩ tìm về với những người dân Nam Bộ, từng gắn bó với cuộc chiến tranh giữ nước của dân tộc để ký họa chân dung. Đó là “Ông Năm Nhồng” đảng viên cộng sản năm 1930; “Bà Hai Tình”, cơ sở cách mạng những năm 30 của thế kỷ trước; “Ông Bảy Chiêu” (tức đồng chí Phạm Văn Chiêu), Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến-Hành chính đầu tiên của tỉnh Gia Định… Với nét bút lão luyện, chuẩn xác, các bức chân dung ấy toát lên vẻ đẹp dung dị, nhân hậu nhưng rất kiên cường, bất khuất, mang đậm khí phách của những người con đất thép.

Là một trong những họa sĩ gạo cội của nền mỹ thuật đương đại Việt Nam, tranh của họa sĩ Lê Thị Kim Bạch không chỉ nổi tiếng trong nước, danh tiếng ấy còn được bạn bè quốc tế biết đến. Từng có nhiều nhà sưu tập trong và ngoài nước săn đón, lặn lội không ít lần với lời đề nghị được mua toàn bộ tranh, ký họa của cô Ba với giá khá cao. Biết rằng, nếu bán cho họ, sẽ có tài sản vô cùng lớn, nhưng nữ họa sĩ kiên quyết từ chối. Bởi, tâm nguyện của cô là những “đứa con tinh thần” của mình được trưng bày để mọi người dân cùng thưởng ngoạn. Cả cuộc đời cống hiến vì nghệ thuật, hàng nghìn tác phẩm ra đời, với các chất liệu phong phú, như: Tranh sơn mài, sơn dầu, lụa, thuốc nước, bút chì, bút sắt… con số ấy phần nào nói lên sức lao động sáng tạo nghệ thuật bền bỉ, nghiêm túc của người nghệ sĩ tài năng.

Tuổi đã cao, sức cũng giảm, nhưng chưa khi nào họa sĩ Lê Thị Kim Bạch có ý định ngưng sáng tác. Có lẽ niềm đam mê nghệ thuật quá lớn mà cô “tạm quên” tuổi thanh xuân, dành trọn vẹn thời gian cho tình yêu hội họa. Hiện tại, hoàn cảnh nữ nghệ sĩ không mấy dư giả, cô tằn tiện chi tiêu cá nhân, chắt bóp từng đồng lương hưu ít ỏi để mua màu, mua toan… mua thuốc trị bệnh. Vậy mà bàn tay và khối óc ấy vẫn cứ miệt mài lao động nghệ thuật.

Hội họa của họa sĩ Lê Thị Kim Bạch mang đậm hồn cốt văn hóa dân tộc, dung dị mà thanh thoát, toát lên vẻ đẹp tiềm ẩn của đất nước và con người Việt Nam. Những tác phẩm ấy không chỉ có giá trị về nghệ thuật mà còn gắn liền giá trị lịch sử của dân tộc trong những năm kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Mỗi tác phẩm là một số phận, một con người cụ thể, một minh chứng lịch sử chân thực. Đó là lý do mà họa sĩ Lê Thị Kim Bạch không có ý định bán tranh. Cô dự định sẽ trao lại toàn bộ gia tài nghệ thuật ấy cho cá nhân, tổ chức nào đủ điều kiện gìn giữ, tôn vinh nền mỹ thuật đương đại nói riêng, quảng bá được nền văn hóa Việt Nam nói chung. Hy vọng những tác phẩm nghệ thuật ấy sẽ là món quà vô giá, góp phần tô thắm thêm nền văn hiến ngàn năm của dân tộc.

 Những phần thưởng cao quý của họa sĩ - nhà giáo Lê Thị Kim Bạch: 

 - Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt 1 cho loạt tác phẩm: Bộ tranh ký họa chân dung Chiến sĩ cách mạng Bà Điểm, Hóc Môn; Mẹ con (sơn dầu); Hoa trái quê hương (lụa); Nỗi đau (sơn dầu); Bến xe ngựa chợ Bà Điểm (sơn dầu). 

- Huy chương Vàng Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1990. 

- Giải B Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1980;

- Huy chương Đồng Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2000;

- Giải khuyến khích Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2015;

- Giải A giải thưởng sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

QĐND

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video