Nữ tiến sĩ đam mê nghiên cứu văn học dân tộc thiểu số

26/03/2019
Với PGS. TS. Trần Thị Việt Trung, nghiên cứu văn học dân tộc thiểu số là một niềm đam mê, một tình yêu, trách nhiệm của người con luôn tự hào về vẻ đẹp quê hương miền núi của mình.

Sinh ra và lớn lên giữa Thủ đô gió ngàn Việt Bắc và trở thành nhà giáo, nhà nghiên cứu phê bình văn học khu vực trung du và miền núi phía Bắc Việt Nam, PGS. TS. Trần Thị Việt Trung đã gắn bó cả cuộc đời mình với vùng đất miền núi giàu bản sắc văn hóa tộc này. PGS. TS. luôn say sưa nghiên cứu “tiếng nói” chữ viết của cộng đồng các dân tộc thiểu số.

PGS. TS Trần Thị Việt Trung chia sẻ: được tiếp cận với các sáng tác, tác giả văn học dân tộc thiểu số từ khi còn rất nhỏ nên PGS. TS. thấm đẫm chất văn hóa dân tộc thiếu số mang bản sắc riêng của những tộc người khác nhau. Bà rất ấn tượng với câu nói của một nhà xã hội học nổi tiếng thế giới: “Một dân tộc có thể bị mất nước 5 năm, 10 năm, 100 năm, thậm chí 1.000 năm, nhưng qua các cuộc đấu tranh có thể giành lại được đất nước. Nhưng một dân tộc đánh mất đi bản sắc văn hóa, thì dân tộc đó vĩnh viễn mất đi Tổ quốc”. Với tâm niệm ấy, bà đã đi sâu nghiên cứu vấn đề gìn giữ, phát huy văn hóa dân tộc thiểu số thời kỳ hội nhập, để mọi người hiểu được, yêu quý và trân trọng bản sắc của văn hóa dân tộc.

Tập trung nghiên cứu bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số trong văn học nghệ thuật, tới nay, PGS. TS. Trần Thị Việt Trung đã xuất bản hàng chục cuốn sách nghiên cứu, tuyển tập sưu tầm về văn học dân tộc thiểu số với vai trò tác giả, chủ biên và đồng chủ biên như: Bản sắc dân tộc trong thơ các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại (2010); Văn học dân tộc thiểu số Việt Nam thời kỳ hiện đại - một số đặc điểm (2011); Nghiên cứu, lý luận phê bình văn học dân tộc thiểu số Việt Nam thời kỳ hiện đại, diện mạo và đặc điểm (2013); Văn học dân tộc thiểu số Việt Nam - truyền thống và hiện đại (2014); Nghiên cứu, phê bình về văn học dân tộc thiểu số (2016)...

Bên cạnh đó, bà cũng đã chủ trì nhiều đề tài khoa học cấp bộ về dân tộc thiểu số: Hình tượng nhân vật người phụ nữ trong văn xuôi Việt Nam hiện đại; Bản sắc dân tộc trong thơ ca các dân tộc thiếu số Việt Nam hiện đại; Văn học dân tộc thiểu số Việt Nam thời kỳ hiện đại - dưới góc độ thể loại...

Qua các công trình nghiên cứu và các bài báo khoa học viết về văn học dân tộc thiểu số của bà, những người quan tâm về dân tộc thiểu số và người đọc nói chung có thể hình dung một cách vừa khái quát, vừa cụ thể về diện mạo, đặc điểm, những vẻ đẹp, những nét đặc sắc, độc đáo của bộ phận văn học đặc biệt này.

Bà đã nói lên được những điều mà các tác giả dân tộc thiểu số thể hiện trong sáng tác của họ nhưng ít người để ý đến. Những nghiên cứu của bà cho thấy bản sắc dân tộc luôn thấm đẫm trong bộ phận văn học dân tộc thiểu số Việt Nam, mang lại giá trị giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho con người miền núi, đặc biệt là thế hệ trẻ dân tộc thiểu số hiện nay.

Đã hướng dẫn trên 50 học viên, trong đó, khoảng 30 học viên làm luận văn Thạc sĩ về văn hóa dân tộc thiểu số, bà cho biết: “Dù còn nhiều khó khăn trong công tác nghiên cứu, nhưng tôi tin rằng, mình và các đồng nghiệp sẽ làm được, vì chúng tôi yêu công việc này và khao khát làm được một điều gì đó để gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc qua đời sống sáng tác văn học nghệ thuật”.

Bà cho biết, thời gian tới, bà vẫn tiếp tục cống hiến, “truyền lửa” cho mọi người yêu tiếng nói, văn chương, chữ viết của các dân tộc thiểu số Việt Nam. Công việc này sẽ góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong đời sống công nghệ số hiện nay.

Với những thành công trong công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo, PGS, TS Trần Thị Việt Trung đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú; tháng 10-2018, bà được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì; cùng nhiều Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam...

bienphong.com.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video