Phát huy vai trò nòng cốt của Hội LHPN Việt Nam trong công tác dạy nghề và tạo việc làm cho phụ nữ

30/09/2007
Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm giai đoạn 2001-2005 đã tạo được khoảng7,5 triệu việc làm (trong đó lao động nữ chiếm khoảng 47%), góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống còn 5,3%. Trong số 1,7 triệu lao động được giải quyết việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm, có 42% là nữ. Điều đáng nói là, kết quả nổi bật của công tác dạy nghề và giải quyết việc làm gắn liền với sự tham gia tích cực, chủ động của các cấp Hội phụ nữ

Những năm gần đây, công tác dạy nghề và giải quyết việc làm đã từng bước được đẩy mạnh, góp phần đưa tỷ lệ lao động nữ được qua đào tạo lên 23% (tỷ lệ chung là 26%), giảm đáng kể tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm; cơ cấu lao động nữ được chuyển dịch dần theo hướng tích cực, góp phần giảm dần khoảng cách giới trong dạy nghề và tạo việc làm…

 

Một trong những hoạt động rất hiệu quả mà Hội LHPN các cấp đã và đang tiến hành là thông qua Quỹ quốc gia về việc làm, đầu tư cho các dự án về phát triển ngành nghề truyền thống, phát triển dịch vụ chế biến, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi ở nông thôn; phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, khuyến khích các doanh nghiệp này thu hút, tạo việc làm cho lao động nữ.

 

Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng đã kết hợp chặt chẽ với các ngành liên quan để tổ chức các lớp kỹ thuật, tập huấn khởi sự doanh nghiệp; đồng thời tổ chức tốt các hoạt động giám sát, đảm bảo để chị em sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Nhiều phong trào, mô hình điển hình trong sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế đã được hình thành và nhân rộng.

 

Mặc dù Hội LHPN Việt Nam chỉ trực tiếp quản lý 13 trong tổng số 170 trung tâm giới thiệu việc làm của cả nước, nhưng các trung tâm này đã ngày càng làm tốt chức năng tư vấn, dạy nghề, giới thiệu việc làm và cung ứng lao động, góp phần thúc đẩy thị trường lao động hoạt động tích cực hơn. Nhiều trung tâm giới thiệu việc làm của Hội đã bám sát đối tượng, đổi mới cách làm và hướng về cơ sở, góp phần thực hiện tốt công tác dạy nghề và giải quyết việc làm cho lao động nữ. Điển hình là các trung tâm giới thiệu việc làm thuộc Hội LHPN TP. Hà Nội, Thái Bình, Trà Vinh…

 

Thực hiện chủ trương củng cố và mở rộng cả về quy mô lẫn chất lượng công tác đào tạo nghề, đến nay, hệ thống các cơ sở dạy nghề của Hội LHPN đã có 1 trường trung cấp dạy nghề; 22 trung tâm dạy nghề và 14 cơ sở khác có dạy nghề. Mạng lưới cơ sở dạy nghề đã phát triển theo quy hoạch, từng bước khắc phục tình trạng mất cân đối về phân bố giữa các vùng. Với hệ thống này, giai đoạn 2001-2006, hơn 6,6 triệu lao động được đào tạo nghề, đưa tỷ lệ tăng bình quân hàng năm 6,5%. Riêng trong năm 2006, hệ thống dạy nghề thuộc các cấp Hội đã đào tạo nghề cho khoảng 1,34 triệu lao động.

 

Trên thực tế, nhờ làm tốt công tác dạy nghề lao động nữ đang ngày càng khẳng định được vai trò của mình trong thị trường lao động, có nhiều đóng góp quan trọng cho tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Tuy nhiên, nhìn chung chất lượng lao động nói chung, và lao động nữ nói riêng ở nước ta vẫn còn ở mức thấp, tay nghề chưa cao, ý thức tổ chức kỷ luật và tác phong công nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu lao động ra nước ngoài. Việc lồng ghép giới trong các chương trình, dự án còn nhiều hạn chế là nguyên nhân khiến lao động nữ gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các cơ hội về dạy nghề và việc làm.

 

Để khắc phục tình trạng này, bên cạnh việc hoàn thiện, triển khai thực hiện các văn bản liên quan đến dạy nghề và giải quyết việc làm cho lao động nữ, cần phải tiến hành đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong thực hiện các chương trình để tăng cơ hội tiếp cận việc cho lao động nữ; đặc biệt phải tạo điều kiện để Hội LHPN nâng cao vai trò nòng cốt trong công tác dạy nghề, tạo việc làm cho phụ nữ./.

Hà An

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video