Phòng chống bạo lực gia đình: Các nạn nhân còn đơn độc

03/09/2010
Sau hai năm, Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng chống bạo lực gia đình được thực thi (1/7/2008), số vụ bạo lực gia đình (BLGĐ) được phát hiện vẫn không ngừng gia tăng.

Vòng luẩn quẩn

Trung tâm tư vấn và chăm sóc sức khoẻ phụ nữ đặt tại BV Đa khoa Đức Giang (Gia Lâm, Hà Nội) mấy năm gần đây có một nhiệm vụ đặc biệt : Đó là tư vấn và chăm sóc sức khoẻ cho các nạn nhân là nữ giới trong các vụ BLGĐ trên địa bàn Hà Nội. 20.000 lượt nạn nhân đã đến đây, trung bình một tháng hơn 200 “ca”. Có chị bị chồng đá vào ngực đến vỡ gan, mật ; có chị tử vong vì chấn thương sọ não do bị chồng xô đẩy ; có chị bị chồng rạch mặt ...

Bác sĩ, chuyên gia tư vấn, Giám đốc Trung tâm Nguyễn Ngọc Quyết, bày tỏ: “Số nạn nhân đến với Trung tâm ngày càng nhiều. Điều này cũng đáng mừng nhưng rất đáng lo. Mừng vì người phụ nữ  đã tự tìm đến đây để giải cứu cho chính mình. Buồn vì ngày nay vẫn còn nhiều người phụ nữ bị chồng bạo hành”. 

Mỗi nạn nhân đến Trung tâm dù bị chồng bạo hành khác nhau nhưng họ đều có chung “văn hoá im lặng”. Vì thương con, vì sợ điều tiếng, vì danh dự gia đình, vì thương bố mẹ đẻ, vì sợ không có nơi ở…mà các nạn nhân đã cam chịu trong nước mắt. Họ không dám tố cáo người chồng của mình, người cha của các con. Thậm chí khi vụ việc đã rõ muời mươi, chính quyền và các đoàn thể đến can thiệp thì chính họ lại rút yêu cầu xử lý kẻ vi phạm…

Chính sự im lặng này tiếp tục đẩy họ về thế yếu. “Dù dưới dạng bạo lực nào thì phần thua thiệt cũng về phía người phụ nữ. Vì cam chịu nên các nạn nhân tiếp tục bị bạo hành trầm trọng hơn. Các nạn nhân bị thương tích vùng đầu, mặt, cổ chiếm 50%, chấn thương xương chiếm 10%, 40% còn lại là đa chấn thương. Dù bị bạo lực nhiều hay ít, những phụ nữ đến Trung tâm đều bị khủng hoảng tinh thần, trong đó 10-15% bị rối loạn tâm thần cần phải điều trị lâu dài” - bác sĩ Quyết cho biết.


Chờ văn bản hướng dẫn Luật

“Thương chồng con vốn là đức tính của người phụ nữ VN, nhưng cũng cần phải thương lấy bản thân mình. Người phụ nữ phải biết dựa vào xung quanh để bảo vệ chính mình”-  bác sĩ Quyết chia sẻ. Muốn vậy, nạn nhân BLGĐ rất cần một chỗ dựa từ phía cộng đồng. Tuy nhiên, sau 2 năm Luật Bình đẳng giới và Phòng chống BLGĐ được thực thi,  các nạn nhân vẫn còn đơn độc.  

Luật sư Nguyễn Văn Tú, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đánh giá, qua công tác tư vấn và tham gia tranh tụng các vụ án có liên quan đến BLGĐ thời gian qua cho thấy : tình trạng này vẫn gia tăng, hình thức đa dạng, nạn nhân có cả nông dân và trí thức. Trong khi, số vụ việc được đưa đến cơ quan có thẩm quyền và được các cơ quan này thụ lý giải quyết  vẫn quá ít. Nhiều nơi, cán bộ chưa được tập huấn, thậm chí còn không biết tên Luật và thẩm quyền của mình.

Trong khi đó, theo Luật, thẩm quyền và trách nhiệm của chính quyền xã đối với các vụ BLGĐ là rất quan trọng. Cụ thể, Công an xã phải xác minh sự việc, tiếp nhận đơn của nạn nhân và gia đình, cách ly người gây bạo hành và có thể xử phạt tới 20 triệu đồng. Đối với các vụ BLGĐ, nhiều cán bộ xã, phường không giấu diếm rằng, họ chỉ “xử” theo lối cũ. Có nghĩa, nếu vụ việc có dấu hiệu hình sự thì gửi lên cấp Huyện giải quyết, còn không thì chỉ…hoà giải và khuyên các bên “đóng cửa bảo nhau” là xong!

Để thoát khỏi tình trạng bạo lực, để đảm bảo an toàn khi người phụ nữ dám tố cáo hành vi bạo lực, Luật Phòng chống BLGĐ đã khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập các mô hình hỗ trợ cho các nạn nhân bị BLGĐ như nhà tạm lánh;  Trung tâm tư vấn; Cơ sở chăm sóc sức khoẻ…nhưng thực tế số cơ sở này còn quá ít. Bởi những người có tâm huyết với công việc này muốn mở các loại hình trên đang phải chờ  thông tư hướng dẫn của Bộ Văn hoá-Thể thao-Du lịch và Bộ Tài chính.  “Đến nay, chỉ duy nhất có Bộ Y tế đã ra thông tư hướng dẫn các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước thực hiện quy trình khám sàng lọc cho nạn nhân nữ bị BLGĐ từ 15 tuổi trở lên. Còn chưa có Bộ, ban ngành nào thực sự sốt sắng về việc này!”-bác sĩ  Quyết cho biết. 

Thực sự, tình trạng BLGĐ chỉ có thể bị đẩy lùi nếu các nạn nhân biết  đấu tranh để bảo vệ bản thân mình, đồng thời họ phải nhận được sự quan tâm chia sẻ từ cộng đồng.

Theo phunuonline

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video