Phát huy vai trò của nữ nông dân trong đảm bảo an ninh lương thực

22/10/2014
Tổ chức Nông lương thế giới (FAO), tổ chức về Bình đẳng giới của Liên hợp quốc tại Việt Nam vừa phối hợp với Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Lễ kỷ niệm 34 năm Ngày Lương thực thế giới tại huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.

Với chủ đề “Canh tác hộ gia đình: nuôi dưỡng thế giới, chăm sóc trái đất”, chương trình đảm bảo an ninh lương thực năm 2014 nhằm nâng cao vai trò của canh tác hộ gia đình quy mô nhỏ và người nông dân.

Tham dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hòa, Ủy viên TW Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đã nêu bật vai trò của phụ nữ trong kinh tế hộ gia đình Việt Nam. Chiếm gần nửa dân số cả nước, 47% lực lượng lao động xã hội, 63.4% lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, nữ giới đã và đang tham gia tích cực vào bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và bảo vệ môi trường trái đất. Cùng với đó, kinh tế hộ đã và đang đóng vai trò chủ đạo trong kinh tế của các hộ gia đình nông dân tại khu vực nông thôn và trở thành một bộ phận quan trọng trong nền kinh tế nhiều thành phần ở nước ta. Tuy vậy, kinh tế hộ vẫn đứng trước nhiều khó khăn: quy mô sản xuất nhỏ và còn manh mún, cơ cấu ngành nghề chưa đa dạng trong khi phần lớn các hộ gia đình nông thôn vẫn sinh sống chủ yếu dựa vào nghề nông, lâm thủy sản; chi phí cho sản xuất cao, thị trường tiêu thụ sản phẩm hạn hẹp và bị động, thường xuyên phải đối mặt với “được mùa, rớt giá.”. Mặt khác chất lượng nguồn lao động trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đang là một bất cập lớn với khoảng 70% lao động nông nghiệp chưa qua đào tạo, tỷ lệ lao động nữ được đào tạo mới chỉ đạt 10%).

Để thúc đẩy kinh tế hộ phát triển và thực hiện trao quyền cho phụ nữ nông thôn, Chủ tịch Nguyễn Thị Thanh Hòa đề nghị lao động nữ trong lĩnh vực nông nghiệp và kinh tế hộ cần cần chủ động, tích cực hơn nữa trong việc áp dụng khoa học, kỹ thuật, cải tiến quy trình sản xuất, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, có giá trịcao, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần bảo vệ môi trường. Trong quá trình sản xuất cần đẩy mạnh sự hợp tác, liên kết giữa các hộ gia đình, giữa các hộ gia đình với các tổ chức, đơn vị kinh tế nhằm giải quyết đầu vào và đầu ra của sản phẩm, nâng cao tính bền vững, hiệu quả trong các khâu của chu trình sản xuất, giải phóng sức lao động, chuyển từ hộ gia đình sang hộ kinh doanh. Chủ tịch cũng mong muốn, Nhà nước hoàn thiện chính sách và tập trung hơn nữa đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn có sự lồng ghép giới, chú trọng trao quyền cho phụ nữ đồng thời quan tâm giải quyết vấn đề phúc lợi xã hội cho phụ nữ nông thôn. Nhà nước cần quan tâm đến chính sách thai sản cho nữ nông dân, nhà trẻ ở nông thôn để phụ nữ yên tâm sản xuất; tăng cơ hội tiếp cận nguồn lực; có chính sách ưu đãi đặc biệt đối với kinh tế hộ để kinh tế hộ được tiếp cận vốn vay như cải tiến thủ tục vay vốn, tạo cơ hội cho họ vươn lên thoát nghèo.

Chủ tịch Hội cũng cho biết, Hội LHPN Việt Nam sẽ tiếp tục chỉ đạo khảo sát để xác định rõ nhu cầu, có giải pháp phù hợp, hiệu quả trong việc tổ chức các hoạt động hỗ trợ cho phụ nữ nhất là phụ nữ ở khu vực nông thôn.

Nguyễn Hương

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video