Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải:Sẽ có luật điều chỉnh hành vi sử dụng năng lượng

30/12/2008
Chuyên đề "Tiết kiệm năng lượng (TKNL) - toàn dân vào cuộc" trên Lao Động đã nhận được sự quan tâm và đánh giá cao của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải - người nhiều năm gắn bó với ngành sản xuất năng lượng (NL) của đất nước.

Qua chuyên đề, nổi lên việc TKNL trong khối hành chính công dù đạt được một số kết quả, nhưng còn nặng về hô hào, ít hiệu quả, còn trong khối DN vẫn còn bị xem nhẹ, thậm chí bỏ ngỏ. Theo Phó Thủ tướng, để khu vực hành chính công, khối DN TKNL có hiệu quả, khâu đột phá là gì?

- Ngày 2.6.2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số19/2005/CT-TTg về tiết kiệm điện, theo đó yêu cầu mỗi bộ, ngành, địa phương thực hiện tiết kiệm ít nhất 10% điện năng sử dụng hàng ngày, đặc biệt là trong các tháng mùa khô (từ 1.4 - 30.6 hàng năm). Hầu hết khối các cơ quan, đơn vị hưởng ngân sách đều xây dựng kế hoạch và nghiêm túc thực hiện các chương trình tiết kiệm điện năng tại đơn vị. Tuy nhiên, do chưa có các giải pháp, chế tài cụ thể của các cấp chính quyền nên còn một số cơ quan, đơn vị chưa thực hiện nghiêm túc.

Việc TKNL tại khu vực sản xuất và kinh doanh cũng đã được nhiều DN chú ý và triển khai, xuất phát từ nhu cầu giảm thiểu chi phí sản xuất nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của DN và sản phẩm. Tuy nhiên, việc TKNL còn phát triển tự phát hoặc chưa tự giác thực hiện các giải pháp TKNL. Lý do: Nhận thức của cấp quản lý, lãnh đạo tại các DN còn hạn chế; thiếu các thông tin về công nghệ, thiết bị TKNL; các dịch vụ TKNL phát triển chưa mạnh. Ngoài ra, một trong các nguyên nhân quan trọng đó là giá NL của nước ta vẫn còn được Nhà nước bù lỗ, các DN chưa thấy được sức ép về tăng giá NL.

Thời gian tới, để việc TKNL trong khối DN, hành chính công hiệu quả hơn, bên cạnh các biện pháp quản lý bắt buộc đã và đang thực hiện, chúng ta cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền tới cộng đồng, nâng cao nhận thức, đào tạo nguồn nhân lực... Đồng thời, triển khai tích cực các dự án hỗ trợ thí điểm cho các DN thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng NL tiết kiệm và hiệu quả - đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thưa Phó Thủ tướng, vì sao chúng ta chưa chú trọng đến việc tìm kiếm các nguồn nhiên liệu, NL thay thế cho thuỷ điện, nhiệt điện, xăng dầu, trong khi tiềm năng của nước ta rất lớn (như điện sử dụng sức gió, điện hạt nhân, điện dùng NL mặt trời, sinh học, sản xuất xăng từ ethanol...)?

- Thực ra thì Chính phủ đã sớm ý thức được việc tìm kiếm các nguồn nhiên liệu, NL mới thay thế cho nguồn NL truyền thống như thuỷ điện, nhiệt điện, xăng dầu, ... Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1855/QĐ-TTg, ngày 27.12.2007 phê duyệt Chiến lược phát triển NL quốc gia của VN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 với các định hướng phát triển nguồn NL mới, tái tạo như gió, mặt trời, thuỷ điện nhỏ, NL sinh học, điện hạt nhân... nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển KTXH.
Mục tiêu phấn đấu tăng tỉ lệ các nguồn NL tái tạo lên khoảng 3% tổng NL thương mại sơ cấp vào năm 2010; khoảng 5% vào năm 2020 và khoảng 11% vào năm 2050. Tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết và đồng bộ để đưa tổ máy điện hạt nhân đầu tiên vận hành vào năm 2020, đến năm 2050 NL điện hạt nhân chiếm 15-20% tổng tiêu thụ NL thương mại toàn quốc.

Vấn đề mấu chốt là triển khai thực hiện một cách quyết liệt và đồng bộ những kế hoạch này. Hiện Chính phủ đã và đang chỉ đạo các bộ, ngành liên quan triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng NL tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2006-2015; Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025; và một số dự án liên quan đến việc thúc đẩy và phát triển các dạng NL tái tạo như: Dự án cung cấp điện cho vùng sâu, vùng xa bằng NL tái tạo (RARE) sử dụng nguồn tín dụng của NH Thế giới, Chương trình NL VN- Thụy Điển (VSRE) Cơ quan Hợp tác phát triển Sida - Thụy Điển tài trợ, Dự án phát triển NL tái tạo (REDP) do WB tài trợ, Dự án đầu tư các dự án cấp điện ngoài lưới từ NL tái tạo cho vùng sâu, vùng xa và hải đảo theo đề xuất của Ngân hàng ADB.

Qua chuyên đề của Báo Lao Động, thấy nổi lên một số vấn đề lớn: Nhận thức và trách nhiệm của các cơ quan quản lý về TKNL chưa theo kịp yêu cầu của cuộc sống. Chính quyền, các bộ, ngành chức năng, cơ quan quản lý chưa tạo điều kiện để toàn dân TKNL? Theo Phó Thủ tướng, để tạo ra một nhận thức mới, hành động mới cần tập trung giải quyết vấn đề gì?

- Theo quan điểm của tôi, trước mắt, cần tập trung thực hiện một số vấn đề như sau: Phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước tại T.Ư và địa phương để triển khai các chương trình, dự án TKNL; tăng cường nhận thức của cộng đồng để các DN tự giác thực hiện các giải pháp TKNL; xây dựng chế tài đầy đủ và đủ mạnh; hình thành các cơ chế tài chính để khuyến khích, thúc đẩy các hoạt động sử dụng NL tiết kiệm và hiệu quả.

Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo đẩy nhanh việc xây dựng và ban hành Luật Sử dụng NL tiết kiệm và hiệu quả để điều chỉnh toàn bộ hành vi phía sử dụng NL. Với các định chế đồng bộ được quy định trong bộ luật, bao gồm các biện pháp khuyến khích và chế tài đủ mạnh và đồng bộ sẽ khắc phục được các yếu kém trong lĩnh vực sử dụng NL, đẩy mạnh quá trình thể chế hoá, thúc đẩy toàn xã hội sử dụng NL tiết kiệm và hiệu quả, cụ thể mục tiêu tiết kiệm là quốc sách, TKNL đi cùng với phát triển NL, phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, chúng ta sẽ từng bước xây dựng và áp dụng giá điện và giá NL, nhiên liệu một cách phù hợp hơn, tiệm cận hơn với thị trường.

- Xin trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng!

"Tôi đánh giá cao sáng kiến của Báo Lao Động phát động phong trào "TKNL - toàn dân vào cuộc", bởi trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới lên cao, tình hình NL nói chung đang căng thẳng, nhiều quốc gia cũng TKNL rất ráo riết chứ không chỉ riêng nước ta. Chuyên đề của báo đưa ra đúng lúc, kịp thời, động viên toàn dân có ý thức TKNL thiết thực. Tôi cũng hoan nghênh nhiều sáng kiến có giá trị của các nhà quản lý, nhà khoa học, công nghệ và nhân dân hiến kế các giải pháp TKNL.

Về phần mình, Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, các cơ sở nghiên cứu khoa học kỹ thuật, công nghệ nghiên cứu ứng dụng những sáng kiến có giá trị, đồng thời sẽ triển khai mạnh mẽ và quyết liệt Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng NL tiết kiệm và hiệu quả đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt".

(Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải)

Tháng 8, trình Chính phủ Dự luật Sử dụng NL tiết kiệm và hiệu quả

Thủ tướng Chính phủ, ngày 31.7 đã có ý kiến giao Bộ Công Thương làm việc với Bộ Tư pháp bổ sung dự án Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009. Bộ Tư pháp báo cáo việc bổ sung dự án luật này trong dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Chính phủ năm 2009, trình Chính phủ xem xét tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8.2008.

Trích dẫn (QT)

Theo Trung tâm tiết kiệm năng lượng Hà Nội

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video