Phát triển chăn nuôi gia súc ở miền núi Thanh Hoá

07/01/2006
Những năm qua, nhân dân các dân tộc miền núi tỉnh ta đã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc (trâu, bò), nhờ vậy, đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống cho các gia đình. Nhiều hộ bằng việc chăn nuôi gia súc đã thoát nghèo đói, vươn lên làm giàu trên quê hương.

Có được kết quả này là do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 06 về phát triển  chăn nuôi gia súc, gia cầm thời kỳ 2003 - 2010, UBND tỉnh ban hành chính sách theo Quyết định 408 ngày 18-2-2004 (áp dụng trong 2 năm 2004 và 2005) về chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm.

 

Trong 2 năm qua, các huyện miền núi đã đề ra kế hoạch phát triển chăn nuôi gia súc. Ở tất cả các địa phương đã khuyến khích nhân dân phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại, duy trì và phát triển đàn trâu, bò về số lượng, xây dựng và dần triển khai việc cải tạo đàn bò để tăng giá trị kinh tế, tạo  điều kiện cho nhân dân vay vốn ngân hàng mua trâu, bò giống. Trong 2 năm 2004 và 2005, từ chính sách phát triển chăn nuôi của tỉnh, các huyện miền núi đã được cấp, cấp ứng nguồn  vốn 420 triệu đồng. Tuy nguồn vốn chưa nhiều, nhưng là điều kiện quan trọng, là tiền đề để nhân dân tập trung thúc đẩy chăn nuôi phát triển. Từ nguồn vốn này, nhiều huyện đã triển khai tập huấn chăn nuôi gia súc cho nhân dân, hỗ trợ việc tiêm vắc - xin phòng dịch, mua vật tư phối giống, hỗ trợ đào tạo kỹ thuật dẫn tinh viên, hỗ trợ tiền công phối giống thụ tinh nhân tạo...

 

Thông qua chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi của tỉnh, sự nỗ lực vươn lên của nhân dân, chăn nuôi gia súc ở các huyện miền núi đã có sự phát triển mạnh, tạo sự chuyển biến tốt về chất lượng đàn.  Ở các địa phương chăn nuôi đang từng bước được sản xuất tập trung với sản phẩm hàng hóa lớn. Năm 2005, đàn trâu  ở các huyện miền núi là 167.461 con (toàn tỉnh  là 224.109 con), tăng 8,4% so với năm 2003, trong đó các huyện miền núi trong năm 2005 có đàn trâu tăng khá so với năm 2003 là: Mường Lát tăng 24,73%, Quan Hóa tăng 22,5%, Ngọc Lặc tăng  14,19%, Thạch Thành tăng 13,21%, Như Xuân tăng 10,85%..., riêng huyện Thường Xuân giảm 2,76%. Đàn bò là 89.921 con (toàn tỉnh là 335.431 con), tăng 36,8% so với năm 2003, trong đó các huyện có đàn bò tăng khá: Thạch Thành tăng 84,02%, Cẩm Thủy tăng 63,14%, Như Xuân tăng 45,82%, Mường Lát tăng 45,05%...

 

Chăn nuôi gia súc ở các huyện miền núi đã có bước phát triển khá, tuy nhiên tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu kinh tế nông - lâm nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Chăn nuôi còn nhỏ lẻ, phân tán, trang trại chăn nuôi tập trung phát triển ít và quy mô nhỏ; chăn nuôi còn mang tính truyền thống, chưa đầu tư đúng mức để thâm canh tăng trọng lượng.

 

Để triển khai và thực hiện có hiệu quả việc phát triển chăn nuôi gia súc ở miền núi, ngày 17-10-2005, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 3017 về cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn miền núi Thanh Hóa đến năm 2010. Quyết định bước đầu  đã đi vào cuộc sống. Tin tưởng với điều kiện tự nhiên, đất đai thuận lợi, hiệu quả kinh tế của chăn nuôi gia súc đã được khẳng định, kết hợp với cơ chế chính sách của tỉnh, các huyện miền núi sẽ đề ra chủ trương, kế hoạch cụ thể, cộng với việc khắc phục  khó khăn vươn lên thúc đẩy chăn nuôi gia súc phát triển của nhân dân, thì  chăn nuôi gia súc trên địa bàn các huyện miền núi sẽ có bước phát triển vững chắc trong thời gian tới.

(Xuân Hùng)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video