Nước mắt ngày trở về

16/07/2008
Chiến tranh đã xa lắm rồi, tên tuổi của các thế hệ thanh niên xung phong (TNXP) một thời cũng lặng thầm theo năm tháng. Nhưng với tỉnh Thái Bình - 1 trong 3 tỉnh của cả nước phải chịu hậu quả nặng nề nhất sau cuộc chiến - câu chuyện về cuộc sống của nữ cựu TNXP vẫn vẹn nguyên tính thời sự, nhưng không phải là bản anh hùng ca về một thời kiên cường, gan dạ, mà là những câu chuyện buồn về cảnh sống đơn thân, ăn nhờ, ở tạm và những niềm đau riêng không dễ sẻ chia.

Xuất ngũ, nhưng không thể xuất giá

17 tuổi, cô gái Nguyễn Thị Luyến rời quê hương (xã Minh Tân, huyện Đông Hưng) hăm hở tình nguyện gia nhập đoàn quân tham gia bảo vệ cầu Hàm Rồng, Thanh Hoá và cung đường 20 khói lửa Quảng Bình.

7 năm sống trong rừng, 2 lần bị thương cũng không làm chị nhụt chí, Luyến vẫn sống thuỷ chung với lý tưởng "sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường, dũng cảm", nhưng những dự định cho ngày trở về đã không còn vẹn nguyên nữa.

Hơn 10 năm trở lại đây sức khoẻ chị đã yếu đi rất nhiều, phải cầm cự và chiến đấu với đủ thứ bệnh tật, nhiều lần tưởng chừng không thể qua được. "Không có sức khoẻ, không thể tự làm để nuôi sống bản thân, lại nay ốm, mai đau thì còn dám nghĩ chi đến hạnh phúc làm vợ, làm mẹ. Âu cũng là cái số..." - chị ngậm ngùi.

Mất 41% sức lao động, nhưng may mắn hơn chị Luyến, ngay sau khi trở về, chị Nguyễn Thị Lanh - cựu TNXP xã Song An, huyện Vũ Thư - đã sớm tìm được cho mình tổ ấm. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, khát khao được làm mẹ đến cháy bỏng của chị mãi mãi chỉ là giấc mơ sau 2 lần sinh nở không thành (hai thai nhi chị sinh đều không sống được).

Biết không thể tiếp tục mang lại hạnh phúc cho chồng, chị xin phép gia đình chồng đi hỏi và lo cưới vợ mới cho anh chu tất, rồi quyết tâm xin ly hôn. Một mình chịu khổ là quá đủ rồi, không thể làm liên luỵ đến người khác - với ý nghĩ đó, chị dọn đến nơi khác sống khép mình trong một ngôi nhà nhỏ.

Mỗi nữ cựu TNXP tôi được gặp mang theo một số phận, cảnh đời khác nhau, nhưng ẩn chứa đằng sau những câu chuyện cảm động ấy là sức chịu đựng, đức hy sinh, không ngại nhận phần khó, phần khổ về mình - những phẩm chất quý giá đã được tôi luyện qua một thời khói lửa.

Tuổi thanh xuân đẹp nhất của các chị đã trôi đi trong núi rừng đại ngàn, trong những cơn sốt rét rừng và những làn mưa bom, bão đạn. Ngày trở về, lẫn trong niềm vui chiến thắng, nhiều chị nhận ra mình đã quá lứa nhỡ thì, xuân sắc nhạt phai nên đành chịu lỡ dở cuộc đời; không ít chị đành nén nỗi đau riêng khi biết chất độc hoá học đã thấm sâu vào cơ thể, khó có thể lường hết những ẩn hoạ nên đành kìm nén và chôn chặt khát khao làm vợ, làm mẹ...

Dẫn ra những con số thống kê tuy chưa phải là đầy đủ, ông Bùi Xuân Miễn - Phó Chủ tịch thường trực Hội cựu TNXP tỉnh Thái Bình (từng là Đội trưởng Đội TNXP 87 trực tiếp bảo vệ cầu Hàm Rồng) - không giấu nổi chua xót: Gần 1.000 nữ cựu TNXP vì nhiều lý do đã không thể xuất giá, trong đó, đến nay hơn 100 chị đã mất vì nhiễm chất độc da cam; khoảng 200 chị đi xin con ngoài giá thú; số còn lại an phận với cuộc sống đơn thân gối chiếc.

Có gia đình, hai chị em cùng đi TNXP thì đến nay cả hai cùng sống độc thân, có xã 51 người đi TNXP thì có tới 7 cô không lấy chồng, lại có xã đứng đầu về số nữ cựu TNXP đi tu...

Chỉ mong có chỗ thờ con

Người chỉ đường tận tình đưa tôi đến trước một lối nhỏ lấp đầy cỏ dại, rậm đến ngang gối. Đành phải vất xe máy ở ngoài. Tôi dò dẫm từng bước vì trời đang rả rích mưa khiến lá cây mục lẫn đất thịt dính vào giày tôi đặc quánh.
Dấn thêm vài bước nữa, một gian nhà phủ rạ, tường đã tróc vôi vữa loang lổ hiện rõ vẻ hoang tàn hiện ra trước mặt. Không một bóng người. Chủ nhân ngôi nhà đi vắng. Hé mắt qua khe hở của cánh cửa gỗ, tôi chẳng thấy gì hơn ngoài một khung bàn thờ nhỏ treo góc nhà. Tôi không rõ bức hình vì lớp bụi và mạng nhện giăng, vài chân hương lơ thơ, chứng tỏ chủ nhân cũng ít khi hương khói.

Dắt xe quay ngược ra, phải hỏi thăm mãi chúng tôi mới gặp được cựu TNXP Đỗ Thị Là - chủ nhân của ngôi nhà - hiện đang trú ngụ nhờ nhà cô em gái. Bê mâm cơm trưa vừa dọn xuống bếp, em gái bà Là chạnh lòng: Chị ấy đi từ năm 1964, đến khi đất nước hoàn toàn giải phóng được 2 năm cũng chưa thấy trở về, gia đình tôi tưởng đã mất hết hy vọng thì chị xuất hiện, bồng theo cô con gái chưa đầy 8 tháng tuổi.

Những ngày đầu thật khổ, ngoài hơn chục cân gạo xã trợ cấp cho những hộ quá nghèo, chị không được hưởng bất cứ chế độ gì, sức khoẻ yếu, không làm được việc nặng, cháu gái lại bị căn bệnh não bẩm sinh... Cũng may có bà con, xóm giềng cưu mang, giúp chị mua lại được căn nhà cũ. Nhưng rồi, căn bệnh não của con gái chị mỗi ngày một trầm trọng, bệnh viện tỉnh cũng chịu bó tay.

Nỗi đau khi đành bất lực nhìn con ra đi ở tuổi 17 khiến chị không thể khóc được nữa. Căn nhà vốn đã trống, nay lại vắng hơn, mái rạ liêu xiêu không đủ sức chống đỡ những cơn dông gió bất thường nên chị đành khăn gói sang ở nhờ chúng tôi, chỉ ngày rằm, mồng một mới lui về thắp hương cho con. Tài sản duy nhất chị mang sang nhà tôi là tấm Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Ba được lồng cẩn thận trong khung kính, trong đó ghi rõ tặng cho Đỗ Thị Là, xã Minh Lãng, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình...

Đưa tôi quay trở lại ngôi nhà, thắp một nén nhang cho con, chị nén tiếng thở dài: Ngày cháu còn sống, những hôm mưa gió, hai mẹ con tôi chỉ biết ôm nhau chúi vào gầm bàn để tránh dột. Tuy bần hàn, thiếu thốn đủ thứ nhưng có mẹ, có con. Nay vì nhà không thể ở được nữa nên phải đi tá túc nhờ, để cháu lại một mình, không thể hương khói thường xuyên, tôi cũng không đành lòng.

Ăn rau dại, uống sương rừng, chịu đói, chịu rét... đời tôi đã qua tất cả, những mong con cái mình sẽ được ấm no, hạnh phúc. Vậy mà, cả đến khi xấu số thiệt phận, cháu vẫn chưa có nơi tử tế để đi về.

Chưa hết gieo neo

Rời Minh Lãng, tôi cứ ám ảnh mãi không thôi về hình ảnh người mẹ 62 tuổi đứng trước bàn thờ con lầm rầm ôn lại những ngày hai mẹ con sống bên nhau và khắc khoải với niềm mong đợi một ngày nào đó sẽ có tiền sửa lại ngôi nhà để hai mẹ con lại được bên nhau...

Tôi có dịp trở lại huyện Vũ Thư một lần nữa, nhưng lần này là theo chân các cán bộ Hội cựu TNXP đến thăm và tặng quà cho cựu TNXP Nguyễn Thị Mơ (xã Hồng Phong). Chứng bệnh thần kinh và những ngày tháng cô quạnh khiến chị già hơn rất nhiều so với tuổi 56.

Bố mẹ không còn, lại không thể tự nuôi sống bản thân, chị được một người cháu ruột đón về nuôi, nhưng đến việc giúp cháu nấu cơm, trông con, chị cũng không làm nổi nên người cháu cũng không muốn đeo thêm gánh nặng. Không chế độ, không nhà, không ai muốn chăm lo khiến chị Mơ chưa biết đi đâu, về đâu...

Chẳng phải chờ đến khi lôi được từ trong tủ một tập hồ sơ dày, ông Bùi Xuân Miễn - Phó Chủ tịch Hội cựu TNXP đã kể ra vanh vách tên, tuổi, địa chỉ, năm đi, năm về, hoàn cảnh hiện tại của từng nữ cựu TNXP. Để giúp cựu TNXP vơi đi phiền muộn, giảm bớt khó khăn, thời gian qua các cấp chính quyền, ban, ngành trong tỉnh và các đơn vị, DN trong và ngoài tỉnh đã giúp đỡ xây dựng được hơn 200 ngôi nhà tình nghĩa, làm được 50 giếng nước sạch.

Tuy nhiên đến nay, Thái Bình vẫn còn khoảng 50 nữ cựu TNXP không làm được gì và không biết làm gì do chịu ảnh hưởng và sức ép của bom đạn; 45 chị đặc biệt khó khăn về nhà ở - hiện đang sống tạm bợ trong những căn nhà cấp 4 xuống cấp, dột nát hoặc không có nhà, phải đi ở nhờ. Trong đó, không ít chị tuổi đã cao nhưng vì miếng cơm, manh áo đành cất bước lên thành phố làm ôsin, có chị bỏ nhà đi lang thang xin ăn, đến 2-3 ngày sau mới quay về.

Hơn 30 năm sau chiến tranh chống Mỹ, những nữ TNXP năm xưa đều đã trên dưới 60 tuổi - cái tuổi đáng ra được an nhàn, thảnh thơi hưởng phúc từ con, sum vầy với cháu. Vậy mà, riêng họ vẫn cô đơn, lặng thầm giấu những giọt nước mắt, gồng mình tiếp tục đón nhận và đối mặt với những thử thách nghiệt ngã của cuộc sống, mà chưa biết cuộc sống ngày mai rồi sẽ đi đến đâu.

Theo VnMedia

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video