Phản ứng của độc giả Việt Nam xung quanh bài báo bôi nhọ hình ảnh phụ nữ Việt Nam tại Hàn Quốc

27/04/2006
Tôi là một cô gái VN đang sinh sống và học tập tại Hàn Quốc. Cũng như nhiều người nước ngoài ở đây, tôi thích nghi khá tốt và yêu mến đất nước này vì nhiều nét văn hóa độc đáo và truyền thống mến khách của người Hàn

Nhưng chẳng biết tự bao giờ tôi đã bắt đầu thấy khó chịu vì thường xuyên gặp phải câu hỏi: “Sang HQ để lấy chồng à?”. Vì điều này mà tôi đã trở nên im lặng khi đi taxi hay đến những nơi có đông người HQ.

Bởi vì đơn giản, tôi chỉ muốn tránh cái câu hỏi đó mà khi họ gặp tôi, không phải, khi họ gặp những cô gái VN như tôi để rồi qui ra một điều chúng tôi đến HQ là chỉ để lấy chồng Hàn.

Cách đây vài hôm, tôi nhận được một thư điện tử từ sáng sớm. Đó là một bác người Hàn rất quí tôi, bác ấy gửi cho tôi nội dung một bài viết có tựa đề là “Các trinh nữ VN đến HQ, đất nước của hi vọng” đăng trên báo điện tử Chosun.

Chắc bác ấy cũng đoán được rằng tôi sẽ bực bội với nội dung bài báo nên có viết thêm mấy dòng: “Tôi sợ cháu xấu hổ, định thôi nhưng rồi lại gửi. Không có gì phải xấu hổ vì cách đây 20-30 năm phụ nữ HQ cũng đổ xô đi lấy chồng Mỹ với giấc mơ đổi đời ở Mỹ. Nghèo khó không là điều xấu hổ mà là điều cần khắc phục”.

Với người VN, chuyện kết hôn với người nước ngoài cũng đã có từ rất lâu trước khi trào lưu lấy chồng HQ nổi lên. Nhưng dù sao thì tôi cũng cảm ơn những dòng chữ bác ấy để lại, và một chút tò mò, tôi đọc bài báo.

Nhưng rồi tôi bắt đầu cảm thấy bực tức, không phải vì cái sự thật rằng nhiều cô gái VN muốn thoát khỏi đói nghèo nên lấy chồng HQ, mà vì cái cách viết xem thường của bài báo ấy.

Cảm giác từ bài báo cứ y như là nỗi bực dọc mà tôi từng có khi đọc các băngrôn quảng cáo dọc đường. Tiếc thay nó lại được đăng tải trên nhật báo Chosun - một tờ báo có tiếng với tỉ lệ người đọc cao  nhất ở HQ.

Rồi xung quanh tôi có nhiều cú điện thoại, ai cũng hỏi “Có đọc bài báo đó chưa?”, “Đọc rồi, và bực bội đến mức không muốn nói tới chuyện đó - tôi đáp - phải xem báo giấy kìa, có cả hình ảnh minh họa hẳn hòi”.

Và minh họa cho bài báo là tấm ảnh chụp cảnh hai người đàn ông HQ với khoảng hơn mười cô gái VN rụt rè ngồi chờ xem mắt. Và thật buồn cười khi chú thích cho tấm ảnh đó là “các hoàng tử HQ, xin hãy đưa em về”.

Quả thật, cách viết của tờ báo này mà cụ thể là của phóng viên Che Sung Woo là một hình thức quảng cáo. Họ bất chấp sự thật rằng có rất nhiều cô dâu nước ngoài đang sống trong tủi nhục cũng chỉ vì dại dột đi về vùng đất hứa này.

Cái cách gọi “những hoàng tử Hàn” thì chắc hẳn ai cũng biết rằng đó là những người đàn ông (qua các dịch vụ môi giới kết hôn) đa số là những người ở vùng nông thôn tuổi đã ngoài 40, nếu không kể đến những cụ già đã đến lục tuần (được giấu biệt năm sinh cho đến khi “ván đã đóng thuyền”) mà ở HQ họ rất khó có thể kiếm được cho mình một người vợ như ý.

Không ít những người trong số họ đã kết hôn trên hai lần, bị dị tật hay đang thất nghiệp. Những “hoàng tử Hàn” là như thế! 

Tôi thật sự nổi giận, tôi muốn xé nát bài báo vì sự hạ thấp phẩm cách con gái VN của bài báo đó. Tôi muốn hét lên rằng bài báo cần phải đưa thông tin một cách khách quan với cái nhìn đừng phiến diện.

Rằng người viết có biết được là có bao nhiêu người con gái đã đánh đổi cuộc đời mình đến vùng đất này rồi ngậm đắng nuốt cay vì cái trò kinh doanh hôn nhân như thế. Rằng là một phóng viên của một tờ báo uy tín thì cần phải viết bài phản ánh sự thật bằng hiểu biết và lương tâm mình chứ không phải một kiểu quảng cáo rẻ tiền như vậy.

Ngọc Lan
Trường Sư phạm, Đại học QG Seoul, Hàn Quốc

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video