Phấn đấu đạt 30% nữ đại biểu Quốc hội khoá XIV

05/02/2016
Đó là nguyện vọng của Chủ tịch Nguyễn Thị Thanh Hoà và ý chí của Hội LHPN các tỉnh/thành tại Hội nghị triển khai công tác bầu cử ĐBQH khoá XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 trực tuyến toàn quốc sáng nay 4/2/2016.
Triển khai các văn bản chỉ đạo công tác bầu cử ĐBQH khoá XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, Chủ tịch Nguyễn Thị Thanh Hoà chỉ rõ mục đích, ý nghĩa của việc tổ chức tốt cuộc bầu cử là dịp để tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong năm 2016.
Triển khai tinh thần chỉ đạo đảm bảo bình đẳng giới trong Quốc hội và HĐND các cấp của Bộ Chính trị, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch quán triệt: toàn hệ thống chính trị đã và đang quyết tâm thực hiện tăng tỷ lệ nữ ĐBQH và HĐND các cấp. Điều đó được thể hiện tại quy định đảm bảo ít nhất 35% nữ trong danh sách chính thức người ứng cử ĐBQH và HĐND trong các văn bản Luật, Chỉ thị, Nghị Quyết, văn bản hướng dẫn chỉ đạo công tác bầu cử. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đã chỉ đạo Ban Công tác đại biểu lưu ý giới thiệu nữ tham gia ứng cử nhiều hơn 35%.
Quán triệt về vai trò, trách nhiệm của Hội, Chủ tịch chỉ rõ: Hội LHPN các cấp có vai trò rất quan trọng trong công tác giới thiệu nữ ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp; bảo đảm có ít nhất 35% là nữ trong danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH và HĐND; và góp phần thực hiện quyết tâm của toàn hệ thống chính trị trong việc tăng tỷ lệ ĐBQH và HĐND các cấp. Để đảm bảo được tỷ lệ đó, Chủ tịch lưu ý các tỉnh phải nêu cao ý thức trách nhiệm, chủ động phát hiện, tham mưu, đề xuất phụ nữ đủ điều kiện tham gia ứng cử ĐBQH và HĐND các cấp, không để ứng cử viên nữ gánh quá nhiều cơ cấu. Phải giới thiệu được nhiều hơn 35% nữ trong danh sách chính thức ứng cử.
Chủ tịch đề nghị Hội LHPN các cấp phải bám sát các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử các cấp để thực hiện đúng vai trò, trách nhiệm của mình. Hội LHPN tỉnh/thành phải triển khai công tác bầu cử Quốc hội và HĐND đến các cấp Hội, đặc biệt là cán bộ chủ chốt cấp cơ sở; tập huấn, nâng cao năng lực cho nữ ứng cử viên lần đầu tham gia; tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho phụ nữ về quyền, nghĩa vụ của công dân; vận động 100% nữ cử tri tham gia bầu cử ĐBQH và HĐND… Đồng thời nêu cao ý thức cảnh giác, báo cho Ban công tác bầu cử khi thấy có dấu hiệu, biểu hiện của sự chống phá, xuyên tạc.
Cũng tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Bùi Thị Hoà cũng đã triển khai kế hoạch hướng dẫn giám sát công tác bầu cử Quốc hội và HĐND của BCH TW Hội LHPN Việt Nam. Theo đó, Hội LHPN Việt Nam sẽ giám sát chuyên đề về thực hiện khoản 1, khoản 3 Điều 8 và khoản 1 Điều 9 của Luật bầu cử Quốc hội và HĐND. Công tác giám sát của Hội đảm bảo thực hiện theo đúng Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Bộ Chính trị và Thông tri hướng dẫn về giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của UBMTTQ.
Hội LHPN các tỉnh/thành đã nhất trí cao Kế hoạch chỉ đạo công tác bầu cử, Kế hoạch hướng dẫn giám sát bầu cử Quốc hội và HĐND của BCH TW Hội LHPN Việt Nam; đồng thời bày tỏ sự quyết tâm cao trong việc góp phần cùng toàn hệ thống chính trị để tăng tỷ lệ nữ ĐBQH khoá XIV và HĐND các cấp nhiệm 2016-2021 đạt 30% trở lên.
TTTT

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video