Phát biểu của ông John Hendra (UNDP) tại Lễ mít tinh kỷ niệm 1970 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng, 100 năm quốc tế phụ nữ 8/3 và 45 năm phong trào phụ nữ Ba đảm đang

08/03/2010
.

Diễn văn

Của  ông John Hendra – Điều phối viên Thường trú của Liên Hợp quốc tại Việt Nam



Kính thưa bà Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam,

Kính thưa các vị Lãnh đạo Đảng và Nhà nước,

Thưa các đồng nghiệp đang làm việc trong các tổ chức Liên Hợp quốc tại Việt Nam,

Thưa các Quý vị đại biểu.

 Tôi xin nhiệt liệt Chúc mừng Quý vị Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ! Tôi rất vui mừng, phấn khởi và vinh dự đuợc có mặt tại đây ngày hôm nay để cùnq Quý vị dự lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ với sự góp mặt của rất nhiều phụ nữ nổi tiếng, tài giỏi và xuất chúng. Đó không chỉ là những phụ nữ ở cương vị lãnh đạo sẽ phát biểu trong lễ kỷ niệm ngày hôm nay cùng với những phụ nữ hiện đang có mặt trong khán phòng này mà còn rất nhiều phụ nữ Việt Nam khác đã có những đóng góp to lớn cho chính gia đình mình, cho cộng đồng và cho toàn xã hội.  

Một điều chắc chắn là  năm 2010 là một năm quan trọng đối với vấn đề quyền của phụ nữ trên phạm vi toàn thế giới. Một trăm năm đã trôi qua kể từ khi Ngày Phụ nữ Quốc tế được sáng lập, Công ước Quốc tế về Xóa bỏ Mọi Hình thức Phân biệt đối xử đối với Phụ nữ (gọi tắt là CEDAW) được phê chuẩn đã 30 năm và Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh của Liên Hợp quốc đã tồn tại được 15 năm, khi đó cộng đồng quốc tế cam kết hành động để thúc đẩy vấn đề quyền của phụ nữ và bình đẳng giới trên phạm vi toàn cầu.

 Chúng ta thực sự có rất nhiều sự kiện để kỷ niệm những tiến bộ đã đạt được trong vấn đề bình đẳng giới trên toàn thế giới cũng như ngay tại đây trên đất nước Việt Nam. Trẻ em gái ở tất cả các cấp đã có nhiều cơ hội tiếp cận với giáo dục hơn, chính phủ nhiều nước đang hành động để bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái thoát khỏi nạn bạo lực, bao gồm việc ban hành các luật mới; và nhiều nước đã ban hành luật nhằm thúc đẩy vấn đề quyền của phụ nữ và việc tiếp cận của họ đến đất đai. 

 Trong những thành tựu thế giới đã đạt được bao gồm phần đóng góp của Việt Nam. Việt Nam là nước được thế giới công nhận đi đầu trong khu vực trong lĩnh vực thúc đẩy bình đẳng giới. Việt Nam đã phê chuẩn công ước CEDAW năm 1981 và đã ban hành các luật và chính sách hướng dẫn thực hiện CEDAW – nhất là hai luật đánh dấu bước ngoặt này là Luật Bình đẳng Giới và Luật Phòng chống bạo lực gia đình. Gần một nửa dân số tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh là phụ nữ, tỷ lệ nam sinh và nữ sinh tại các trường tiểu học và trung học bằng nhau và 25% Đại biểu Quốc hội là nữ – Việt Nam là nước có tỷ lệ nữ Đại biểu Quốc hội cao nhất trong các nước ASEAN.      

Phụ nữ Việt Nam luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong tiến trình phát triển của quốc gia. Từ thời xa xưa đã xuất hiện các vị nữ anh hùng như Hai Bà Trưng. Nhiều phụ nữ Việt Nam thời nay đang hoạt động rất tích cực để góp phần thúc đẩy sự nghiệp bình đẳng giới và sự tiến bộ của các nhà lãnh đạo nữ trong mọi mặt của đời sống xã hội.  

 Từ khi được thành lập vào năm 1930 đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam luôn đi đầu trong sự nghiệp vì sự tiến bộ của phụ nữ. Ngày nay, Hội đã không ngừng phát triển với 13 triệu hội viên phụ nữ hoạt động ở tất cả các ngành, các cấp trong xã hội. Với sự lớn mạnh này, hội đã tạo cơ hội có một không hai để chuyển tới toàn thể phụ nữ Việt Nam cũng như tới gia đình họ những thông điệp về bình đẳng giới và bình đẳng trong quyền lực và quyền ra quyết định giữa phụ nữ và nam giới.    

 Ấy thế nhưng, để đạt được các mục tiêu đã đặt ra trong Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh, trong CEDAW và đạt được các mục tiêu bình đẳng giới đặt ra trong các Mục tiêu Thiên niên kỷ (gọi tắt là MDGs), trước mắt chúng ta còn cả một chặng đường dài. Trên phạm vi toàn cầu, chúng ta cần cam kết mạnh mẽ hơn nữa và tiếp tục hành động để giải quyết vấn đề bạo hành đối với phụ nữ. 

 Vẫn còn nhiều nước cần giải quyết vấn đề thành kiến về giới và phân biệt đối xử trong các lĩnh vực như giáo dục và ra quyết định, cũng như thái độ cố chấp tồn tại dai dẳng coi phụ nữ không bằng nam giới. Khuyến khích phụ nữ tham gia nhiều hơn vào việc ra quyết định trong mọi mặt của đời sống xã hội là điều hết sức quan trọng vì bằng cách đó vừa thu được nhiều kết quả hơn trong việc ra quyết định, vừa thúc đẩy được vấn đề bình đẳng giới. Một điều nữa cần đề cập đến là phân chia các công việc không có thu nhập giữa nam và nữ chưa được bình đẳng cũng là một vấn đề hạn chế sự tham gia của phụ nữ vào lĩnh vực kinh tế chính trị và và là một trở ngại lớn ngăn cản chúng ta đạt được bình đẳng giới. 

 Bản thân chúng ta cũng nên đảm nhận thêm một phần công việc cùng chia sẻ với phụ nữ để thực sự trao quyền cho phụ nữ và đạt được sự bình đẳng giới giữa nam và nữ chính tại nơi đây trên đất nước Việt Nam. Vẫn còn đó một số khó khăn thách thức lớn mà chúng ta phải vượt qua. Đó là:

Ngăn chặn  mọi hình thức bạo lực với phụ nữ, từ lạm dụng thể chất và lạm dụng tình dục tới buôn bán phụ nữ và trẻ em gái. Điều này bao gồm chấm dứt kỳ thị và phân biệt đối xử đối với phụ nữ đã chịu nạn bạo hành, hỗ trợ và cung cấp dịch vụ cho các nạn nhân và đảm bảo các ngành lập pháp và hành pháp đối phó xử lý phù hợp và kịp thời.

Xác  định con gái cũng quý như con trai, đó là chấm dứt tình trạng chọn giới tính khi mang thai nhất là khi cha mẹ thấy mình mang thai con gái và đầu tư công bằng cho trẻ em trai và trẻ em gái trong lĩnh vực y tế và giáo dục. Ngày nay, tỷ lệ nam nữ khi sinh là 112 /100. Chúng ta cần hành động ngay từ giờ phút này để thay đổi tình thế. Cứ theo đà này, thì đến năm 2025, chúng ta sẽ thấy nam nhiều hơn nữ và điều này gây ra các hậu quả tai hại cho bản thân các gia đình có nhiều nam hơn nữ, cho cộng đồng và cho toàn xã hội.

Hỗ  trợ phụ nữ tham gia vào hoạt động kinh tế bằng cách cung cấp các dịch vụ như trông trẻ và chăm sóc người cao tuổi. Điều này giúp phụ nữ có thể đi làm; bảo vệ quyền cho phụ nữ và nam giới tại nơi làm việc, bao gồm công nhân nữ nhập cư; và cần mở rộng hơn nữa an sinh xã hội cho phụ nữ ở tất cả các ngành.

Nam nữ  bình đẳng trong việc ra quyết  định dù trong phạm vi gia đình, các diễn đàn ở cấp cộng đồng hay trong các vị trí được chọn. Đặc biệt, chúng ta cần đảm bảo là phụ nữ có thể tham gia vào các quá trình lập kế hoạch và ra quyết định ở cấp địa phương vì điều này gần như sẽ có tác động tức thì đến đời sống của họ.

Liên Hợp quốc tại Việt Nam hỗ trợ Chính phủ để nỗ lực giải quyết các vấn đề đã đề cập ở trên, đồng thời, thúc đẩy vấn đề bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ ở Việt Nam. Liên Hợp quốc thực hiện Chương trình Phối hợp về Bình đẳng Giới với kinh phí 4,5 triệu đô la do Quỹ MDG Tây Ban Nha hỗ trợ. Trong chương trình này, Liên Hợp quốc sẽ hỗ trợ Chính phủ triển khai thực hiện Luật về Bình đẳng Giới và Luật Phòng chống bạo lực gia đình. 

Mục tiêu của Chương trình Phối hợp này nhằm nâng cao năng lực để triển khai thực hiện hai bộ luật mới ban hành nói trên; hỗ trợ và thúc đẩy các mạng lưới hoạt động vì sự nghiệp bình đẳng giới và ngăn chặn nạn bạo hành gia đình; cũng như thu thập thêm cơ sở dữ liệu để chứng minh và giải quyết vấn đề thiếu hụt số liệu nhằm giúp Chính phủ và các đối tác phát triển theo dõi được sát sao hơn trong quá trình thực hiện chương trình, đồng thời đánh giá được kết quả thực hiện. Trong năm 2010, Liên Hợp quốc sẽ giúp hỗ trợ xây dựng Chiến lược Quốc gia về Bình đẳng Giới và Chương trình Mục tiêu Quốc gia, cũng như Kế hoạch Hành động Quốc gia chống nạn Bạo hành Gia đình. 

 Thực tế là năm 2010 là năm bản lề trong chương trình nghị sự cải cách toàn diện về mặt chính sách ở Việt Nam. Năm nay, Chiến lược Phát triển Kinh tế - Xã hội và Kế hoạch Kinh tế - Xã hội cho giai đoạn tiếp theo đang được xây dựng trong thời gian tiến tới Đại hội Đảng. Chiến lược Phát triển Kinh tế - Xã hội và Kế hoạch Kinh tế-Xã hội cho giai đoạn tiếp theo sẽ giúp xác định tầm nhìn và cái đích mà Việt Nam đang hướng tới. 

Tham dự lễ kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ năm nay, chúng tôi xin được công nhận và vinh danh những nỗ lực lớn lao và những thành tựu to lớn mà phụ nữ Việt Nam đã đạt được. Bên cạnh những tiến bộ đã đạt được trên nhiều mặt trận kể từ ngày Quốc tế Phụ nữ lần đầu tiên được sáng lập cách đây 100 năm, vẫn còn nhiều chông gai thử thách trên con đường chúng ta đi. So với nam giới, phụ nữ phải làm việc nhiều giờ hơn song thu nhập lại thấp hơn; phụ nữ cũng học hành chuyên cần chẳng khác gì nam giới song lại không giành được các vị trí quan trọng và được đánh giá cao như nam giới; Công việc nội trợ và chăm sóc con cái vẫn mặc nhiên bị coi là trách nhiệm của phụ nữ; và đến nay phụ nữ vẫn chưa có nhiều tiếng nói trong việc ra quyết định. 

 Như Chủ tịch Hồ  Chí Minh đã phát biểu nhân lễ kỷ niệm 36 năm thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam năm 1966: “Phụ nữ Việt Nam từ xưa tới nay, từ Bắc chí Nam, từ già đến trẻ đều thực sự là những anh hùng ..."

 Là nam giới, chúng ta đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ. Bản thân phụ nữ không thể tự mình tạo ra sự thay đổi. Bình đẳng giới là sự nghiệp chung đòi hỏi nỗ lực của tất cả chúng ta. Năm 2010 chính là thời điểm để nam giới đóng vai trò tích cực hơn trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và hỗ trợ phụ nữ trong đời sống. Đặc biệt, cho phép tôi được khuyến khích nam giới ở Việt Nam lên tiếng chống lại nạn bạo hành phụ nữ dưới mọi hình thức; nam giới hãy làm nhiều việc nhà hơn để chăm sóc con cái và gia đình mình; và cùng chia sẻ với phụ nữ quyền bình đẳng trong việc ra quyết định trong cuộc sống, cả trong việc công lẫn việc tư. 

 Trên đây là những điều mà tất cả chúng ta, phụ nữ và nam giới làm để kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ năm 2010!  

 Xin chân thành cảm ơn các Quý vị đại biểu đã quan tâm theo dõi!

Ban Quốc tế

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video