Nữ “thuyền trưởng” HTX chè Hảo Đạt thành công từ mô hình sản xuất chè theo chuỗi liên kết

10/11/2020
Mặc dù mới được thành lập từ năm 2016 nhưng các sản phẩm chè của HTX Hảo Đạt, tỉnh Thái Nguyên đã có mặt tại 63 tỉnh, thành trong nước.

Đầu tháng 11 năm 2020, đến thăm quan thực tế tại khu sản xuất của HTX Chè Hảo Đạt, chúng tôi bị thu hút bởi mùi thơm của những mẻ chè mới được lấy hương. Các công nhân làm việc tại đây đang nhanh tay đóng gói, dán nhãn mác từng loại sản phẩm. Toàn bộ khu chế biến, bảo quản, đóng gói chè đều được ốp bằng gỗ sạch sẽ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Khu thưởng thức trà được bài trí gọn gàng, đẹp mắt.

Công nhân HTX Chè Hảo Đạt đang đóng gói chè

Tiếp chúng tôi, là chị Đào Thanh Hảo – nữ “thuyền trưởng” đang chèo lái HTX chè Hảo Đạt. Ấn tượng đầu tiên khi gặp chị là sự gần gũi, thân thiện với nụ cười luôn nở trên môi. Trong ngôi nhà khang trang, chị Hảo kể cho chúng tôi nghe về những ngày tháng lập nghiệp tại chính nơi chị sinh ra và lớn lên: “Hai vợ chồng tôi cưới nhau khi vừa học hết cấp 3, hoàn cảnh kinh tế hai bên đều rất khó khăn, tài sản duy nhất là mấy trăm mét vuông đất đồi cùng nghề làm chè do bố mẹ để lại. Ngày ngày, tôi đi hái chè rồi đem về tự tay chế biến để kịp cho chồng chở đi khắp nơi giao bán. Thú thực lúc đó tôi chỉ mong kiếm đủ tiền nuôi 2 con ăn học và trang trải cuộc sống gia đình là may mắn lắm rồi”.

Cuối năm 1999, tích lũy được một số vốn nhỏ, chị Hảo quyết định đầu tư máy móc làm chè. Nhờ chăm chỉ, chịu khó, giữ chữ tín trong kinh doanh nên khách hàng của chị ngày một đông, thị trường tiêu thụ không chỉ bó hẹp trong tỉnh mà đã vươn sang một số tỉnh lân cận. “Cũng từ đây, tôi phát hiện ra rằng, có nhiều phân khúc thị trường mà mình chưa đáp ứng hết, trong khi xưởng nhà chỉ có thể cho năng suất 4-5 tạ/tháng. Năm 2007, tôi đứng ra vận động một số chị em trong xóm thành lập tổ hợp tác để liên kết sản xuất chè với mong muốn cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, tăng chất lượng sản phẩm và nâng cao thương hiệu chè Thái Nguyên trên thị trường” - Chị Hảo cho biết.

Để tạo dựng uy tín của chè Hảo Đạt trên thị trường, chất lượng và sự chuyên nghiệp là nguyên tắc chị Đào Thanh Hảo luôn theo đuổi. Chị chia sẻ: Bao bì đóng gói sản phẩm tôi đặt mua tận T.P Hồ Chí Minh. Các thiết bị máy móc như hút chân không, phòng lạnh bảo quản, hệ thống sao sấy bằng điện…đều được HTX đầu tư đồng bộ. Hiện nay, cơ sở Hảo Đạt đã đầu tư 2 xưởng sản xuất, đóng gói chè với diện tích trên 2.000m2. Dây chuyền sản xuất chế biến chè được khép kín, với các loại máy sao chè lấy nhiệt bằng điện, hàng chục máy vò chè có giá trị hơn 2 tỷ đồng đều đặt chế độ tự động. Tất cả đều do chị cùng đội ngũ thợ cơ khí thiết kế điều chỉnh thử nghiệm, vận hành cho phù hợp. Gia đình chị còn đầu tư thêm 3 ô tô tải để phục vụ vận chuyển cho khách hàng và 3 nhà kho bảo quản lạnh với diện tích lên đến  400m2.

Còn về chất lượng chè, có nhiều người góp ý nên thu mua chè nguyên liệu về chế biến rồi dán mác Tân Cương, lợi nhuận sẽ cao hơn nhiều nhưng chị kiên quyết không làm.  Chị cho biết, bản thân chị đã đi nhiều vùng chè trong và ngoài tỉnh, nhận thấy một số nơi có điều kiện thổ nhưỡng và tiểu khí hậu rất phù hợp, chè búp tươi thậm chí còn đẹp hơn ở Tân Cương. Nhưng khi sao sấy theo đúng kỹ thuật của mình vẫn làm thì chất lượng lại không bằng. Chè Tân Cương có màu sắc, thơm hương và vị đượm đặc trưng không phải nơi nào cũng có được. Mặt khác, toàn bộ chè do HTX sản xuất đều phải theo tiêu chuẩn VietGAP, không hóa chất độc hại, sử dụng nguồn nước sạch, bón phân đúng liều lượng, đúng thời gian là những yêu cầu bắt buộc với các thành viên và hộ liên kết sản xuất nhằm đảm bảo cho nguồn nguyên liệu chè đầu vào của HTX luôn đạt được chất lượng cao, đảm bảo các tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm.

Từ những sản phẩm ban đầu được ký gửi tại các cửa hàng, gian trưng bày tại hội chợ, nhãn hiệu chè Hảo Đạt ngày càng được khách hàng biết đến. Giờ nhắc vùng chè đặc sản Tân Cương, nhiều người nghĩ ngay đến nhãn hiệu Hảo Đạt.

Không chỉ dừng lại ở việc sản xuất, cung cấp ra thị trường các loại chè sạch, chè an toàn, chị Hảo còn đứng ra liên kết, tiêu thụ sản phẩm cho bà con trong xã với giá thu mua ổn định từ 50.000 - 400.000 đồng/kg chè tươi, tránh được tình trạng bị tư thương ép giá. Hằng năm, chị Hảo còn đứng ra tổ chức trên 10 lớp tập huấn để phổ biến kiến thức cho các thành viên, tổ hợp tác, các hộ dân liên kết về cách trồng, chăm sóc, sản xuất, chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ theo từng mùa vụ để đạt giá trị kinh tế cao.

Bà Đào Thanh Hảo đang phổ biến kỹ thuật trồng chè theo hướng hữu cơ tại diễn đàn khuyến nông @ về sản xuất chè an toàn theo hướng hữu cơ tháng 11 năm 2020

Nhờ có nguồn cung cấp nguyên liệu dồi dào nên sản lượng chế biến của HTX năm sau luôn cao hơn năm trước. Cụ thể, năm 2019, HTX đã chế biến được trên 150 tấn chè búp thành phẩm, doanh thu đạt trên 10 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước trên 450 triệu đồng. Năm 2020, dự kiến doanh thu của HTX đạt khoảng 13 tỷ đồng, chế biến đạt trên 200 tấn chè thành phẩm; lợi nhuận tăng từ 10-15%/năm. Khi mới thành lập, HTX có 7 thành viên, hiện đã tăng lên 30 thành viên, vốn điều lệ của HTX cũng đã tăng từ 300 triệu đồng lên 1,5 tỷ đồng; tạo việc làm ổn định cho từ 30-40 lao động với mức thu nhập bình quân từ 5-7 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, HTX thường xuyên giúp đỡ 15 hộ nghèo trong xã về vốn với số tiền từ 10-15 triệu đồng/hộ không lãi suất.

Với những kết quả đã đạt được, năm 2017, chị Hảo đã được vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có thành tích xuất sắc trong Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Năm 2019, chị tiếp tục được nhận phần thưởng cao quý Huân chương Lao động hạng Ba vì đã có mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Thái Nguyên. Chị cũng nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp, các ngành. Năm nay, chị Hảo là một trong những cá nhân tiêu biểu của tỉnh được tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, dự kiến diễn ra trong tháng 12 tới đây.

Thu Quyên

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video