Phần II. Các luật và văn bản quốc tế liên quan đến lồng ghép giới trong công tác giảm nhẹ thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu

15/09/2010
Quyền bình đẳng giữa nam và nữ đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và thực hiện từ hàng thập kỷ nay và đã được cụ thể hóa vào các công ước quốc tế, điển hình là Công ước Loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) năm 1979. Đây là Công ước quốc tế quan trọng nhất về các quyền dành cho phụ nữ, trong đó có yêu cầu các quốc gia thành viên cam kết đảm bảo phụ nữ và nam giới có các cơ hội bình đẳng về quyền dân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội. Các bên thoả thuận đưa nguyên tắc bình đẳng nam nữ vào hiến pháp quốc gia và/hoặc vào việc xây dựng luật pháp thích hợp khác. Công ước buộc các bên áp dụng mọi biện pháp thích hợp để loại bỏ phân biệt đối xử với phụ nữ ở các vùng nông thôn để đảm bảo cơ sở bình đẳng giữa nam và nữ và hưởng lợi bình đẳng từ “sự phát triển nông thôn” và “trong các hoạt động cộng đồng”.

Tiếp đó năm 1995, Cương lĩnh hành động Bắc Kinh ra đời là kết quả của Hội nghị Phụ nữ thế giới lần thứ 4 tại Bắc Kinh, Trung Quốc, trong đó 189 quốc gia cam kết thực hiện 12 mục tiêu chiến lược trọng tâm vì sự tiến bộ của phụ nữ trong đó có mục tiêu chiến lược K về “Phụ nữ và môitrường” đảm bảo sự tham gia tích cực của phụ nữ trong quá trình ra quyết định về môi trường; lồng ghép các mối quan tâm về giới vào các chính sách và các chương trình phát triển bền vững; cũng như tăng cường hoặc thiết lập cơ chế ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế để đánh giá ảnh hưởng của các chính sách phát triển và môi trường đến phụ nữ..

Liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu, với tính chất và những tác động nghiêm trọng mang tính toàn cầu của thiên tai và biến đổi khí hậu mà không nước nào có thể giải quyết một cách đơn phương, các nước trên thế giới đã có khá nhiều các hội nghị, hội thảo quốc tế để thoả thuận và ký kết các hiệp ước chung về việc ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu. Các chính sách nói chung liên quan tới môi trường, biến đổi khí hậu thì khá nhiều, tuy nhiên các chính sách trong lĩnh vực này dưới góc độ giới thì còn khá hạn chế.

Cho tới tận năm 1992, Chương trình nghị sự 21 của LHQ về môi trường và phát triển mới đưa ra lộ trình hướng tới phát triển bền vững, trong đó có chương 24 về Hành động toàn cầu vì Phụ nữ hướng tới phát triển bền vững, kêu gọi chính phủ các nước loại bỏ mọi trở ngại đối với việc tham gia đầy đủ của phụ nữ trong phát triển bền vững và đảm bảo đạt được bình đẳng giới trong mọi phương diện xã hội.[1] Kế hoạch hành động Johannesburg là kết quả của Hội nghị Thượng đỉnh về Phát triển bền vững năm 2002 đã tái khẳng định :”nhu cầu lồng ghép các triển vọng giới trong các chính sách và các chiến lược, loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ và cải thiện địa vị, sức khoẻ và phúc lợi kinh tế của phụ nữ và trẻ em gái thông qua quyền được sử dụng đầy đủ và bình đẳng về đất đai, các cơ hội kinh tế, tín dụng, giáo dục và chăm sóc sức khoẻ[2].

Hội nghị bàn tròn về “Giới và biến đổi khí hậu “do Tổ chức Môi trường và phát triển của phụ nữ (WEDO) và Hội đồng các nhà lãnh đạo nữ thế giới tổ chức, Hội nghị thượng đỉnh an ninh toàn cầu các nhà lãnh đạo nữ quốc tế ở New York, tháng 11/2007 đều thừa nhận biến đổi khí hậu gây ra những rủi ro anh ninh đáng kể, nhất là đối với phụ nữ và thừa nhận phụ nữ phải được đưa vào quá trình ra quyết định ở mọi cấp.

Các Mục tiêu thiên niên kỷ (MDGs) được các chính phủ ký kết tại Hội nghị thượng đỉnh Thiên niên kỷ năm 2000 khuyến khích bình đẳng giữa các giới và trao quyền cho phụ nữ như là phương tiện để chống nghèo, đói và bệnh tật, cũng như thúc đẩy phát triển bền vững thực sự. Các Mục tiêu Thiên niên kỷ quan tâm đặc biệt đến bình đẳng giới trong an ninh môi trường bằng các mục tiêu song đôi của xoá đói giảm nghèo (Mục tiêu 1), bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (mục tiêu 3) và tính bền vững về môi trường (Mục tiêu 7).

Hội nghị Thế giới Giảm nhẹ thiên tai (2005) đã đưa ra Khung hành động Hyogo phản ảnh rõ nhất vấn đề giới và thiên tai.Khung hành động này nêu rõ : “Khía cạnh giới cần được lồng ghép trong các chính sách, kế hoạch quản lý rủi ro thiên tai, và các quá trình ra quyết định liên quan, kể cả các quá trình liên quan đến đánh giá rủi ro, cảnh báo sớm, quản trị thông tin và giáo dục, đào tạo”.

Phiên họp 52 của Uỷ ban về Địa vị của Phụ nữ năm 2008 đã xác địnhcác triển vọng giới trong biến đổi khí hậu là một vấn đề chủ yếu mới nảy sinh và đã nhất trí trong Nghị quyết 21 về Tài trợ cho Bình đẳng giới và Môi trường của Phụ nữ, yêu cầu chính phủ các nước “lồng ghép quan điểm giới trong thiết kế, thực hiện, giám sát và đánh giá và lập báo cáo về các chính sách môi trường quốc gia, tăng cường các cơ chế và cung cấp thoả đáng các nguồn lực để đảm bảo sự tham gia đầy đủ và bình đẳng của phụ nữ trong việc ra quyết định ở mọi cấp về các vấn đề môi trường, nhất là các chiến lược liên quan đến biến đổi khí hậu và cuộc sống của phụ nữ và em gái”.[3]

(Phần I. Giới thiệu
Phần III. Các luật và văn bản Việt Nam liên quan đến lồng ghép giới trong công tác giảm nhẹ thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu).



[1] ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam: các cơ hội cải thiện bình đẳng giới, UNDP-Oxfam, 12/2009 p25

[2] ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam: các cơ hội cải thiện bình đẳng giới, UNDP-Oxfam, 12/2009, p25

[3] ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam: các cơ hội cải thiện bình đẳng giới, UNDP-Oxfam, 12/2009 p26

Tài liệu lớp tập huấn về biến đổi khí hậu do TW Hội LHPNVN tổ chức năm 2010

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video