Nữ trí thức kiên trung

24/07/2007
Thông minh, hoạt bát, đỗ tú tài vào đúng năm thành lập nước, Nguyễn Thị Diệu hăng hái tham gia hoạt động xã hội, được giao nhiều trọng trách. Ở cương vị nào bà cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và đã hy sinh anh dũng ở tuổi 29.

Sinh năm 1926 tại thôn Tân Phong, xã Phổ Phong, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, 19 tuổi bà Nguyễn Thị Diệu đã tích cực tham gia Cách mạng. Trước đó, bà là một nữsinh của Trường trung học Pê-tơ-ruýt ký ở Sài Gòn. Vốn thông minh, bà đỗ tú tài vào năm 1945. Từ lúc còn là sinh viên, bà đã hăng hái hoạt động xã hội, gia nhập Hội sinh viên - một tổ chức tiến bộ lúc bấy giờ mà nhiệm vụ chính là truyền bá quốc ngữ và tổ chức cứu tế nạn nhân xã hội. Cách mạng tháng Tám thành công, sau khi ra trường, bà về quê dạy Bình dân học vụ và tham gia khởi nghĩa tháng Tám. Năm 1946, bà vào Sài gòn tham gia cuộc kháng chiến của Nam Bộ, hoạt động trong Ban cứu tế xã hội, vận động quyên góp để cứu trợ anh em tù nhân chính trị, đồng thời gia nhập tổ chức Phụ nữ cứu quốc thành Sài Gòn - Chợ Lớn. Mặc dù bị gia đình ngăn trở nhưng với lòng yêu nước thiết tha, ý thức được trách nhiệm của một người dân trước vận mệnh của dân tộc, bà vẫn tích cực tham gia hoạt động Cách mạng. Ngoài giờ đi làm để mưu sinh, bà lo đi công tác, tối đến lại đi dạy Bình dân học vụ ở các khu tập trung công nhân, bà con tiểu thương...Do thường xuyên tiếp xúc với người lao động nên bà cảm thông sâu sắc với nỗi thống khổ của người phụ nữ sống trong cảnh đất nước bị áp bức, bóc lột.

 

Năm 1948, bà được cử làm thư ký Ban chấp hành phụ nữ Việt Nam thành Sài Gòn. Không chỉ nhiệt tình tham gia công tác, bà còn tích cực tuyên truyền, vận động người thân, bạn bè cùng tham gia tổ chức Hội. Sau một thời gian công tác, bà bị lộ. Đoàn thể điều bà về công tác ở chiến khu. Và ở đây, một lần nữa cuộc sống gian khổ, thiếu thốn, hiểm nguy đã thử thách ý chí của người nữ trí thức. Nhưng bà vượt qua tất cả để trụ vững trên chiến khu. Năm 1949, bà được cử vào Ban chấp hành phụ nữNam bộ phụ trách Tài chính. Năm 1950, bà chuyển sang phụ trách văn hoá - xã hội. Ở lĩnh vực này, bà tập trung nghiên cứu về đời sống phụ nữ và trẻ em và kiến nghị lên Chính phủ thực hiện Luật bảo đảm quyền lợi của phụ nữ.

 

Tiếp đó, bà được phân công xuống vùng địch hậu ở Bạc Liêu, Sóc Trăng chỉ đạo sản xuất và thu thuế nông nghiệp. Bà đã rứt ruột gửi 2 người con đầu cho một người chị nuôi tập trung cho công tác. Ở những nơi bà đến công tác, ta và địch cài răng lược nên việc đi lại rất khó khăn, nguy hiểm nhưng với tinh thần quả cảm, bám dân, bám địa bàn nên bà luôn được nhân dân thương mến, chở che và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

 

Đầu năm 1954, Hiệp định Giơ ne vơ được ký kết, bà không tập kết ra Bắc mà tiếp tục sát cánh bên chồng - đồng chí Hoa Lư Phạm Văn Lẫm, sau này cũng anh dũng hy sinh - vềdạy học tại Sài Gòn.

 

Những tưởng có Hiệp định Giơnevơ, hoà bình sẽ được lập lại. Nhưng bè lũ tay sai Mỹ - Diệm đã trắng trợn vi phạm hiệp định, hèn mạt tàn sát, trả thù những người đã đi theo kháng chiến. Đêm 10/7/1955, 4 tên côn đồ theo lệnh của bè lũ Mỹ - Diệm đã xồngxộc xông vào nhà, bắt bà đưa lên xe chở đi. Cả đêm đó, chúng đã tra tấn bà một cách dã man cho đến chết mặc dù lúc đó bà đang có mang đứa con thứ 4 được 4 tháng. Để tránh búa rìu dư luận, chúng dùng dây thắt cổ bà rồi quăng xác trong một cái hầm ở Bà Chiểu, thuộc tỉnh Gia Định. Lúc đó bà mới 29 tuổi.

 

Sự hy sinh của bà Nguyễn Thị Diệu đã làm dấy lên một làn sóng căm phẫn trong toàn thể nhân dân, các tầng lớp phụ nữ Nam Bộ, đặc biệt là phụ nữ trí thức và học sinh đối với bọn tay sai Ngô Đình Diệm. Làn sóng ấy góp phần hoà với với dòng thác Cách mạng nhấn chìm bè lũ đế quốc Mỹ và tay sai - những kẻ cướp nước và những tên bán nước.

 

Ghi nhận thành tích và công lao đóng góp của bà cho Cách mạng miền Nam nói riêng và sự nghiệp giải phóng dân tộc nói chung, Chủ tịch nước nước đã quyết định truy tặng liệt sĩ Nguyễn Thị Diệu Huân chương Độc lập hạng Nhì.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video