Phát huy quyền làm chủ và bình đẳng giới

14/07/2017
Vượt qua những khó khăn, rào cản của đói nghèo và những hủ tục, phụ nữ Hà Giang không chỉ gìn giữ hạnh phúc gia đình mà đang từng ngày học tập, vươn lên khẳng định vị trí của mình trong xã hội.

Sinh sống ở địa bàn vùng núi vô cùng khó khăn cả về giao thông, điều kiện sống và rào cản về những hủ tục kìm hãm sự phát triển của phụ nữ như: Tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, sinh con thứ 3 trở lên, mù chữ, không được giao tiếp ngoài xã hội, nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em diễn biến phức tạp... khiến cuộc sống của trên 249.700 phụ nữ trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn.

Những năm qua, thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐG, các cấp Hội đã phối hợp với các ngành, đoàn thể triển khai có hiệu quả, tạo điều kiện cho cán bộ, hội viên, phụ nữ phát huy quyền làm chủ và bình đẳng trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp triển khai nhiều giải pháp đảm bảo quyền lợi chính đáng cho phụ nữ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về BĐG và phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng các mô hình thúc đẩy BĐG như: Hỗ trợ phụ nữ tạo việc làm, địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, giảm thiểu tác hại của bạo lực giới, thí điểm dịch vụ tư vấn, hỗ trợ về BĐG... Đến nay đã thành lập trên 1.050 “Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng”, trong đó có 812 lượt phụ nữ được giúp đỡ; duy trì hoạt động 178 Câu lạc bộ “Phụ nữ tìm hiểu pháp luật” với 6.454 thành viên. Các văn bản liên quan trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, phụ nữ như: Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Phòng, chống mua bán người; Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Bảo hiểm y tế; Luật Hòa giải ở cơ sở... được tuyên truyền sâu rộng đến tất cả các hội viên, phụ nữ bằng nhiều hình thức đa dạng, hiệu quả. Nhiều phụ nữ vượt lên hoàn cảnh, chủ động phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, góp phần xoá đói giảm nghèo, xây dựng Nông thôn mới và góp phần thực hiện mục tiêu phát triển KT - XH của tỉnh.

Bên cạnh đó, phát huy quyền làm chủ, các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh đã tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh; chủ động tham mưu đề xuất, giới thiệu nguồn cán bộ nữ góp phần tăng tỷ lệ nữ trong cấp uỷ Đảng, các cơ quan dân cử và vào các vị trí lãnh đạo, quản lý các cấp. Trong nhiệm kỳ 2015 – 2020, tỷ lệ nữ tham gia cấp uỷ ở cấp tỉnh chiếm 12,96%, cấp huyện chiếm 17,64%, cấp cơ sở chiếm 18,67%; tỷ lệ nữ tham gia HĐND các cấp đều tăng so với nhiệm kỳ trước; tổng số đảng viên nữ trong toàn tỉnh chiếm 34,88%. Hội LHPN các cấp phối hợp với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các ngành, đoàn thể thường xuyên tổ chức các cuộc giám sát về thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên phụ nữ. Các cấp Hội tổ chức cho cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia đóng góp ý kiến vào các văn bản dự thảo luật sửa đổi; thường xuyên nắm bắt, phản ánh tâm tư nguyện vọng của các tầng lớp phụ nữ, chủ động đề xuất và tham gia giải quyết các vấn đề liên quan đến phụ nữ. Cán bộ Hội cơ sở tích cực tham gia tổ hòa giải, tổ chức tư vấn pháp luật cho phụ nữ, tham vấn cho nạn nhân bạo lực gia đình, mua bán người và nhóm nguy cơ cao; chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật lồng ghép vào các kỳ sinh hoạt chi, tổ Hội, sinh hoạt câu lạc bộ.Trong câu chuyện với chúng tôi, đồng chí Lê Thị Bích Hằng, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh chia sẻ: “Có những lần đi công tác, đến tận gia đình các hội viên ở vùng sâu, vùng xa, chứng kiến cảnh họ không biết tiếng phổ thông, không hiểu biết pháp luật, nhiều người là nạn nhân của bạo lực gia đình, nạn tảo hôn... khiến chúng tôi vô cùng trăn trở; phải quyết tâm thực hiện các giải pháp để mang lại quyền BĐG cho phụ nữ, góp phần nâng cao vị thế của người phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số trong xã hội hiện đại”.

Thực hiện quyền BĐG không chỉ là việc riêng của Hội Phụ nữ mà các cấp, các ngành cần vào cuộc quyết liệt, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ cấp cơ sở để đâu đó trên những bản làng lưng chừng núi, tiếng nấc nghẹn trong đêm của chị em phụ nữ bị bạo hành, bị buôn bán, bắt cóc... sẽ không còn.

Theo: Báo Hà Giang (HM)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video