Phát biểu của Giám đốc chương trình UNIFEM Việt Nam tại Lễ phát động lấy chữ ký “Nói KHÔNG bạo lực với phụ nữ”.

31/10/2008
(do Hội LHPN Việt Nam phối hợp với UNIFEM tổ chức tại Hà Nội sáng ngày 31 tháng 10 năm 2008)

Phát biểu của Tiến sĩ Suzette Mitchell

Giám đốc chương trình UNIFEM tại Việt Nam

 

UNIFEM Việt Nam hôm nay hân hạnh chào mừng Hội LHPN Việt Nam - một đối tác quan trọng của UNIFEM trong nỗ lực chấm dứt vấn nạn bạo lực đối với phụ nữ. Thông qua việc ủng hộ chiến dịch “Nói không bạo lực với phụ nữ”, Hội LHPN Việt Nam đang góp phần tích cực vào một nỗ lực chung của toàn cầu là khích lệ tất cả mọi người, mọi tổ chức trên thế giới “Hãy lên tiếng bằng việc ghi tên vào chiến dịch” nhằm đề cao Ngày “Thế giới loại bỏ bạo lực đối với phụ nữ” và khởi động chiến dịch 16 ngày tuyên truyền chống bạo lực mang yếu tố giới tại Việt Nam. Mục đích của chiến dịch là thu thập hàng trăm ngàn, thậm chí là 1 triệu chữ ký vào danh sách và bày tỏ sự đòi hỏi ngày càng tăng để có những hành động mạnh mẽ nhằm chấm dứt nạn bạo lực đối với Phụ nữ - một trong những hành vi vi phạm phổ biến về nhân quyền. Trong hơn 2 thập kỷ qua Phụ nữ đã và đang đấu tranh để vượt qua sự tủi hổ và im lặng bao trùm lên bạo lực đối với phụ nữ ngăn cản việc phơi bày nạn bạo lực này trong các chương trình nghị sự toàn cầu và ở mỗi quốc gia. Năm ngoái, Đại Hội đồng LHQ đã phê chuẩn một nghị quyết mạnh mẽ, tăng cường nỗ lực nhằm loại bỏ mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ (A/RES/61/143).

Các số liệu thống kê đã vẽ nên một bức tranh kinh hoàng về hậu quả đối với sức khỏe và xã hội của nạn bạo lực đối với Phụ nữ. Trên phạm vi toàn cầu, trung bình cứ 3 phụ nữ thì có một người bị bạo lực trong suốt cuộc đời của mình. Đối với phụ nữ tuổi từ 15 – 44, bạo lực là nguyên nhân chủ yếu của những cái chết và bệnh tật. Trong một nghiên cứu năm 1994 dựa trên cơ sở dữ liệu của Ngân hàng Thế giới về 10 yếu tố rủi ro mà phụ nữ gặp phải, trong nhóm tuổi nói trên, sự hãm hiếp và bạo lực gia đình chiếm tỷ lệcao hơn cả ung thư, tai nạn xe máy, chiến tranh và sốt rét. Phụ nữ đã đấu tranh hàng chục năm qua để phá vỡ sự im lặng và không trừng phạt tội bạo lực đối với phụ nữ. Ngày nay, chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ được đưa vào chương trình nghị sự về nhân quyền, phát triển và an ninh.

Một lĩnh vực cụ thể, ở đó cần phải hành động để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ, đó là mối liên hệ giữa bạo lực và HIV/AIDS. Sự bất lực của phụ nữ trong thuyết phục để có tình dục an toàn và từ chối tình dục ngoài ý muốn có quan hệ mật thiết với nguy cơ cao bị nhiễm HIV/AIDS. Tình dục ngoài mong muốn, bao gồm từ quan hệ do không thể từ chối bạn tình và không được bạn tình lắng nghe, cho đến bạo lực tình dục như hãm hiếp - dẫn đến nguy cơ cao bị trầy xước và chảy máu mở đường cho lây truyền virút. Tỷ lệ lây nhiễm HIV ở Việt Nam đang gia tăng. Dự báo có khoảng 70.000 phụ nữ bị nhiễm (trong đó 29.000 ở thành thị và 38.000 ở nông thôn).

Các con số thống kê có vẻ rất lớn nhưng chưa thật chính xác khi cho rằng vấn nạn bạo lực đối với phụ nữ là bài toán không có lời giải. Các chiến dịch như chiến dịch “Nói không với bạo lực” cho thấy những sáng kiến, sự trải nghiệm và sự nhiệt tình là những yếu tố quan trọng để chấm dứt tình trạng bạo lực đối với phụ nữ. Một vấn nạn có thể được chấm dứt nếu có ý chí chính trị và nguồn lực cần thiết.

UNIFEM đã kiên trì hỗ trợ để chấm dứt bạo lực. Năm 1996 chúng tôi đã vui mừng chào đón việc Đại hội đồng LHQ thành lập Quỹ Ủy thác Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ, đó là một cơ chế tài trợ rộng rãi để thúc đẩy công việc này (A/RES/50/166). Thông qua Quỹ này, các quốc gia thành viên, các tổ chức dân sự và các đối tác LHQ đã cùng có những bước đi thiết thực để chấm dứt nạn bạo lực đang làm rạn nứt các cộng đồng, hủy hoại cuộc sống, tước đoạt tài trí và tiềm năng của hàng triệu phụ nữ và em gái. Hơn mười năm qua, Quỹ Ủy thác của LHQ đã tài trợ cho 263 sáng kiến ở 119 nước để xây dựng luật pháp và các kế hoạch quốc gia nhằm chấm dứt nạn bạo lực đối với phụ nữ, thể chế hoá các biện pháp để đảm bảo viêc thực hiện, xây dựng năng lực cho các chính phủ và các tổ chức dân sự để giám sát tiến độ. Chiến dịch “Nói không với bạo lực” nhằm tạo đà cho công việc này bằng cách thông tin về các dự án của Quỹ Uỷ thác trên trang WEB của Chiến dịch.

Chiến dịch “Nói không với bạo lực” tập trung tạo dựng các quan hệ đối tác. Chiến dịch này cổ vũ cho tình đoàn kết trên phạm vi toàn cầu, khu vực và quốc gia để thu thập được 1 triệu chữ ký. UNIFEM cũng đang hợp tác với UNFPA, và các tổ chức quốc tế khác như Tổ chức phi chính phủ Tây ban nha Hòa bình và Phát triển và Action Aid trong một chiến dịch truyền thông quốc gia nhằm vào đối tượng nam giới, gửi đến họ một thông điệp là bạo lực gia đình cũng là tội phạm. Hôm nay UNIFEM rất hân hạnh có quan hệ đối tác với Hội LHPN Việt Nam và đặc biệt phấn khởi trước việc Hội đặt mục tiêu thu thập 1 triệu chữ ký. Mối quan hệ đối tác của UNIFEM với Hội LHPN Việt nam là một hình mẫu tuyệt vời về các tổ chức cùng hành động vì bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video