Nữ kỹ sư nghiên cứu thành công máy biến áp 500kV

23/10/2018
Nhìn người phụ nữ giản dị giữa gần 200 đại biểu các nhà khoa học nữ tại hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học nữ khu vực Châu Á- Thái Bình Dương vừa diễn ra tại Hà Nội ngày 18-10 vừa qua, ít ai biết được kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt là người đầu tiên nghiên cứu thành công máy biến áp 500kV ở Việt Nam.

Đàn bà sẽ không thể làm nổi!

Câu nhận xét của một chuyên gia nước ngoài khi kỹ sư Nguyệt bắt tay nghiên cứu chế tạo máy biến áp 500kV đã khiến bà càng quyết tâm thực hiện một nhiệm vụ tưởng chừng “bất khả thi”. Cách đây hơn 8 năm, quá trình nghiên cứu khoa học thiết bị điện siêu cao áp rất khó thực hiện bởi tiềm lực Việt Nam gần như không có, các nước sản xuất rất bí mật về công nghệ và thiết kế, nên trong quá trình nghiên cứu kỹ sư Nguyệt chủ yếu là tự mày mò, đọc tài liệu và xem các mẫu hình ảnh để tự phân tích tại sao người ta lại thiết kế như vậy. Khi nhờ chuyên gia Nga sang thẩm định, họ nói: “Đây là một nhiệm vụ rất lớn, liên quan đến nhiều phạm trù. Ở Nga, để làm máy này có đến 8 tiến sĩ, toàn chuyên gia đầu ngành nghiên cứu với sự hỗ trợ của 34 kỹ sư. Còn Việt Nam có mỗi 1 kỹ sư, mà lại là đàn bà, sẽ không thể làm nổi”.

“Dù ông ấy nói nhỏ nhưng tôi vẫn nghe được và cảm thấy có gì đó coi thường đàn bà. Cách nói đó khiến tôi càng quyết tâm chứng minh trong khoa học, đàn bà và đàn ông không khác gì nhau, chỉ có lòng quyết tâm và kiến thức thì ai cũng làm được. Hơn nữa không chỉ tiến sĩ mới làm được những điều quan trọng mà cả kỹ sư, những người có kiến thức, tâm huyết, đam mê nghiên cứu sẽ làm được tất cả”, kỹ sư Nguyệt chia sẻ.

Tiếp xúc với bà mới thấy, ngoài tài năng và trí tuệ của một nhà khoa học và bản lĩnh của một kỹ sư ngành điện được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động, bà còn là người con người đầy nhiệt huyết và dễ gần. Cả cuộc đời của bà gắn với máy biến áp, từ máy 110kV, đến 220kV và đỉnh cao là 500kV. Hiện nay, trên thế giới mới chỉ có 12 nước có thể chế tạo máy biến áp 500kV, Việt Nam đã ghi tên mình trong số đó bằng sự sáng tạo, đam mê và sự kiên trì đáng nể của kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt.

Người nước ngoài làm được thì người Việt Nam cũng có thể làm được, với suy nghĩ đó, kỹ sư Nguyệt – một kỹ sư chưa từng được học tập và nghiên cứu ở nước ngoài – chỉ với kiến thức của một kỹ sư tốt nghiệp Khoa Thiết bị điện, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đã nghiên cứu, chế tạo ra máy biến áp 110kV. Trước bao khó khăn vấp phải, bà đã từng nghĩ sẽ không làm thêm cái máy nào nữa, nhưng khi đóng điện thành công, bà lại muốn lao vào làm thêm những cái khác, cứ thế máy 220kV ra đời và như một người leo núi chinh phục đỉnh cao, bà lại muốn chinh phục đỉnh cao mang tên máy biến áp 500kV.

Từ nghi ngờ... đến nể phục

Việc nghiên cứu, chế tạo thành công máy biến áp 110kV đặt nền móng cho ngành công nghệ chế tạo máy biến áp có công suất lớn ở Việt Nam mà trước đó đều phải nhập khẩu. Đây cũng là lần đầu tiên ngành điện Việt Nam thiết kế thành công máy biến áp 110kV, đánh dấu bước phát triển quan trọng của Ngành Điện lực.

Kỹ sư Nguyệt nhớ lại: “Khi đưa máy đến trạm 110kV Vĩnh Yên, mọi người đều tỏ thái độ như chúng tôi mang họa đến cho họ, bởi nếu sự cố của máy biến áp 110kV xảy ra thì thiệt hại là không thể kể hết. Rất may, anh trạm trưởng là bạn học nên tôi mới có điều kiện triển khai. Hôm đóng điện, hàng trăm người dự họp, xe chữa cháy với hàng chục lính cứu hỏa bố trí các nơi. Dù được lãnh đạo Tổng công ty Điện lực Việt Nam đảm bảo rằng nếu có sự cố gì xảy ra, Tổng công ty sẽ chịu toàn bộ trách nhiệm, ấy vậy mà phải dùng dằng đến tận trưa, người ta mới chịu đóng điện. Lúc đóng điện, máy chạy êm ru, tôi sướng quá!”

 

 Kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt cùng các đồng nghiệp


Không dừng lại ở đó, chiếc máy biến áp 220kV đầu tiên của Việt Nam và cũng là của khu vực Đông Nam Á với các tiêu chí về kỹ thuật, mỹ thuật đã ra đời trong sự khâm phục của đồng nghiệp trong nước và quốc tế. Đến nay, máy biến áp 110kV, 220kV đã được vận hành rộng rãi, an toàn tại nhiều địa phương trong cả nước. Chất lượng tương đương máy nhập khẩu mà giá thành và chi phí giảm khoảng 20%. Thành công của máy biến áp 220kV không chỉ là niềm tự hào của ngành điện mà còn của đất nước, bởi trước đó Việt Nam phải nhập khẩu với chi phí lớn và loại máy này cũng chiếm một vị trí quan trọng trong hệ thống mạng lưới điện quốc gia.

Kỹ sư Nguyễn Đình Đoàn, người đồng hành cùng kỹ sư Nguyệt từ những ngày đầu nghiên cứu chế tạo máy 110kV, cho biết: Đó là những tháng ngày vất vả để tìm hiểu, rút kinh nghiệm được những cái ưu điểm của máy móc nước ngoài, từ đó nghiên cứu, áp dụng sao cho ưu việt nhất, phù hợp với điều kiện Việt Nam. Năm 2002, khi các kỹ sư Việt Nam còn chưa ai nhìn thấy cấu hình máy biến áp 220kV, chị lại được giao nghiên cứu để rồi chế tạo thành công. Đây là máy mà chị Nguyệt thiết kế phần điện, tôi thiết kế phần cơ. 

Bước chân vào một lĩnh vực nghiên cứu với muôn vàn khó khăn bởi tài liệu về lĩnh vực đó gần như không có, chỉ với kiến thức tích lũy và sự đóng góp, thẩm định và cả những câu chê của chuyên gia nước ngoài, kỹ sư Nguyệt đã khiến giới khoa học trong và ngoài nước từ nghi ngờ phải chuyển sang nể phục. Những khó khăn chỉ người trong ngành, người đã từng làm mới hiểu mức độ khó khăn của việc tạo ra máy biến áp 500kV. Điều đó lý giải tại sao hiện chỉ có 12 nước trên thế giới chế tạo được máy này, bởi đòi hỏi trình độ công nghệ rất phức tạp. Ngay cả Nga làm máy này đầu tiên cũng phải lần thứ 4 mới thành công.

Trọng trách của bà càng nặng nề hơn khi hàng loạt máy biến áp 500kV bỗng nhiên bị hỏng ở Thủy điện Yaly. Muốn sửa chữa phải đưa sang Nga với thời gian chờ đợi 8-9 tháng. Chỉ riêng tiền vận chuyển cũng tốn trên tỷ đồng, đó là chưa kể mỗi ngày máy không hoạt động Yaly phải xả đi 1 lượng nước tương đương với 2 tỷ đồng tiền điện. Thế nhưng, kỹ sư Nguyệt và đội quân Công ty CP Chế tạo thiết bị điện Đông Anh đã mày mò sửa chữa chỉ hết 3 tháng với tổng chi phí 1,7 tỷ đồng. Đó cũng là cơ hội quý giá để bà nghiên cứu chế tạo máy biến áp truyền tải 150MVA-500kV.

Bà kể: “Mình cũng chỉ nghĩ đơn giản là máy 110 mình làm được, 220 mình cũng làm được thì máy 500 chắc mình cũng làm được. Nhưng không ngờ, càng nghiên cứu tôi càng thấy mình như bước vào mê hồn trận, càng thấy mình thiếu thốn nhiều quá: Thiếu kiến thức về máy biến áp 500kV, thiếu tài liệu, thiếu thực nghiệm, thiếu các kết quả nghiên cứu của các nước tiên tiến trên thế giới”.

“Bà Nguyệt bà ấy chỉ biết máy 110, máy 220 chứ máy 500 bà ấy chả biết gì cả”, hay câu chê tế nhị “cái này tản nhiệt tốt đây”, khiến tôi biết phải làm lại. Có những lúc khó khăn không vượt nổi nhưng khi nghĩ lòng tin của rất nhiều người đặt vào mình, không thể bỏ cuộc, lúc đó lòng quyết tâm lại tràn lên, kỹ sư Nguyệt nói.

Với sự giúp sức của kỹ sư Nguyễn Đình Đoàn, Kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt cho biết, bà đã thiết kế 750 bản vẽ nội dung máy, chưa kể đến hàng nghìn bản vẽ chi tiết máy. Sau hơn 1 năm, với gần 1.500 bản vẽ, hàng trăm thí nghiệm, chiếc máy biến áp 500kV đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á đã hoàn thành, đúng dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội (ngày 7-10-2010).

Nhận xét về người “người mẹ” của những chiếc máy khổng lồ này, kỹ sư Nguyễn Đình Đoàn chia sẻ: Chị Nguyệt là một kỹ sư giỏi. Từ trong trường học đã giỏi, khi làm nghề lại say mê nghiên cứu tìm tòi và miệt mài với công việc, có những ngày quên ăn quên ngủ để mà vì công trình này.

Với tầm quan trọng của máy biến áp 500kV, chỉ cần hỏng một máy thì sẽ gây mất điện 2-3 tỉnh, do đó ngành điện phải nhập khẩu tương đối nhiều, đề phòng trường hợp sự cố. Với sự nghiên cứu và chế tạo thành công máy biến áp 500kV của kỹ sư Nguyệt, giá thành nhập khẩu đã giảm hơn 30 tỷ/máy. Nếu trước kia ngành điện phải nhập với giá 150 tỷ/máy, thì nay giá nhập khẩu đã giảm xuống còn khoảng 120 tỷ/máy, làm lợi cho nhà nước mỗi năm hàng trăm tỷ.

Thành công nhờ hậu phương 

Khi được hỏi về lời khuyên với các nhà khoa học trẻ hiện nay, bà chỉ cười và nói “ai cũng giỏi, tôi chẳng dám khuyên gì, chỉ có thể chia sẻ rằng ngoài kiến thức, người làm khoa học còn cần có lòng đam mê và quyết tâm, làm vì xã hội, vì đất nước”.

Bà vẫn tự nhận mình chẳng “đảm việc nhà”, nhưng may nhờ có hậu phương vững chắc nên mới có thể yên tâm làm khoa học. “Tôi vẫn luôn trăn trở và nói với chồng là em làm thế này chồng con rất thiệt thòi, nếu lấy người khác thì người ta bỏ lâu rồi. Anh ấy chỉ nói: Thôi, em tối biết về nhà ngủ là tốt lắm rồi”, bà cười nói và cho biết sở dĩ chồng nói vậy vì bà thường ở trong nhà máy làm việc và hướng dẫn thi công đến 9, 10 giờ đêm mới về.

Thừa nhận mình là người may mắn bởi có người chồng hiểu được ý nghĩa, việc làm của vợ nên cũng động viên và lo chuyện gia đình giúp vợ. Duy chỉ 1 điều mà đến giờ kỹ sư Nguyệt vẫn cảm thấy ân hận. “Đó là hồi làm máy biến áp 110kV, khi đó con đang ốm sốt, tôi đã nói: Con ơi, mẹ phải vào nhà máy, hướng dẫn cho các chú thi công một lúc là mẹ về ngay. Sau đó vào việc quên mất con, đến khi về nhà mới sực nhớ là con ốm, nhìn mặt nó đỏ gay, tôi cuống quýt hỏi con làm sao thế này. Nó bảo: Mẹ đi vào với máy của mẹ đi, con ở nhà chết cũng được”, kỹ sư Nguyệt kể lại mà mắt vẫn rơm rớm lệ.

Gần như bị thôi miên, kỹ sư Nguyệt “chìm đắm” với công việc. Ngay cả bản thân mình cũng không được chú ý. “Nhiều đêm nhận được điện thoại, phải chạy vào nhà máy, đầu óc cứ nghĩ đến máy móc, bỗng nhận ra chân một bên cao một bên thấp, nhìn xuống mới thấy 1 chiếc dép của mình, 1 chiếc dép của con”, kỹ sư Nguyệt vui vẻ chia sẻ.

Có thể thấy, nhờ sự hy sinh và những nghiên cứu của kỹ sư Nguyệt, đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á và thứ 12 trên thế giới thiết kế, chế tạo thành công máy biến áp 500kV.

Ngày đầu tiên nhận quyết định nghỉ hưu, cũng là ngày nhận quyết định sửa chữa máy biến áp ở thủy điện Yaly. Ở tuổi 68, bà vẫn miệt mài với công việc nghiên cứu, vẫn gắn bó với những phân xưởng sản xuất.

Một số thành tích của kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt:

- Năm 2004, được Tổ chức sở hữu trí tuệ Thế giới WIPO tặng giải thưởng Nhà khoa học nữ xuất sắc nhất về công trình nghiên cứu máy biến áp 220 kV.

- Tháng 8/2006, được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng lao động.

- Năm 2014, được Tổ chức sở hữu trí tuệ Thế giới WIPO tặng giải thưởng Nhà khoa học nữ xuất sắc nhất về công trình nghiên cứu máy biến áp 500 kV.

QĐND

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video