Phó Chủ tịch Thường trực Hoàng Thị Ái Nhiên: Giải phóng phụ nữ là khuyến khích nam giới cùng chia sẻ

09/03/2016
Phát biểu tại Hội thảo công bố báo cáo nghiên cứu “Các yếu tố xã hội quyết định bất bình đẳng giới ở Việt Nam” ngày 7.3.2016 vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực Hoàng Thị Ái Nhiên cho rằng: giải phóng phụ nữ khỏi nhiệm vụ triền miên là chăm sóc cho gia đình không có nghĩa là khuyến khích phụ nữ từ bỏ vai trò chăm sóc mà khuyến khích nam giới cùng chia sẻ.

Nghiên cứu “Các yếu tố xã hội quyết định bất bình đẳng giới ở Việt Nam” do Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) thực hiện với sự tham gia của 8.424 phụ nữ và nam giới tại 9 tỉnh và thành phố Việt Nam từ năm 2012 đến 2015. Kết quả chỉ ra rằng phụ nữ ở Việt Nam vẫn phải đối mặt với rất nhiều rào cản cả trong sự nghiệp, trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Xã hội vẫn mặc nhiên coi rằng việc chăm sóc và hỗ trợ chồng con và các thành viên của cả hai bên gia đình nội ngoại là trách nhiệm hoàn toàn của người phụ nữ. Chị em thường dễ chấp nhận không đi làm hoặc làm công việc có thu nhập thấp để có thời gian chăm sóc chồng con. Phụ nữ cũng không được khuyến khích học cao hơn chồng để tránh xung đột trong gia đình, thậm chí họ cũng cần phải âm thầm chịu đựng bạo lực gia đình để duy trì sự êm ấm trong nhà.

Nhiều người phụ nữ ở Việt Nam sẵn sàng hy sinh hạnh phúc và cả sự tiến bộ của mình để làm tròn vai trò chăm sóc gia đình. Thực tế đó đã hạn chế các cơ hội của họ trong học tập, theo đuổi sự nghiệp, tham gia hoạt động xã hội và chính trường. Hơn 20% số phụ nữ tham gia cuộc khảo sát không làm việc tại thời điểm khảo sát vì lý do phải chăm sóc gia đình so với tỷ lệ 2% ở nam giới. Về cơ cấu ngành nghề, tỷ lệ phụ nữ làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp hoặc khu vực phi chính thức nhiều hơn đó là lý do tỷ lệ phụ nữ phải tự chi trả bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế cao hơn nam giới. Kết quả nghiên cứu cho thấy chỉ có có 1/5 trong số những người làm việc trong khu vực tư nhân và khoảng 5- 6% số người làm việc trong khu vực phi chính thức có bảo hiểm xã hội và ít hơn một nửa của hai nhóm này có bảo hiểm y tế. Như vậy, điều đó ảnh hưởng tới quyền và tiếp cận của phụ nữ đối với phúc lợi xã hội và an sinh xã hội, bao gồm cả những quyền lợi được hưởng khi mang thai và sinh con.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Hoàng Thị Ái Nhiên cho rằng, kết quả nghiên cứu đã phản ánh đúng thực tế về gánh nặng công việc của phụ nữ và mối quan hệ giới trong gia đình và xã hội Việt Nam hiện nay, đặc biệt khi mà những thách thức và rào cản gây bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại. Những phát hiện và khuyến nghị mà nghiên cứu đưa ra đã giúp xác định những vấn đề cần phải được chú trọng trong các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ. Để đạt được bình đẳng giới thực chất, trước hết phải thay đổi nhận thức và hành động của chính nữ giới về vai trò và vị thế của mình trong gia đình và ngoài xã hội. Đã đến lúc phụ nữ cần hiểu rằng, nếu phải làm việc gấp đôi nhưng lại chỉ giữ vị trí thứ yếu thì điều đó mới làm chậm bước tiến của xã hội đến mục tiêu bình đẳng giới. Cần vận động, khuyến khích nam giới cùng chia sẻ, hỗ trợ giúp nâng cao vị thế cho nữ giới trong xã hội.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam nhấn mạnh, giải phóng phụ nữ khỏi nhiệm vụ triền miên là chăm sóc cho gia đình không có nghĩa là khuyến khích phụ nữ từ bỏ vai trò chăm sóc mà khuyến khích nam giới cùng chia sẻ. Đồng thời, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ phụ nữ thực hiện trách nhiệm này để đi đến bình đẳng thực chất. Hội LHPN Việt Nam mong muốn toàn xã hội chung tay xây dựng và củng cố chuẩn mực mới, tiến bộ về vai trò của phụ nữ và nam giới trong gia đình và ngoài xã hội. Giáo dục là một yếu tố quan trọng trong việc chuyển đổi nhận thức của người dân về vai trò giới và tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội và chính trị.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video