Phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế

31/12/2021
Thời gian qua, các phong trào thi đua, cuộc vận động do Hội LHPN tỉnh phát động đã được Hội Phụ nữ các cấp triển khai, thực hiện hiệu quả, thu hút đông đảo hội viên, phụ nữ tham gia. Bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, tổ chức Hội đã phát huy vai trò cầu nối, khơi dậy tinh thần chủ động, sáng tạo trong lao động sản xuất giúp nhiều hội viên vươn lên thoát nghèo, trở thành những tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế và tích cực tham gia công tác an sinh xã hội tại địa phương.
Chị Phạm Thị Hạnh - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất chè an toàn Long Cốc giới thiệu sản phẩm với du khách nước ngoài

Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả

Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông, từ bé đã làm bạn với cây chè, đến khi lập gia đình, chị Phạm Thị Hạnh ở xã Long Cốc, huyện Tân Sơn luôn trăn trở tìm cách phát triển kinh tế từ chính cây chè bản địa. Năm 2018, Hợp tác xã sản xuất chè an toàn Long Cốc được thành lập do chị Hạnh làm Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Giám đốc. Sau khi thành lập và đăng ký bản quyền thương hiệu Chè Long Cốc, sản phẩm chè của HTX sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, tạo việc làm ổn định cho 10 công nhân với thu nhập từ 4 đến 6 triệu đồng/ người/ tháng.

Để sản phẩm đảm bảo an toàn, đạt được chất lượng theo tiêu chuẩn, chị Hạnh đã tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học- kỹ thuật về cây chè do trong, ngoài địa phương tổ chức, từ khâu chăm sóc cây chè đến đầu ra sản phẩm, đồng thời tìm hiểu thêm qua các phương tiện thông tin đại chúng để xây dựng thương hiệu chè Long Cốc.

Chị Hạnh cho biết: “Lúc đầu cũng nhận thấy mình mạo hiểm, nhưng không mạo hiểm thì không được như bây giờ, quan trọng nhất là mình làm từ tâm, lấy nâng cao chất lượng sản phẩm chè làm mục tiêu phát triển”. Cùng với sự nhanh nhẹn trong đổi mới cách làm, tư duy nhạy bén trong quản lý, Hợp tác xã sản xuất chè an toàn Long Cốc hiện quản lý 12ha chè nguyên liệu được chứng nhận VietGAP với doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm. Sản phẩm chè Long Cốc đã được OCOP chứng nhận chất lượng 4 sao năm 2020.

Chồng mất sớm, một mình nuôi 2 con nhỏ ăn học, gia đình chị Nguyễn Thị Thu Huyền (xã Hương Nộn, huyện Tam Nông) là một trong những hộ nghèo được chính quyền địa phương quan tâm. Thông qua tổ chức Hội phụ nữ, chị Huyền được vay 60 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đầu tư cải tạo đất để trồng thanh long. Nhờ tích cực tham gia các lớp tập huấn, chủ động học hỏi, áp dụng đúng kỹ thuật chăm sóc và phòng bệnh, trên 400 gốc thanh long của gia đình chị phát triển tốt, tỷ lệ đậu quả cao. “Với đầu ra và giá cả tương đối ổn định, hàng năm trừ các khoản chi phí, gia đình tôi thu lãi khoảng 80 triệu đồng” - chị Huyền chia sẻ. Ngoài ra chị còn nuôi bò, gà và trồng các loại rau màu để tăng thêm thu nhập. Từ sự động viên, hỗ trợ kịp thời của tổ chức Hội đã góp phần giúp gia đình chị Huyền có cuộc sống ổn định, vươn lên thoát nghèo.

Nhiều hội viên phụ nữ vừa đảm đang việc nhà vừa là tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế như: Chị Đinh Thị Hồng Dung ở khu 9, xã Tu Vũ, huyện Thanh Thủy với mô hình nuôi thỏ thịt và thỏ sinh sản, mỗi tháng gia đình chị xuất bán từ 250 - 300 con thỏ giống, cho thu nhập trên 50 triệu đồng; chị Lê Thị Lương, thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao là Giám đốc Công ty TNHH thương mại Khánh Mai với tổng doanh thu trên 60 tỷ đồng/ năm, tạo việc làm ổn định cho 27 công nhân với thu nhập bình quân trên 6 triệu đồng/người/tháng… Không chỉ giỏi làm kinh tế, chu toàn với gia đình, các chị cũng luôn nhiệt tình tham gia công tác Hội, chủ động chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, giúp đỡ chị em trong phát triển kinh tế, góp phần đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương.

Các thành viên tham gia nhóm liên kết trồng bưởi Diễn, xã Xuân Thủy, huyện Yên Lập chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bưởi.

Đa dạng hình thức hỗ trợ hội viên

Thực hiện Đề án 939 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025, Hội LHPN tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện khâu đột phá hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, thực hiện giảm nghèo bền vững; đồng thời xác định đây là cơ sở để thúc đẩy các phong trào phụ nữ, là cơ hội giúp hội viên tiếp cận với các chương trình, chính sách ưu đãi, nguồn vốn hỗ trợ trong khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh.

Bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và sự hỗ trợ của tổ chức Hội, các cấp, ngành, phân tích thế mạnh, tiềm năng phát triển kinh tế của từng địa phương, từng vùng nhằm giúp hội viên, phụ nữ có định hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng mô hình kinh tế phù hợp, hiệu quả; Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội thường xuyên rà soát, phân loại hộ nghèo, nắm bắt nhu cầu hỗ trợ của hội viên, đặc biệt là phụ nữ nghèo làm chủ hộ để đưa ra các hình thức giúp đỡ phù hợp, kịp thời. Năm 2020, Hội LHPN các cấp trên toàn tỉnh đã giúp đỡ trên 3.400 hội viên khó khăn về ngày công, cây, con giống… với trị giá gần 2,3 tỷ đồng.

Cùng với đó, Hội quản lý hiệu quả các nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp… với tổng dư nợ trên 1.400 tỷ đồng cho trên 56.600 hội viên vay đầu tư phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Đồng thời phối hợp tổ chức trên 220 lớp tập huấn cho hơn 8.500 cán bộ, hội viên về ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của mô hình; 13 lớp tập huấn nâng cao nhận thức về phương pháp hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho trên 1.000 người.

Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo chất lượng, sức cạnh tranh cũng như giá trị tiêu thụ của sản phẩm trên thị trường, Hội LHPN tỉnh đã thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ, nhóm liên kết… về phát triển kinh tế và truyên truyền, vận động hội viên tích cực tham gia. Chị Đinh Thị Hà - Trưởng nhóm liên kết trồng cây bưởi Diễn, xã Xuân Thủy, huyện Yên Lập cho biết: “Tham gia nhóm, các thành viên cùng hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng và chăm sóc để cây bưởi phát triển tốt, cho quả ngọt, nhiều nước. Quả bưởi sau thu hoạch được dán tem truy xuất nguồn gốc đảm bảo chất lượng và thương hiệu trên thị trường”. Đến nay, toàn tỉnh có 10 hợp tác xã do phụ nữ hỗ trợ thành lập, 230 tổ, nhóm liên kết phát triển kinh tế, 44 tổ hợp tác… với trên 400 mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần thúc đẩy sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Ngoài ra, việc thành lập và duy trì hoạt động Hội nữ Doanh nhân tỉnh đã góp phần đẩy mạnh liên kết hợp tác, hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp nữ phát triển, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho nhiều lao động, giúp gia đình hội viên đảm bảo thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Đồng chí Phạm Thị Kim Loan - TUV, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Với nhiều hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ thiết thực gắn với các mô hình kinh tế hiệu quả, năm 2020, các cấp Hội trên địa bàn tỉnh đã giúp trên 600 hộ hội viên thoát nghèo, đời sống của hội viên ngày một nâng cao, khẳng định vai trò, vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội; góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Những tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế, tích cực tham gia công tác Hội đều được Hội LHPN các cấp kịp thời biểu dương, khen thưởng, tạo động lực để chị em ngày càng gắn bó với tổ chức Hội. Thời gian tới, Hội LHPN tỉnh tiếp tục nhân rộng những mô hình điểm, cách làm hay trong phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho hội viên, phụ nữ học hỏi từ đó làm thay đổi tư duy, giúp chị em chủ động hơn trong phát triển kinh tế gia đình, khuyến khích các cấp Hội tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế; nhiệt tình tham gia các hoạt động chung vì cộng đồng… góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.

Hội LHPN tỉnh Phú Thọ

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video