Phát huy tài năng, sức sáng tạo, vị thế trong xã hội của phụ nữ Việt Nam

20/10/2015
Vị thế cũng như khả năng của người phụ nữ Việt Nam ngày càng được khẳng định và coi trọng. Điều này được thể hiện qua những con số thuyết phục.

Hiện cứ 100 phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi lao động từ 15 tuổi trở lên thì có 73,5 người đang làm việc. Kết quả điều tra lao động và việc làm năm 2012 cho thấy, có đến trên 48% việc làm mới do lao động nữ đảm nhiệm.

Phụ nữ Việt cũng khẳng định khả năng chiếm lĩnh những đỉnh cao của tri thức và khoa học công nghệ tiên tiến với 811 giáo sư, phó giáo sư là nữ. Bên cạnh tên tuổi của những nữ lãnh đạo, quản lý ở các doanh nghiệp lớn ngang tầm quốc gia, khu vực, nhiều vận động viên nữ đã làm rạng danh đất nước, đem về vinh quang cho Tổ quốc.

Trong lĩnh vực chính trị, phụ nữ cũng đang nắm giữ vị trí cao trong các cơ quan quyền lực Nhà nước. Tại Quốc hội, có 24,4% đại biểu là nữ. Bình quân ở cấp Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố có 25,17% đại biểu nữ. Số liệu đến tháng 2/2015, Việt Nam có 2 nữ ủy viên Bộ Chính trị, 1 nữ Bí thư Trung ương Đảng, 2 nữ Phó Chủ tịch Quốc hội, 1 nữ Phó Chủ tịch nước, 9% nữ ủy viên Trung ương Đảng, 11,3% nữ tỉnh ủy viên. Chức danh Bộ trưởng có 2/22 người là nữ. 15/30 bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có cán bộ chủ chốt là nữ. Cấp vụ trưởng và tương đương là nữ đạt 10,87%, phó vụ trưởng và tương đương là nữ đạt 18,21%...

Phải khẳng định rằng không phải đến thời điểm này, vị thế trong xã hội của người phụ nữ mới được ghi nhận mà từ thế kỷ XV dưới triều Lê, Bộ luật Hồng Đức đã quy định: “không có sự phân biệt về tiền công nhật cho lao động đàn ông với đàn bà”. Từ bản Hiến pháp đầu tiên (Hiến pháp 1946), Hiến pháp 1959, 1980, 1992 cũng như trong Hiến pháp 2013 của Việt Nam quy định rõ: “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội. Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới” (Điều 26).

Ngoài ra, các Luật Bình đẳng giới, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, Bộ luật Lao động, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020... đã khẳng định vị trí, vai trò và quyền của phụ nữ Việt Nam.

Trong quá trình hội nhập quốc tế, Việt Nam là thành viên tích cực trong việc thực hiện "Công ước quốc tế của Liên hợp quốc về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ" (CEDAW), "Cương lĩnh hành động Bắc Kinh năm 1995 về phụ nữ" và cam kết thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc có liên quan đến phụ nữ.

Tuy nhiên, hiện còn nhiều thách thức, cản trở sự tham gia và đóng góp của phụ nữ vào các lĩnh vực của đời sống. Đại hội đảng bộ các tỉnh, thành phố đã và đang diễn ra cho thấy có rất ít các địa phương có tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy bảo đảm trên 15% như quy định của Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị mà để đạt mục tiêu phải thực sự chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, cất nhắc, bổ nhiệm cán bộ nữ.

Vẫn còn nhiều hạn chế cần phải được khắc phục trong vấn đề bình đẳng giới, nhất là về mặt tư tưởng, quan điểm của con người trong xã hội mà đơn cử là tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh, tình trạng bạo lực gia đình, lạm dụng tình dục đối với trẻ em gái… vẫn còn diễn ra ở một số nơi.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 85 năm thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 – 20/10/2015), thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa khẳng định: công tác phụ nữ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và của mỗi gia đình. Vì vậy, để khắc phục được những hạn chế nêu trên, trách nhiệm không chỉ là của riêng phụ nữ, Hội Liên hiệp Phụ nữ mà đòi hỏi cấp ủy, chính quyền, các bộ, ngành cần quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu của công tác phụ nữ trong tình hình mới, tiếp tục quan tâm đến cán bộ nữ, tạo điều kiện cho cán bộ nữ tham gia cấp ủy, giữ chức vụ, vị trí chủ chốt ở các cơ quan, đơn vị.

Các cơ quan chức năng cũng cần tiếp tục nghiên cứu, ban hành các chính sách cụ thể để đảm bảo quyền lợi của phụ nữ, phát huy tốt hơn nữa tiềm năng, vị thế, sức sáng tạo của phụ nữ Việt Nam.

bao dangcongsan.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video