Nữ kiến trúc sư tiết lộ chuyện cây Cầu Vàng nổi tiếng thế giới

12/02/2019
Cầu Vàng thơ mộng trên đỉnh núi Bà Nà (Đà Nẵng) nổi tiếng khắp thế giới là tác phẩm của êkip kiến trúc sư Việt Nam, trong đó có nữ kiến trúc sư Phạm Thị Ái Thủy - Phó Giám đốc Công ty TA Landscape Architecture.

Dạo bước trên tay vị thần khổng lồ

+ Khi nhận được lời đề nghị thiết kế Cầu Vàng tại Sun World Ba Na Hills, lúc đó, cảm nhận của chị như thế nào?

Cầu Vàng là một hạng mục trong tổng thể khu vườn Le Jardin d’Amour ở Bà Nà Hills do công ty TA Landscape Architectur tư vấn thiết kế tổng thể cảnh quan. Câu chuyện được đặt ra khi tư vấn cần giải quyết hướng tiếp cận cảnh quan từ ga Marseille tới vườn Thiên Thai và vườn hoa Le Jardin D’Amour. Thời điểm đó, khi đứng từ phía mạn đồi hiện hữu, cảm xúc của gió, sương và dao động lá cây làm cho chúng tôi cảm thấy con người thực sự nhỏ bé trước thiên nhiên hùng vĩ.

Bài toán đặt ra làm sao vẫn kết nối nhưng hạn chế tối thiểu sự tác động vào địa hình và thiên nhiên? Làm sao để từ các em bé đến người lớn tuổi có thể tận hưởng được cảm xúc mà chúng tôi đang được thụ hưởng khi đứng trên đỉnh Bà Nà? Làm sao để truyền tải một câu chuyện cảnh quan thú vị mà có khả năng thôi thúc mọi người đến và trải nghiệm?

Câu chuyện cây cầu kết nối được đưa ra và cùng với cảm xúc khi đứng ở sườn núi nhìn về phía TP Đà Nẵng, tôi đã nghĩ rằng mình đang được đứng trên tay của một vị thần khổng lồ.

Tôi chia sẻ cảm xúc cùng team và nhanh chóng thảo luận cùng các bên về hình ảnh của câu chuyện CHIẾC CẦU ĐƯỢC NÂNG TRÊN TAY CỦA MỘT VỊ THẦN. Những hình ảnh đầu tiên đã được phác thảo ngay tại chỗ!

 + Ý tưởng về cây Cầu Vàng đến với các anh chị như thế nào khi đi khảo sát địa điểm xây cầu? Những chuyến đi, những tác phẩm kiến trúc nào trên thế giới đã khơi nguồn cảm hứng để nhóm thiết kế vẽ nên tác phẩm Cầu Vàng?

Đặc thù của Bà Nà Hills là 1 ngày có 4 mùa: nắng đó nhưng có thể chỉ cần vài giây sau, bạn sẽ thấy mây bay ngang qua mình, do vậy những hiệu ứng từ ánh sáng mặt trời hay cảm giác nhẹ nhàng của sương đặc biệt gây cảm xúc cho đơn vị tư vấn. Có 3 tiêu chí mà chúng tôi tiếp tục được đặt ra:

- Chất liệu cần tạo sự thân thiện với ánh sáng mặt trời.

- Khối tích cần tạo nên cảm giác nhẹ nhàng như sương.

- Với đặc thù là số lượng khách tham quan rất lớn, điều quan trọng nhất là lối đi này cần phải đảm bảo an toàn.

Chúng tôi đã trải nghiệm rất nhiều cầu trên thế giới, bạn biết đó, dù đã tới tận nơi và kể cả theo dõi trên internet nhưng chúng tôi hiểu nguồn cảm hứng không phải xuất phát từ bất kỳ nơi nào mà xuất phát từ chính Bà Nà Hills, từ chính không gian và địa hình nơi đây. Chúng tôi mong muốn thiết kế một lối đi cảnh quan đáp ứng chức năng sự kết nối nhưng lại như một cuộc đối thoại giữa con người và thiên nhiên nơi đây. Có thể là nơi nào cũng có thiên nhiên nhưng cảnh sắc thiên nhiên ở Bà Nà không ở đâu có được và đây cũng là lý do chiếc cầu này cũng sẽ không giống ở bất cứ nơi đâu. Chất liệu tông màu vàng để đối thoại với ánh nắng mặt trời và tỷ lệ của cây cầu nhanh chóng được định hình.

 

 Cầu Vàng thơ mộng trên đỉnh núi Bà Nà (Đà Nẵng) nổi tiếng khắp thế giới

+ Quá trình hoàn thiện cây cầu từ bản vẽ đến hiện thực thi công có khác nhau nhiều không?

Thiết kế là một quá trình. Chúng tôi đã phải làm việc với thực tế tại chỗ rất nhiều, có những điều chỉnh về khoảng cách do vấn đề địa chất không phù hợp hoặc địa hình phức tạp khó thi công, cũng như việc giữ lại toàn bộ hệ thống cây xanh bên dưới vực, giảm tác động tối thiểu nhất. Song, với sự nỗ lực và phối hợp liên tục giữa thiết kế với thi công, điều phối, chiếc Cầu Vàng đã được hiện thực hóa theo ý tưởng cốt lõi ban đầu, thậm chí có những thách thức khách quan làm cho giải pháp xử lý giúp mở ra những tầm nhìn ấn tượng hơn về cảnh quan thiên nhiên xung quanh. Từng chi tiết liên tục được cân nhắc thiết kế.

Với sự nỗ lực và phối hợp liên tục giữa thiết kế với thi công, điều phối, đến thời điểm này, có thể khẳng định Cầu Vàng đã được hiện thực hóa theo đúng ý tưởng cốt lõi ban đầu, thậm chí có những thách thức khách quan làm cho giải pháp xử lý giúp mở ra những tầm nhìn ấn tượng hơn về cảnh quan thiên nhiên xung quanh.

+ Điều gì khiến chị tâm đắc nhất ở cây cầu này?

Điều khiến tôi tâm đắc nhất là chia sẻ được cảm xúc của chúng tôi với mọi người về cảm giác khi lần đầu đứng ở vị trí này: dạo bước trên lưng chừng mây với sự nâng đỡ từ bàn tay của một vị thần khổng lồ.

Cảm xúc của mọi người chính là Cây Cầu Vàng dường như đã tồn tại từ rất lâu và bây giờ mới được tìm thấy. Điều này cũng gắn bó chặt chẽ với triết lý của TA “Think Architecturally - Act Naturally”, nghĩa là Tư duy trên cơ sở định hướng kiến tạo những giá trị độc đáo, song thực thi cần có sự thích ứng hài hòa NHƯ tự nhiên.

Với tôi, cảnh quan là một thành phần không kiên cưỡng, do vậy những tỷ lệ, hình khối được đặt vào hết sức cân nhắc để khi là sự kết hợp nhất định cần hài hòa như tự nhiên. Thú thật với bạn, chẳng bao giờ chúng ta đặt câu hỏi tại sao trên một dòng suối, sự xuất hiện của những viên đá nhỏ hay những tảng đá lớn có phải tự nhiên không?

+ Một cây cầu đặt ở địa hình núi cao hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt như Bà Nà đòi hỏi chất liệu tạo nên cũng phải đặc biệt. Những vật liệu nào được chọn sử dụng để tạo nên Cầu Vàng và giữ cho cây cầu bền vững với thời gian ở nơi khắc nghiệt đó?

Cầu Vàng gồm 8 nhịp, 7 trụ và 2 mố, với tổng chiều dài 150m. Bề rộng toàn bộ cầu là 5m, trong đó phần mặt cầu dành cho người đi lại rộng 3m, 2 bồn hoa mỗi bên rộng 1m.

Kết cấu móng mố trụ cầu bằng bê tông cốt thép, các trụ cầu và chân nhện được làm bằng thép ống. Kết cấu nhịp bằng hệ thống dầm thép chữ I liên kết với nhau theo dạng khung chắc chắn. Vỏ cầu được ốp bằng thép tấm sơn nhũ vàng phối hợp với lan can bằng inox mạ titan vàng bóng tạo hiệu ứng sáng rực trước ánh sáng mặt trời. Mặt cầu được lát bằng gỗ kiền kiền tự nhiên. Đây là loại gỗ rất bền ngoài không khí, không bị mối mọt. Với thiết kế và chất liệu như vậy, công trình đảm bảo tính bền vững trước mọi điều kiện thời tiết khắc nghiệt tại Bà Nà.

+ Giờ Cầu Vàng đã nổi tiếng khắp thế giới, cảm giác của “mẹ đẻ” cây cầu lúc này như thế nào?

Chia sẻ được cảm xúc và thiết kế của mình đến với tất cả mọi người là điều hạnh phúc nhất của tôi!

Sắp có Cây Cầu Bạc

+ Nghe nói, chủ đầu tư và công ty của chị sẽ cho ra mắt cây cầu “anh em” với Cầu Vàng một ngày không xa. Chị có thể hé lộ đôi chút về cây cầu tương lai được không?

Cũng nằm trong ý tưởng chung của Vườn Le Jardin de Amour, mà các kiến trúc sư cảnh quan của TA có thể sẽ có dịp kể cho các bạn, đã có cầu Vàng thì sẽ có cầu Bạc. Nếu Cầu Vàng là hình tượng mạnh mẽ trên bàn tay khổng lồ của một vị thần núi thì cầu Bạc sẽ là mái tóc tung bay theo gió của một nữ thần. Có âm, có dương, có cương có nhu, có cố định có chuyển động. Tự nhiên luôn như vậy và các sản phẩm cảnh quan do TA kiến tạo ra cũng luôn hướng đến tự nhiên như vậy.

Những câu chuyện thần tiên được thể hiện qua kiến trúc cảnh quan sẽ lần lượt được kể cho mọi người, và những trải nghiệm đặc sắc mà không ở đâu trên thế giới từng thực hiện. Chúng tôi tự tin điều này.

+ Giả sử Cầu Vàng sẽ được vinh danh trong một giải thưởng quốc tế nào đó, chị sẽ chia sẻ niềm vui đó với ai đầu tiên? Chị có kỳ vọng điều này sẽ trở thành sự thật không?

À, đương nhiên là toàn bộ team của TA Landscape Architecture rồi. Quan điểm vốn dĩ không kiên cưỡng và các điểm mốc trong hoạt động sáng tạo của kiến trúc sư không chỉ là ghi nhận về nghề nghiệp mà còn là động lực giúp chúng tôi nỗ lực hơn trong những sáng tạo tương lai. Việc được hàng triệu triệu người chia sẻ, đó chính là giải thưởng lớn nhất.

Với một sản phẩm như Cầu Vàng thực sự rất phức tạp, thời gian thiết kế là 1 năm và thời gian thi công mất 1 năm. Nếu không có sự phối hợp vô cùng đồng bộ giữa các đơn vị, tôi tin hình ảnh này đã không xuất hiện trước các bạn ngày hôm nay. Với tư cách là 1 trong những kiến trúc sư, tôi thực sự cám ơn chủ đầu tư đã tác động mạnh mẽ giúp cho sản phẩm này được ra đời. Sự kiên trì cố gắng không ngại thời tiết khắc nghiệt cũng như địa hình hiểm trở của đơn vị thi công cùng sự giúp sức hỗ trợ tuyệt đối của đơn vị quản lý dự án cũng là điểm mấu chốt. Nhờ có sự chung tay của tất cả mọi người, sản phẩm mới có thể hiện thực hóa. Tôi thực sự biết ơn sự yêu mến và tin cậy của mọi người.

“Sản phẩm kiến trúc hay cảnh quan đều dành cho con người và chúng tôi cảm thấy rất ấm áp với sự đón nhận của mọi người trên thế giới. Mong rằng hình ảnh kiến trúc cảnh quan độc đáo của Việt Nam sẽ đến ngày càng nhiều, càng gần hơn với tất cả mọi người trên thế giới”.

“Nghề kiến trúc sư (KTS) là sự nối nghiệp gia đình vì cả bố mẹ tôi đều là KTS. Cũng là cái duyên vì chồng tôi cũng là KTS. Chúng tôi gặp nhau từ khi học ở trường ĐH Kiến trúc TPHCM. Vợ chồng tôi là đồng sáng lập và điều hành văn phòng thiết kế TA. TA là lấy từ chữ viết tắt tên của vợ chồng, vừa giống như cách mà bố mẹ tôi thường gọi nhau, có ý nghĩa như kiểu "ta với ta", "chúng ta", vừa khẳng định bản thân, vừa nói về một tập thể - chữ TA hình như rất thuần Việt. Chúng tôi nghĩ rằng, TA là nơi chúng tôi đem năng lực của mình để đóng góp phần mình cho nghề và cho đời, để trong cuộc đời làm nghề kiến trúc của mình có những công trình ghi dấu ấn ta, góp phần khẳng định năng lực của người Việt Nam chúng ta trong bản đồ kiến trúc thế giới”, kiến trúc sư Phạm Thị Ái Thủy

PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video