Phát triển kinh tế từ nguồn vốn tiết kiệm

26/08/2011
Đến thăm những mô hình kinh tế của hội viên Chi hội Phụ nữ ấp Tân Hóa, xã Hòa Thành, TP Cà Mau mới thấy hết sự cần mẫn, hăng say lao động của các chị. Với nguồn vốn tiết kiệm - tín dụng, các chị đã giúp nhau chăn nuôi, trồng màu, phát triển kinh tế gia đình. Những năm qua, từ mô hình kinh tế của chị em hội viên phụ nữ đã góp phần không nhỏ vào công tác xóa đói giảm nghèo của địa phương.

Chị Huỳnh Thị Hằng, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Tân Hóa, phấn khởi: "3 năm qua, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền vận động chị em phụ nữ nên ấp đã xóa hộ trắng hội viên, thành lập được 4 tổ tiết kiệm - tín dụng. Theo đó, trong những buổi họp mặt chị em có điều kiện nắm bắt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Bên cạnh đó, các chị còn có điều kiện trao đổi, học hỏi kinh nghiệm sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần không ngừng được nâng lên”.

Làm giàu từ đa canh

Mô hình đa cây, đa con của chị Nguyễn Thị Chúc được các chị em hội viên chọn làm mô hình điểm để học hỏi, nhân rộng mỗi khi họp Tổ phụ nữ. Diện tích gần 2 ha đất nông nghiệp được gia đình chị tận dụng tối đa để chăn nuôi, trồng trọt. Ngoài 6 ao nuôi cá bống tượng, trên diện tích mặt nước còn lại, chị thả xen canh cua, tôm, cá. Chị Chúc cho biết, trước khi chuyển dịch cơ cấu sản xuất, gia đình chị trồng lúa và nuôi cá bống tượng. Sau khi có chủ trương chuyển dịch, ngoài nuôi tôm, cua, gia đình vẫn còn duy trì được 6 ao cá bống tượng.

Tuy nhiên, do chất lượng giống kém, cộng với hạn chế về kỹ thuật nên mấy năm liền hiệu quả không cao. Từ khi tham gia sinh hoạt Hội phụ nữ, được dự những lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, thu nhập từ mô hình đa cây, đa con cũng được nâng lên.

Ngoài diện tích mặt nước nuôi tôm, cua, cá bống tượng, đất trên bờ vuông được chị tận dụng trồng hoa màu, tăng thu nhập. Với cách tính toán này, năm rồi chỉ tính riêng thu nhập từ trồng hoa màu đủ cho chị trang trải chi phí sinh hoạt trong gia đình.

Chị Chúc chia sẻ: "Năm 2010, tận dụng đất trống tôi trồng 5 kg gừng, đến Tết gia đình thu trên 50 kg gừng thương phẩm, lợi nhuận rất cao". Với hiệu quả đó, năm nay chị quyết định mở rộng diện tích, trồng 10 kg giống. Chị Chúc khẳng định, với 300 gốc gừng, đến khi thu hoạch gia đình chị cầm chắc trong tay 300 kg gừng thương phẩm.

Nhân rộng mô hình

Từ mô hình này của chị Chúc, hiện nay nhiều hội viên phụ nữ trong ấp cũng đã bắt tay vào thực hiện. Chị Hằng khẳng định, chị em phụ nữ đã có ý thức trong việc tận dụng đất trống trồng hoa màu, tăng thu nhập. Nếu không bán được thì các chị sử dụng trong gia đình, mỗi tháng tiết kiệm một khoản chi phí khá lớn.

Chị Nguyễn Hồng Thạng, Tổ trưởng Tổ hùn vốn ấp Tân Hóa, cho biết, tổ hùn vốn đã giúp nhiều chị em hội viên có điều kiện tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Ngay như gia đình chị, nhờ đồng vốn tiết kiệm của chị em hội viên phụ nữ, chị có điều kiện nuôi 2 ao cá bống tượng, thả tôm, cua nên những năm qua không phải vay vốn ngân hàng. Mỗi tháng mỗi chị đóng góp 100.000 đồng, số tiền tiết kiệm này được các chị cho mượn xoay vòng để chăn nuôi, trồng trọt.

Chị Hồ Tuyền Linh Phương, Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Thành cho biết, hiện toàn xã có 1.419 hội viên phụ nữ, nhưng chỉ còn 45 hộ hội viên nghèo. Trước đây, số hội viên nghèo toàn xã còn khá cao, từ năm 2006, Hội LHPN xã huy động nguồn vốn tiết kiệm - tín dụng để hỗ trợ hội viên nghèo chăn nuôi, trồng trọt, mua bán nhỏ. Ấp Tân Hóa được chọn làm điểm để thành lập các tổ tiết kiệm - tín dụng và xóa hộ trắng hội viên.

Ngoài ra, xã cũng chọn ấp Tân Hóa A, Tân Phong A là những ấp điểm trong việc triển khai hoạt động này. Từ nguồn vốn tiết kiệm - tín dụng, các chị em hội viên có điều kiện trồng màu, nuôi cá. Với mô hình điểm này, chị em hội viên có thể đến tham quan, trao đổi kinh nghiệm và có điều kiện nhân rộng. Ngoài ra, Hội LHPN xã đang triển khai mô hình nuôi gà nòi lai. Đây sẽ là mô hình dễ nhân rộng trong chị em hội viên.

Theo baocamau

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video