Phần III. Các luật và văn bản Việt Nam liên quan đến lồng ghép giới trong công tác giảm nhẹ thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu

15/09/2010
Là một thành viên trong cộng đồng quốc tế, Chính phủ Việt Nam đã khẳng định quyền bình đẳng nam nữ cho mọi công dân Việt Nam ngay từ Bản Tuyên Ngôn thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa năm 1945. Các chính sách về bình đẳng giới ở Việt Nam nhìn chung được đánh giá khá tốt. Hiến pháp Việt Nam đảm bảo các nguyên tắc về bình đẳng nam nữ. Năm 1982, Chính phủ Việt Nam phê chuẩn Công ước CEDAW. Ngay sau Hội nghị Phụ nữ thế giới lần thứ 4 của LHQ tại Bắc Kinh năm 1995, Việt Nam cũng đã xây dựng Chiến lược và Kế hoạch hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ đến năm 2010. Chiến lược Phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam đến năm 2010 và Quy hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội giai đoạn 2006-2010 đều thừa nhận bình đẳng giới là một ưu tiên.

Năm 2006 Luật bình đẳng giới được thông qua và có hiệu lực vào tháng 7/2007 theo sángkiến của Hội LHPN VN. Luật có 6 chương và 44 điều đề ra các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới kể cả các biện pháp đặc biệt tạm thời. Các văn bản hướng dẫn thực hiện luật cũng đưa ra các yêu cầu và hướng dẫn cụ thể cho các bộ và cơ quan các cấp lồng ghép vấn đề giới vào chương trình hoạt động cụ thể của bộ/ngành/địa phương mình. Luật Phòng chống bạo lực gia đình được thông qua năm 2007 được Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội xây dựng, thừa nhận bạo lực gia đình là một vấn đề nghiêm trọng và các biện pháp hiện có chưa đủ để giải quyết vấn đề nan giải này.

Từ những năm 90s, nhận thức được tầm quan trọng và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, Việt Nam đã xây dựng khá nhiều các chính sách và chương trình chung liên quan đến biến đổi khí hậu, đồng thời đã sớm tham gia và phê chuẩn Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về BĐKH (11/1994) và Nghị định thư Kyoto (9/2002).

Các chính sách/chương trình liên quan tới thiên tai và biến đổi khí hậu của Việt Nam:

Chiến lược Phát triển KT-XH 2001-2010 và giai đoạn tiếp theo 2011-2020,

Định hướng phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình nghị sự 21; 2004)

Thông báo quốc gia lần thứ nhất của Việt Nam theo công ước UNFCCC (2003),

Các chính sách và chương trình liên quan đến thích ứng

Luật bảo vệ môi trường 2005 nêu rõ: Chính phủ Việt Nam sẵn sàng thực hiện các cam kết và nghĩa vụ quốc tế về bảo vệ môi trường mà Việt Nam đã ký.

Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia 2010 và định hướng đến 2020 (2003)

Chiến lược quốc gia về phòng chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 (2007).

Luật tài nguyên nước (1998)

Các chính sách và chương trình liên quan đến giảm thiểu rủi ro

Luật Năng lượng (2005), Luật bảo vệ và Phát triển rừng (2005), Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (2006)...

Nguồn: phỏng theo ADB (2009)- Ứng phó biến đổi khí hậu: cơ hội cải thiện bình đẳng giới

 

Tuy nhiên trong các Chính sách và chương trình quốc gia này, vấn đề giới hầu như không được đề cập tới. Năm 2007, Chính Phủ Việt Nam đã ban hành “Chiến lược Quốc gia về Phòng, chống và Giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020”, Chiến lược đã thể hiện cam kết của Chính phủ trong việc áp dụng lồng ghép Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng và yêu cầu “sự tham gia của cộng đồng đối với việc xây dựng văn bản pháp luật, lập quy hoạch, kế hoạch, quản lý và theo dõi việc thực hiện các chương trình, dự án tại địa phương”. Tuy nhiên Chiến lược không đề cập rõ vai trò của phụ nữ trong quá trình phòng ngừa, ứng phó và giảm nhẹ thiên tai, các thuật ngữ có sự trung tính về giới, chỉ nói tới cộng đồng. Đây chính là điều mà chúng ta cần nghĩ tới các can thiệp giới khi chiến lược này được cụ thể hoá bằng những kế hoạch, chương trình cụ thể ở địa phương.

Chỉ tới khi “Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 12/2007, thì vấn đề giới mới được đề cập chính thức. Bình đẳng giới được đề cập trong Chương trình này là một nguyên tắc chỉ đạo cùng với quá trình phát triển bền vững, một cách tiếp cận liên ngành cũng như vấn đề giảm đói nghèo. Chương trình Mục tiêu quốc gia nhấn mạnh đến nhu cầu tiến hành đánh giá tính dễ bị tổn thương ở các cấp ngành, vùng và cộng đồng, cũng như xác định người nghèo, phụ nữ và trẻ em trong số những nhóm dễ bị tổn thương nhất trước các tác động của biến đổi khí hậu.

 Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, 12/2007

Quan điểm:

1/ ứng phó với BĐKH phải được tiến hành trên nguyên tắc phát triển bền vững, hệ thống, tổng hợp, ngành/liên ngành, vùng/liên vùng, bình đẳng về giới, xóa đói giảm nghèo;

2/ Ứng phó với BĐKH là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị, của toàn xã hội, của các cấp, các ngành, các tổ chức, mọi người dân và cần được tiến hành với sự đồng thuận và quyết tâm cao, từ phạm vi địa phương, vùng, quốc gia đến toàn cầu.

Mục tiêu cụ thể:

...Xác định được các giải pháp, ứng phó với BĐKH

-Củng cố và tăng cường được năng lực tổ chức, thể chế, chính sách về BĐKH

-Nâng cao được nhận thức, trách nhiệm tham gia của cộng đồng và phát triển nguồn nhân lực

-Tích hợp được yếu tố BĐKH vào các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, phát triển ngành, địa phương.

Phương pháp tiếp cận:

-Tham vấn cộng đồng, phản hồi hai chiều về sự tổn thương và các nhu cầu cấp bách của địa phương

-Tiếp cận đa ngành/lĩnh vực...các tổ chức xã hội,

-Mềm dẻo, đơn giản, dễ hiểu

Mục IV: Các nhiệm vụ chủ yếu của Chương trình, mục 4.4 về Tăng cường năng lực tổ chức, thể chế, chính sách về biến đổi khí hậu ở phần 4.4.2: Các hoạt động chính có đề cập Xây dựng và phát triển chính sách ở các lĩnh vực KT_XH (xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới, chính sách dân tộc...). Rà soát chính sách hiện có và bổ sung cập nhật các chính sách mới phù hợp với các nhu cầu và ưu tiên trong phát triển bền vững

























Những tác động biến đổi khí hậu tiềm tàng đối với phụ nữ được trình bày trong bối cảnh năng lực của Việt Nam phấn đấu đạt các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Những tác động đó gồm: khả năng làm tồi tệ hơn bất bình đẳng giới, thêm khối lượng việc làm, và tính dễ bị tổn thương của phụ nữ ở các hộ gia đình tương đối ít tài sản và nguồn lực. Tuy nhiên, Chương trình Mục tiêu Quốc gia chưa đưa ra được các nhiệm vụ, chỉ tiêu hoặc hành động cụ thể quan tâm đến tính dễ bị tổn thương của phụ nữ hoặc các vấn đề giới.

Với những chính sách trên, Chính phủ Việt Nam đã tỏ rõ sự quyết tâm thúc đẩy vấn đề giới lồng ghép vào các hoạt động phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đối khí hậu, tuy chưa thực sự rõ nét nhưng là khung pháp lý quan trọng để các cấp các ngành thực hiện việc lồng ghép giới.

Có thể nói rằng trên cơ sở pháp lý, với các cam kết quốc tế và quốc gia trên, phụ nữ hoàn toàn có quyền tham gia bình đẳng như nam giới vào mọi vấn đề của đời sống xã hội trong đó có vấn đề về thiên tai và biến đổi khí hậu. Đây chính là một căn cứ quan trọng để chúng ta thấy được sự cần thiết và cấp bách trong việc cần phải lồng ghép giới và thu hút sự tham gia của phụ nữ vào các chương trình quốc gianhằm giảm thiểu rủi ro thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu.

Tài liệu lớp tập huấn về biến đổi khí hậu do TW Hội LHPNVN tổ chức năm 2010

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video