Phòng, chống mại dâm ở Lộc Bình: Cần sự chung sức của cộng đồng

29/07/2011
Song song với kinh tế phát triển thì kéo theo hàng loạt các vấn đề xã hội nảy sinh, trong đó có tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm.

Lộc Bình (Lạng Sơn) là một huyện biên giới có tuyến quốc lộ 4B và 5 tuyến đường tỉnh, 1 cửa khẩu Chi Ma, 2 thị trấn: Na Dương và Lộc Bình, có khu du lịch Mẫu Sơn nổi tiếng… Đây là những điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế. Tuy nhiên, song song với kinh tế phát triển thì kéo theo hàng loạt các vấn đề xã hội nảy sinh, trong đó có tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm. Nhận thấy rõ điều này, thời gian qua cấp ủy, chính quyền huyện Lộc Bình đã quan tâm đặc biệt đến công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội.

Để giảm tối đa nguy cơ xuất hiện tệ nạn xã hội trên địa bàn, ngay từ đầu năm, Ban chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng chống ma túy, mại dâm đã triển khai thực hiện công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm và cai nghiện phục hồi. Theo đó, huy động tổ chức đoàn thanh niên các cấp, các nhà trường thực hiện đồng bộ các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, vận động thanh, thiếu niên tránh xa tệ nạn xã hội. Cụ thể là, phòng Lao động – TB&XH tham mưu cho UBND huyện phối hợp với phòng Văn hóa – Thông tin, Trung tâm văn hóa thể thao, Đài truyền thanh huyện, Huyện đoàn và các ngành liên quan tham gia tuyên truyền lưu động phòng chống tệ nạn xã hội ma túy, mại dâm, HIV/AIDS được 4 buổi, cho ước tính 15.000 lượt người; treo khoảng 30 pano, băng rôn tuyên truyền cổ động; công diễn 2 buổi kịch ngắn, tiểu phẩm cho khoảng 1.000 lượt người xem…Ngoài ra, huyện cũng đã tổ chức các buổi giao lưu, diễn văn nghệ với chủ đề “hãy tránh xa ma túy, mại dâm”; thực hiện tuyên truyền lồng ghép vào các chương trình phổ biến về chính sách, pháp luật, công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, gắn nội dung phòng, chống ma túy, mại dâm với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Ngành giáo dục lồng ghép vào các chương trình ngoại khóa, môn học chính khóa như giáo dục công dân, giáo dục quốc phòng, ngữ văn… vừa để trang bị kiến thức phòng, chống tội phạm ma túy, mại dâm, vừa giáo dục kỹ năng sống cho các em, để các em không mắc các tệ nạn xã hội.

    

Bên cạnh việc tuyên truyền, riêng về công tác phòng, chống mại dâm, Đội kiểm tra liên ngành (Đội 178) thực hiện việc kiểm tra các cơ sở kinh doanh có điều kiện, dịch vụ nhạy cảm dễ phát sinh tệ nạn mại dâm trên địa bàn quản lý. Anh Nông Minh Cường, đội trưởng Đội 178 huyện Lộc Bình cho biết, theo kế hoạch, Đội sẽ tiến hành kiểm tra định kỳ 2 đợt/năm và kiểm tra đột xuất. Đợt 1 đã tiến hành kiểm tra từ cuối tháng 4 đối với 5 điểm kinh doanh có điều kiện trên địa bàn thị trấn về giấy phép kinh doanh hoạt động và các thủ tục liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ, chủ yếu là nhà hàng karaoke và các loại hình hoạt động văn hóa nhạy cảm dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm. Kết quả, các cơ sở cơ bản chấp hành tốt quy định. Riêng cơ sở kinh doanh ở khu Chộc Vằng chưa có giấy phép kinh doanh ngành nghề đã được cơ quan chức năng yêu cầu làm thủ tục để được cấp phép trong 15 ngày kể từ khi được nhắc nhở. Đến thời điểm này, cơ bản chưa phát hiện tệ nạn mại dâm trên địa bàn. Dự kiến, đầu năm học Đội sẽ phối hợp với một số ngành, đoàn thể đẩy mạnh việc tuyên truyền phòng, chống mại dâm ở các trường THCS và THPT trên địa bàn. Đồng thời, trong trường hợp có đơn thư khiếu nại, tố cáo về tình hình hoạt động mại dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn; khi phát hiện cơ sở kinh doanh có dấu hiệu vi phạm về tệ nạn mại dâm, Đội sẽ quyết định kiểm tra đột xuất, kiên quyết đình chỉ hoạt động của cơ sở theo quy định của pháp luật.

    

Nhìn chung công tác phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm ở Lộc Bình đã góp phần nâng cao nhận thức cho người dân huyện biên giới, duy trì 100% xã, thị trấn không có tệ nạn mại dâm, 26/29 xã không có tệ nạn ma túy. Tuy nhiên, công tác nay vẫn còn gặp không ít khó khăn như việc tuyên truyền đôi lúc chưa kịp thời so với diễn biến nhanh và phức tạp; còn tình trạng phân biệt, kỳ thị đối với người nhiễm HIV/AIDS; công tác cai nghiện phục hồi còn gian nan vì hầu hết các đối tượng sau khi được tạo việc làm đều tái nghiện, hoạt động kinh doanh ngành nghề nhạy cảm ngày càng tinh vi, nhất là ở các khu du lịch… Chính vì thế, trong “cuộc chiến” lâu dài phòng, chống ma túy, mại dâm và căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS không chỉ có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng mà cần có sự tham gia, giúp sức của cả cộng đồng.

Theo baolangson

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video