Nữ Tiểu đội trưởng thanh niên xung phong: Tháng năm “chẳng tiếc đời xanh” trên chiến trường

15/07/2020
Trong cuộc đời lắm nỗi truân chuyên của mình, có lẽ những tháng năm tuổi trẻ chẳng tiếc đời xanh trên đường mòn Hồ Chí Minh của nữ TNXP Đàm Thị Trọng, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 3 (Trung đội 10, Đại đội 4 Đội TNXP 303 Hà Tây), là khoảng thời gian đẹp nhất.
Nữ Tiểu đội trưởng TNXP Đàm Thị Trọng nhiều lần xúc động mỗi khi nhắc đến đồng đội.

Những ngày giữa tháng 7, tôi tìm đến nhà bà Đàm Thị Trọng (67 tuổi, xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng, Hà Nội). Căn nhà vẻn vẹn 32m2, được bà mua sau những năm từ chiến trường về. Trời rất oi nên bà phải kéo tấm vải xuống để nắng đỡ hắt vào nhà. Hôm nay, hai vợ chồng con trai đi làm, bà một mình ở nhà, ông nhà mất đã lâu.

Căn nhà của nữ tiểu đội trưởng TNXP Đàm Thị Trọng sau nhiều lần cơi nới, sửa sang.

Tiền tuyến gọi, thanh niên Hà Tây sẵn sàng!

Cuối năm 1972, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn cam go, quyết liệt. Đế quốc Mỹ vừa tăng cường bom đạn phá hoại miền Bắc, vừa tăng cường trải bom trên đường mòn Hồ Chí Minh hòng chặn con đường chi viện cho tiền tuyến miền Nam. Vì lẽ đó mà Trung đoàn 98 (Sư đoàn 473, Đoàn 559), một trung đoàn công binh cơ động, vào tuyến sớm nhất đang phải đứng chân trên dải tuyến phía đông từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Đà (cũ). Trước tình hình đó, Trung ương Đoàn giao cho Tỉnh đoàn Hà Tây (cũ) tổ chức một đội Thanh niên xung phong (TNXP) vào chi viện cho miền Nam.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Tỉnh đoàn, chỉ trong một thời gian ngắn, hàng ngàn thanh niên trong tỉnh đã hăng hái ghi tên. Thời điểm này, bà Trọng đang vào độ tuổi 17, do chiều cao có hạn (1m49) không được bộ đội nhận, nên bà nộp đơn tình nguyện đi TNXP để miễn sao "Được lên đường đi giải phóng miền Nam" (Gửi về quê mẹ Hà Tây, bà Hoàng Thị Thanh Hòa - Cựu nữ TNXP 303 Hà Tây). Cùng đợt đi với bà, trên địa bàn tỉnh Hà Tây còn có 504 người nữa, ai khi ấy cũng ở độ tuổi 17-22, được lập thành một đội TNXP với phiên hiệu 303.

Nhớ lại ngày ra đi, bà Trọng cũng như 7 đồng đội khác cùng xã (Sáng, Tảo, Nam, Phong, Hưu, Thơm, Thanh) được phát quân tư trang như một quân nhân (ba lô, dép cao su, bi đông, chăn, nón tai bèo,…). Buổi đó tiết trời đầu đông, lũy tre đầu làng thưa thớt lá, những hàng phi lao vun vút trước cơn gió lạnh tiễn những cô gái, chàng trai từ làng quê ra trận.

"Hôm ấy tiễn tôi đi, có cả bố mẹ già, anh trai cả và 3 người em nhỏ. Các em thì áo quần lụng thụng, khuôn mặt đen nhẻm. Thấy vậy trong lòng tôi cũng dâng lên cảm xúc nhưng vì sợ người nhà cũng khóc nên phải cố gắng cười gượng, dũng cảm bước lên xe và vẫy tay chào", bà Trọng nhớ lại.

Sau gần một tháng hành quân dã ngoại gian khổ, cuối tháng 2/1973, Đội TNXP 303 Hà Tây đã đến vị trí tập kết an toàn ở thung lũng A Sầu (huyện A Lưới, Thừa Thiên - Huế) và Prao (tên thường gọi là Trao, thuộc vùng núi phía tây Quảng Đà). Cả đội được biên chế phối thuộc Trung đoàn 98 (E98), Sư đoàn 473, Đoàn 559 thực hiện nhiệm vụ mở đường, đảm bảo giao thông trên tuyến đường dài gần 150km từ A Sầu qua Bù Lạch (Thừa Thiên - Huế), biên giới Việt - Lào đến Trao - Bung - Bến Giàng (nay thuộc tỉnh Quảng Nam).

Sau hàng ngàn lần bị máy bay địch đánh phá, cùng với những trận chiến ác liệt giữa bội đội ta và giặc, mà điển hình là chiến thắng Cô Ca Va diệt hàng trăm lính thủy đánh bộ Mỹ giữa vùng tuyến đường Trường Sơn khiến chúng phải bỏ chạy, nên tuyến đường này không còn ra đường, bị bom đạn quần tan nát, chỉ có lầy lội và ẩm ướt. Nhưng với tinh thần "Tiền tuyến gọi, thanh niên Hà Tây sẵn sàng, cần bao nhiêu có bấy nhiêu, đã ra đi là chiến thắng", những cô gái của "Hà Tây quê lụa" bằng những trang bị đơn sơ như cuốc, xẻng… đã rà phá bom mìn, sửa lại cầu đường cho bộ đội và xe vận tải ra chiến tuyến được thông suốt, an toàn

 

Chiến đấu kiên cường với "giặc sốt rét"

Thời điểm này, E98 đang tập trung lực lượng để mở đường Trao - Bung - Bến Giàng, tuyến đường dài trên 50km, qua nhiều suối và sông lớn, địa hình đèo cao hiểm trở. Đại đội 4 (C4) của bà Trọng được giao phụ trách tuyến đường dài khoảng 10km tính từ thị trấn Trao. Đây là một đại đội rất đặc biệt, vì quân số chủ yếu là nữ với 150 người, nam chỉ có khoảng 10 người (gồm đại đội trưởng, chính trị viên trưởng, 3 trung đội trưởng, 1 khí tài, 1 kế toán và 3 liên lạc). Với tính cách hoạt bát, hay tạo tiếng cười cho chị em, bà Trọng được đơn vị phân làm Tiểu đội trưởng Tiểu đội 3 (A3), phụ trách 10 người.

Lúc mới đến nhận nhiệm vụ, lán trại chưa có sẵn, bà Trọng và các chị em phải đi mượn cưa đục từ đơn vị bạn để về tự dựng. Chị em nào khỏe thì vào rừng chặt cây, ai khéo thì ở nhà đục đẽo… Khoảng một tuần thì 'đại bản doanh' của C4 hoàn thiện, có nơi ăn nghỉ riêng cho từng tiểu đội, có bếp ăn ngoài trời, có sân tập thể dục, phía sau trại còn có khu tăng gia sản xuất.

Bà Đàm Thị Trọng mặc trang phục TNXP chụp ánh tại Hòn Trống Mái (huyện Quảng Xương, Thanh Hoá).

Tuy vậy, do thay đổi môi trường sống, từ đồng bằng trù phú mẫu mỡ lên vùng núi cao hiểm trở với điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt (sạt lở đất, lũ quét), trời vừa ẩm thấp vừa nắng thiêu da, nên trong khoảng 6 tháng đầu, các chị em trong đơn vị của bà Trọng lần lượt bị sốt rét rừng hành hạ. Những chị em bị nhẹ thì nằm ở bệnh xá của đại đội, còn những ai bị nặng phải có người cáng tới bệnh xá của Đội 303 cách đó vài cây số.

Trong những lần đó, vì sức khỏe tốt hơn các bạn, lại là Tiểu đội trưởng nên bà Trọng đều nhận việc cáng đồng đội đến bệnh xá. Mỗi lần như vậy, ngoài bệnh nhân là 'nhân vật chính' còn phải có 4 'nhân vật phụ' nữa đi kèm để thay nhau luân phiên cáng. Đường tới bệnh xá rất hiểm trở, nhiều khi phải lên dốc cao, có lúc phải lội qua suối sâu. Bà Trọng nhớ như in một lần cáng bạn Thúc Thị Mùi (cũng đồng hương ở Đan Phượng) của A3 bị sốt rét lên bệnh xá, trên đường đi phải qua con suối sâu và nước chảy xiết, cáng không qua được. "Các bạn phải đỡ Mùi cho ngồi lên cổ tôi, bước qua suối xong mới lại đưa Mùi trở lại cáng nằm", bà Trọng nhớ lại. 

Trong 3 năm (1972 - 1975), toàn Đội TNXP 303 Hà Tây đã đóng góp 405.000 công lao động trực tiếp mở đường; 150.000 công bốc xếp vận chuyển hàng triệu mét khối đất, đá, cát, sỏi; đảm bảo giao thông thường xuyên thông suốt 60km. Nâng cấp, mở rộng, làm mới 23,4km đường cơ bản - trong đó 10,5km trải móng đá; 12,9km trải sỏi cấp phối, làm kè; 6 ngầm vượt sông; 94 cống; 8 ga tránh xe, mỗi ga dài 200m, rộng 7m.

Thấy các bạn sốt rét phải nằm bất động một chỗ, đắp đến cái chăn thứ ba mà người vẫn run cầm cập, bà Trọng cũng như nhiều chị em khác ai cũng thương, có người không nén được thì khóc. Nhưng đều ở cảnh xa nhà, mọi người cũng chẳng có thể làm gì hơn, chỉ biết động viên, hoặc dành dụm từng sợi chỉ, cây kim, mảnh vải vào vùng đồng bào Cơ Tu sinh sống đổi lấy ít rau, cá, thịt… để về cải thiện bữa ăn cho người ốm.

Cuối cùng, sau 6 tháng đến Trường Sơn, bà Trọng dẫu có khỏe đến mấy cũng đến lượt bị sốt rét rừng 'thăm viếng'. Sáng hôm đó, bà Trọng lên khu tăng gia của Trung đoàn cách đó 8km nhổ sắn về để cải thiện bữa ăn cho đồng đội. Trên đường trở về, may mắn gặp xe tải của một đơn vị bạn, bà được đi nhờ đến 'barie' của Đại đội mình. Khi vừa vác bao sắn nặng 70kg từ ngoài cổng doanh trại vào đến khu vực bếp, bà bỗng nhiên thấy ngây ngấy sốt, người run cầm cập và ngã xuống, sức lực mất hết như một quả bóng bay bị xịt hơi. Ngay sau đó, bà được đồng đội dìu vào phòng y tế nằm, dẫu đã được cán bộ y tế tiêm ký ninh nhưng vẫn sốt 40 - 41 độ C, nên bà được chuyển lên bệnh viện của Đội 303.

Nằm bệnh viện Đội được 3 ngày, cảm thấy bệnh tình đỡ, bà có xin bác sỹ cho về đơn vị. Tuy nhiên, vì bà chưa hồi phục hẳn nên bác sỹ 'buộc' bà ở lại và nói đùa, "Cô ở lại đây cho bệnh viện đỡ buồn", vì trong mấy ngày nằm viện bà khiến cho không khí ở bệnh xá trở nên vui nhộn, lúc nào cũng có tiếng cười.

Nhưng ở một chỗ quá lâu thì bí bách, nhất là một người có sức trẻ như bà, cần phải sớm ngày trở lại mặt trận để mở đường 'Cho xe thẳng tới chiến trường'. Với ý chí của một nữ tiểu đội trưởng, chỉ sau 2 tuần nằm viện, bà đã trở lại cùng đồng đội phá đá mở đường, lấp hố bom duy trì tuyến đường huyết mạch. Bằng đôi bàn tay khéo léo, những đoạn taluy do chính tay tiểu đội của bà làm đều rất đẹp, được Trung đoàn khen trong mỗi lần tổng kết, rút kinh nghiệm.

Với tinh thần ấy, những đoạn đường mới mở ngày càng dài và rộng ra, đến ngày 20/6/1973, tuyến đường Trao - Bến Giàng dài 53km được hoàn thành, mở thông hành lang phía Đông từ Bắc vào Tây Nguyên. Ghi nhận thành quả trên, trong đó có những đóng góp của Đội TNXP 303 Hà Tây, vào ngày 3/9/1973, tại thị trấn Trao, Nhà nước đã trao tặng cho Trung đoàn 98 danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Những năm sau đó, trung bình mỗi năm 2 lần sốt rét rừng quay lại hành bà Trọng, nhưng có lẽ vì quen nên bà cũng ít khi phải nằm bệnh xá. Những đồng đội của bà thể trạng yếu hơn, có người mỗi năm lên cơn tới 6 lần, cứ một tháng nằm bệnh xá, một tháng lại đi làm.

Tổng kết về bệnh sốt rét thời điểm này, những trang tư liệu của Đội TNXP 303 Hà Tây cho biết, trên toàn đơn vị có tới 22% bị sốt rét. Trong 3 năm (1972 - 1975), bệnh xá của Đội đã chữa khỏi cho 836 lượt cán bộ, chiến sĩ, trong đó có 245 lượt đến từ đơn vị bạn. Tuy vậy, cuộc chiến với bệnh sốt rét đã cướp mất 6 đồng đội của bà Trọng. 

Kết thúc chiến tranh, ngày 15/1/1976, khi hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang trở về quê nhà, nhiều TNXP của Đội 303 Hà Tây nhiều năm sau đó vẫn còn bị sốt rét 'hành hạ', có những người phải 10 năm mới hết nợ với căn bệnh 'dai như đỉa' này.

Họp mặt truyền thống các cựu TNXP 303 Hà Tây vào tháng 2/1995

Nay đã bước sang tuổi 67, mỗi khi nhớ lại khoảng thời gian đi TNXP, nhất là về những người đồng đội, bà Trọng vẫn rơi nước mắt. Những kỷ vật của chiến trường tuy đã bị cái đói, cái nghèo lấy đi nhưng những kỷ niệm về đồng đội có lẽ chẳng bao giờ phai trong trái tim của nữ Tiểu đội trưởng TNXP Đàm Thị Trọng.

"Những cô gái thân thương

Khăn che kín đầu không còn sợi tóc

Mà dạn dày gan góc

Sốt rét rừng lấn át tuổi hai mươi

Da sạm đen môi vẫn nở nụ cười

Giữa sống chết mà không hề tính toán

Tan khói bom vẫn nụ cười duyên dáng

Thoáng chút buồn…vì…đồng đội đi xa

Trường Sơn là bản hùng ca

Đường là trận địa, đường là tương lai"

(Người TNXP giữa Trường Sơn ngày ấy, ông Đoan Hùng - Cựu TNXP 303 Hà Tây - viết về đồng đội)

Tổng kết 3 năm (1972-1975), Đội TNXP 303 Hà Tây có 54 đồng chí được bầu là chiến sĩ thi đua, 210 đồng chí được tặng danh hiệu "Dũng sĩ Trường Sơn", 256 đồng chí được tặng Huân chương Chiến sĩ giải phóng, 30 đoàn viên ưu tú được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Nguyễn Thị Tuyết (xã Phượng Độ, huyện Phúc Thọ) và Nguyễn Ngọc Lan (xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng) được thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba.

PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video