Phong trào phụ nữ Hải Phòng hướng về hội viên nghèo

15/11/2011
Từ năm 2006 đến nay, 9.698/10.658 hộ hội viên phụ nữ nghèo được các cấp Hội Phụ nữ tạo điều kiện phát triển kinh tế. Trong số đó, 3.266/5.861 hộ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của thành phố còn 3,86% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2006 - 2011).

Điểm tựa của phụ nữ nghèo

Với nhận thức sâu sắc đói nghèo là rào cản lớn nhất trong tiến trình thực hiện bình đẳng và phát triển, các cấp Hội LHPN đẩy mạnh phong trào hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế giúp nhau xóa đói giảm nghèo. Hoạt động này được đổi mới thiết thực, hiệu quả trên cơ sở phát huy nội lực, tinh thần hợp tác, tương thân tương ái, coi trọng hiệu quả, tính bền vững, tập trung ưu tiên hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ. Hằng năm, các cấp hội khảo sát, phân loại hộ nghèo, xây dựng kế hoạch, phân công cán bộ, hội viên giúp thoát nghèo bằng nhiều hình thức, biện pháp như hỗ trợ vốn, kiến thức, kinh nghiệm.

Cùng với nhiệm vụ hỗ trợ chị em vươn lên thoát nghèo, các cấp Hội LHPN chú trọng công tác dạy nghề, giới thiệu việc làm cho phụ nữ, triển khai đề án “Dạy nghề cho phụ nữ khu vực chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp”, giúp chị em ổn định cuộc sống. Giai đoạn 2006-2011, thông qua các mô hình vay vốn uỷ thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, nguồn vốn quốc gia giải quyết việc làm, các nguồn vốn quốc tế, vốn tự huy động trong cán bộ, hội viên phụ nữ, các cấp hội quản lý hơn 826 tỷ đồng vốn, hỗ trợ 89.310 hộ vay phát triển kinh tế với tỷ lệ hoàn trả 99%, thực hiện uỷ thác cho phụ nữ nghèo vay vốn với dư nợ đạt hơn 700 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 54% tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố.

 

Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững

Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đỗ Thanh Lê, trong thời kỳ mới, với mục tiêu tạo chuyển biến rõ rệt về chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, các cấp Hội LHPN thực hiện đồng bộ 3 giải pháp: nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo; vận động, khuyến khích phụ nữ vươn lên làm giàu; hỗ trợ phụ nữ giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng nguồn lao động nữ.

 

Hội LHPN và Liên minh Hợp tác xã xây dựng kế hoạch phối hợp giai đoạn 2011- 2015 khuyến khích, hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất - kinh doanh theo mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã, phát triển các mô hình liên doanh, liên kết giữa nhà sản xuất, nhà cung cấp sản phẩm và người tiêu dùng, chú trọng phát triển các hình thức tập hợp nữ chủ doanh nghiệp, thí điểm thực hiện mô hình tư vấn khởi sự và phát triển doanh nghiệp cho phụ nữ, đồng thời tăng cường các hoạt động hỗ trợ nữ chủ doanh nghiệp theo hướng đầu tư các loại hình kinh tế lợi thế của thành phố: thương mại, dịch vụ vận tải, du lịch sinh thái gắn với nét đặc sắc của các di tích lịch sử của dân tộc, thành phố.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Đỗ Thanh Lê cho biết thêm, các cấp Hội LHPN tiếp tục nhân rộng và nâng cao chất lượng hoạt động mô hình “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”,“Tổ phụ nữ tiết kiệm mỗi người, mỗi ngày”, nhóm tín dụng tiết kiệm theo tinh thần Nghị định 28/CP của Chính phủ về thành lập và hoạt động của các tổ chức tài chính quy mô nhỏ. Nhằm nâng cao chất lượng nguồn lao động nữ, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố phối hợp với Sở Lao động Thương binh-Xã hội nâng cao năng lực dạy nghề cho hệ thống trung tâm, cơ sở dạy nghề của Hội, chú trọng dạy các nghề phù hợp với phụ nữ và đáp ứng nhu cầu thị trường lao động; quan tâm dạy nghề cho phụ nữ khu vực giải phóng mặt bằng và phụ nữ nghèo đô thị theo hướng phát triển các ngành dịch vụ, thủ công truyền thống và xuất khẩu lao động, tạo nhiều việc làm tại địa phương cho phụ nữ nông thôn. Các cấp hội chủ động phối hợp với các ngành chức năng để phụ nữ được tiếp cận và thụ hưởng đề án dạy nghề cho lao độngnông thôn, triển khai có hiệu quả đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010-2015”.

Các cấp hội hỗ trợ nguồn vốn gắn với giảm nghèo, khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng ngành nghề, gia trại, trang trại, doanh nghiệp nhỏ, ưu tiên phụ nữ nghèo phát triển kinh tế, phụ nữ không có hoặc thiếu việc làm; các cơ sở kinh doanh dịch vụ thu hút lao động nữ, các doanh nghiệp nhỏ do nữ làm chủ và thu hút lao động nữ, tích cực tham gia có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

 

Mặt khác, Hội mở rộng các hình thức hợp tác, liên kết trường nghề, doanh nghiệp, tăng cường đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho phụ nữ, thí điểm mô hình giới thiệu và dạy nghề dịch vụ gia đình, liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp để cung ứng lao động, gắn dạy nghề với tạo việc làm và giới thiệu việc làm, góp phần thực hiện các mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, phát triển thành phố trong thời kỳ mới.

Thanh Thủy, BHP

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video