Phát triển nông thôn bền vững, bài học kinh nghiệm từ phong trào SAEMAUL UNDONG (phong trào Làng mới) tại Hàn Quốc

31/10/2012
Với nhận thức viện trợ của chính phủ cũng là vô nghĩa nếu người dân không nghĩ cách tự cứu lấy mình và mấu chốt để phát triển nông thôn là phát huy nội lực của cộng đồng nông thôn, khuyến khích người dân tự hợp tác và giúp đỡ nhau, ngày 22/4/1970, phong trào “Saemaul Undong - Phong trào làng mới” được đích thân Tổng thống Park chính thức phát động. Biểu trưng của phong trào có hình một lá non mầu xanh lá cây với 3 thùy tượng trưng cho “Tinh thần Saemaul” là “Chăm chỉ - Tự lực - Hợp tác” với một trong những khẩu hiệu nổi tiếng của phong trào là “Khắc phục nghèo đói, chúng ta cùng có cuộc sống sung sướng”…

Hàn Quốc và Việt Nam là hai nước có nhiều nét tương đồng về lịch sử, văn hoá. Hàn Quốc cũng trải qua thời kỳ chiến tranh gian khổ, nhiều mất mát hy sinh như dân tộc Việt Nam. Hàn Quốc nghèo về tài nguyên thiên nhiên, khí hậu không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, phần lớn diện tích đất nước là đồi núi hiểm trở, chỉ có khoảng 22% tổng diện tích đất có thể canh tác, mùa đông lạnh kéo dài từ tháng 12 đến tháng 3. Vậy sức mạnh nào, động lực nào đã đưa Hàn Quốc từ một nước từng bị phá huỷ gần như hoàn toàn trong chiến tranh, là nước nghèo nhất thế giới (vào những năm 1950) với thu nhập chỉ hơn 85 USD/đầu người/năm, một xã hội mà người dân mất hoàn toàn hy vọng vào tương lai, rượu chè, cờ bạc tràn lan và chỉ trông chờ viện trợ từ bên ngoài trở thành một cường quốc có nền kinh tế đứng thứ 14 trên Thế giới? Đó chính là những chính sách theo người Hàn Quốc nói là “có quyết tâm chính trị cao” và “có sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ”, trong đó nổi bật nhất là các chính sách đầu tư phát triển công nghiệp và phát huy nội lực cộng đồng nông thôn qua phong trào làng mới - Saemaul Undong với công lớn thuộc về Tổng thống Park Chung Hee.

Với nhận thức viện trợ của chính phủ cũng là vô nghĩa nếu người dân không nghĩ cách tự cứu lấy mình và mấu chốt để phát triển nông thôn là phát huy nội lực của cộng đồng nông thôn, khuyến khích người dân tự hợp tác và giúp đỡ nhau, ngày 22/4/1970, phong trào “Saemaul Undong - Phong trào làng mới” được đích thân Tổng thống Park chính thức phát động. Biểu trưng của phong trào có hình một lá non mầu xanh lá cây với 3 thùy tượng trưng cho “Tinh thần Saemaul” là “Chăm chỉ - Tự lực - Hợp tác” với một trong những khẩu hiệu nổi tiếng của phong trào là “Khắc phục nghèo đói, chúng ta cùng có cuộc sống sung sướng”.

Yếu tố quyết định sự thành công của phong trào là: Tự thân và hỗ trợ lẫn nhau ở cộng đồng.. Để người dân tích cực hưởng ứng phong trào và huy động được nội lực của cộng đồng, Chính phủ Hàn Quốc đã thực hiện phong trào với nghĩa không đơn thuần là một kế hoạch hành động mà là một cuộc “vận động cải cách ý thức” cùng với “vận động thực hiện hành động”. Cuộc cải tổ ý thức của người dân dựa trên các khẩu hiệu tinh thần: “Đã làm là được”, “Tất cả đều có thể làm được” và “Nhất định phải làm”. Cùng với đó, sự cam kết cao của Chính phủ trong thực hiện phong trào đã tạo niềm tin tưởng cho nhân dân. Với 51% hỗ trợ từ Chính phủ, 49% từ đóng góp của cộng đồng, chỉ sau 4 năm phát động “Saemaulundong”, sản lượng lúa tăng đến mức có thể tự túc lương thực, phổ biến kiến thức nông nghiệp đã tạo nên một cuộc cách mạng trong phương pháp canh tác, thu nhập một năm của hộ nông dân (674 nghìn won tương đương 562 USD) cao hơn so với hộ ở thành thị (644 nghìn won tương đương 537 USD). Với mục tiêu phát triển cộng đồng nông thôn hướng tới cải thiện đều kiện sống cho người dân thông qua cải thiện thu nhập, cải thiện môi trường sinh hoạt; xây dựng cơ sở hạ tầng; nâng cao đời sống tính thần trên cơ sở phát huy nội lực và hợp tác, phong trào đã đáp ứng cơ bản các nhu cầu của người dân và cộng đồng nông thôn.. Một điểm nổi bật là Hàn Quốc đã triển khai chiến lược bắt đầu từ việc dễ. Năm đầu tiên, phong trào tập trung chủ yếu vào các hoạt động cải thiện cơ sở hạ tầng sinh hoạt cần thiết ở nông thôn, Chính phủ cấp miễn phí đồng loạt cho 33.000 xã trong cả nước, mỗi xã 355 bao xi măng (loại 40 kg). Sang năm thứ 2, chỉ 16.600 xã có thành tích tốt được tôn vinh khen thưởng và tiếp tục được chính phủ hỗ trợ 500 bao xi măng và 1 tấn thép. Các xã này tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng và bắt đầu đi vào các dự án tăng thu nhập. Cách thức này tạo nên không khí cạnh tranh sôi nổi trong nông thôn cả nước. Vào năm thứ 3 của phong trào, Chính phủ đã tiến hành phân loại các thôn theo tiêu chuẩn phát triển và sự tham gia của người dân (vốn, công lao động) thành 3 nhóm, mỗi nhóm sẽ nhận được sự hỗ trợ khác nhau. “Thôn cơ sở” hầu như chưa có sự tham gia đáng kể của người dân, sẽ nhận được sự hỗ trợ các dự án cải thiện môi trường và cần phải nâng cao ý thức người dân. “Thôn tự lực” đã có tỷ lệ người dân tham gia khoảng 50%, sẽ được hỗ trợ các dự án môi trường, dự án nâng cao thu nhập. “Thôn tự lập” là các thôn có 100% người dân tham gia phong trào được ưu tiên hỗ trợ các dự án nâng cao thu nhập, dự án phúc lợi văn hóa. Sự đầu tư theo nhóm năng lực đã mang lại kết quả tốt, hiệu quả đầu tư cao. Vào năm 1973, còn 31% “Thôn cơ sở” và chỉ có 12% “Thôn tự lập”, nhưng đến cuối năm 1978 gần như 100% đạt số “Thôn tự lập”.Thành công của phong trào Saemaul Undong sau đó đã lan ra cả thành thị, công sở, trường học, nhà máy và nhiều lĩnh vực khác với tinh thần làm cho cuộc sống tốt hơn.

Thành công của phong trào đã khẳng định cách tiếp cận đúng đắn của Chính phủ trong việc coi mỗi cộng đồng làng mạc là 1 đơn vị phát triển; thúc đẩy cách tiếp cận từ dưới lên; tiếp cận nhiều mặt, toàn diện, đa dạng, không chỉ sinh kế; phát triển thể chế để chính quyền và người dân là những người bạn, cùng nhau làm việc; thực hiện dân chủ làng xã; nâng cao năng lực cho những người cán bộ cơ sở. Công tác tuyên truyền, biểu dương điển hình từ phong trào được đẩy mạnh dưới nhiều hình thức: Nhiều bộ phim truyện, vở kịch lấy chủ đề “Saemaul Undong” được phổ biến rộng rãi; trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài, truyền hình luôn có các chương trình tuyên truyền cho phong trào; các điển hình nông dân có ý chí, thoát nghèo được bồi dưỡng thành báo cáo viên để tuyên truyền trong các hội nghị, trên các phương tiện truyền thông; có chính sách động viên, khen thưởng và hỗ trợ thêm nếu làm tốtĐóng góp vào thành công của phong trào không thể không nói đến sự tham gia của phụ nữ, đặc biệt là trong các hoạt động văn hoá, xã hội và cải tạo môi trường. Tại các làng đều có một người lãnh đạo (nam hoặc nữ) song hành cùng với ban phát triển tự quản; Ban phát triển có hai phân ban chính của phụ nữ và thanh niên cùng với một số tiểu ban khác. Họ có nhiệm vụ lập kế hoạch và điều hành các tiểu ban để tăng được thu nhập xã và thúc đẩy những giá trị và tư tưởng tiến bộ. Khoảng 50% lãnh đạo thôn là phụ nữ; phụ nữ là người đưa ra các ý tưởng và thúc đẩy thực hiện tốt các dự án cải tạo môi trường. Việc đào tạo cán bộ nữ để làm lãnh đạo phong trào là sự thay đổi rất cơ bản nhận thức về sự dân chủ trong nông thôn. Phụ nữ được đào tạo, hướng dẫn đứng ra gây quỹ, thực hiện tiết kiệm, làm nhân tố chính trong phong trào làm sạch đẹp làng, xã ngoài ra họ còn tích cực tham gia vào phòng ngừa tệ nạn rượu chè, cờ bạc. Số lượng các quán rượu và những người uống rượu cùng với tệ nạn đánh bạc đã giảm đi đáng kể khi phụ nữ tham gia vào các hoạt động này.

Nhìn lại việc thực hiện Chương trình nông thôn mới của Việt Nam, qua những bài học kinh nghiệm từ phong trào xây dựng làng mới ở Hàn Quốc, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:Trước hết phải tuyên truyền, vận động tạo nên sự khát khao và quyết tâm của người dân muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn.. Có rất nhiều việc không có sự trợ giúp của nhà nước người dân vẫn có thể thực hiện tốt như: chăm chỉ lao động để nâng cao thu nhập, sửa sang nhà cửa, cải tạo môi trường sống bằng việc làm cho làng bản và mỗi gia đình sạch đẹp…Mặt khác, nhiều công việc nhà nước đầu tư có sự tham gia của người dân sẽ đạt hiệu quả cao hơn như làm đường giao thông liên thôn, hiến đất để xây dựng các công trình công cộng; tham gia quản lý các công trình công cộng do nhà nước đầu tư. Chú trọng tăng cường công tác đào tạo để nâng cao nhận thức và kiến thức làm nông thôn mới cho cán bộ các cấp; tăng cường học tập kinh nghiệm từ các nước có những nét tương đồng với Việt Nam đã thực hiện thành công xây dựng nông thôn mới. Để có nguồn lực thực hiện chương trình, ngoài sự hỗ trợ của nhà nước và sự đóng góp của xã hội cần phải huy động tối đa nguồn lực từ nhân dân (hiện quy định 10% giá trị đóng góp của nhân dân là chưa hợp lý vì nguồn lực của dân là rất lớn như công lao động, vật liệu tại chỗ, hiến đất đai và các công việc không tính được bằng tiền). đồng thời tránh tâm lý ỷ lại, trông chờ vào được nhà nước hỗ trợ của người dân..

Đối với Hội LHPN các cấp, theo kinh nghiệm của Hàn Quốc, sự tham gia của phụ nữ và các tổ chức phụ nữ ở cộng đồng là rất quan trọng. Hiện nay cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” của Hội phát động rất đúng hướng vì trong phong trào làng mới ở Hàn Quốc, các tổ chức Hội đã tham gia tích cực và đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra các ý tưởng và thúc đẩy thực hiện tốt các dự án cải tạo môi trường nông thôn và giải quyết các vấn đề văn hoá xã hội. Hội cần tiếp tục có những đề xuất với Văn phòng điều phối Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới chỉ đạo đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động tăng thu nhập, cải tạo môi trường, điều kiện sống và văn hóa xã hội với sự tham gia chủ động của Hội LHPN các cấp.

Hương Giang – Phó VP Hội LHPN Việt Nam

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video