Phụ nữ Đắk Lắk nâng cao thu nhập nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng dâu nuôi tằm

27/02/2020
Mô hình trồng dâu nuôi tằm tại thôn Hạ Điền của Hội LHPN xã Xuân Phú, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk được thành lập từ tháng 2 năm 2019 với 10 thành viên tham gia, canh tác trên diện tích đất trồng dâu 3 ha, do chị Nguyễn Thị Thịnh làm tổ trưởng.
Chị Nguyễn Thị Thịnh, tổ trưởng Tổ phụ nữ trồng dâu nuôi tằm

Các thành viên trong tổ đã cùng nhau áp dụng kỹ thuật tiến bộ vào nuôi tằm với phương pháp “né gỗ và máy gỡ kén”, qua đó giảm được công lao động và tăng thu nhập. Chị Thịnh chia sẻ: “Sau khi rải tằm lên né, nhiều con tằm vẫn tập trung vào một vị trí. Do đó, nếu chỗ nào nhiều tằm tập trung thì né sẽ xoay xuống dưới. Theo phản xạ tự nhiên, con tằm nào chưa tìm được chỗ để kết kén sẽ bò lên chỗ cao hơn để làm tổ. Nhờ đó người nuôi đỡ mất công bắt tằm kết kén đôi”. Đặc biệt, mỗi né đều được phân ô rõ ràng nên mỗi con tằm chỉ ở trong ô riêng; mỗi ô được thiết kế vừa với kích thước của kén tằm nên lượng phân và nước tiểu đều được thải khỏi né. Chính vì vậy, chất lượng kén tằm cao hơn hẳn, tằm “lên tơ” đều và trắng. Khi thu hoạch kén, người nuôi tằm chỉ việc bỏ né gỗ vào máy dập kén, kén trên né sẽ được gỡ ra.

Theo các thành viên nuôi tằm, nuôi theo truyền thống, để gỡ kén trên 50 né tre phải mất 2 công lao động làm việc trong nửa ngày. Giờ đây khi sử dụng máy gỡ kén, cũng 50 né tre chỉ cần một lao động làm việc trong khoảng 2 tiếng đồng hồ. Công lao động giảm nhiều, chất lượng kén tốt, giá bán đạt cao hơn so với kén trên né tre, lợi nhuận của người nuôi tăng cao hơn nhiều.

Trung bình 01 sào dâu giống siêu cành cho thu nhập mỗi lứa được 60-70kg kén, với giá kén trung bình 100.000 đồng/kg (có khi đạt 150.000 đồng/kg), mỗi lứa sau khi trừ mọi chi phí giống, thuốc, phân bón và công lao động… người nuôi tằm có thể thu được 7 - 8 triệu đồng/lứa. Với điều kiện thời tiết thuận lợi, giống dâu siêu cành cho năng suất, chất lượng, cùng với đó là cách thức nuôi mới giảm được công lao động, ước tính mỗi năm, người dân có thể nuôi được 10 lứa, mang lại doanh thu 70 - 80 triệu đồng/năm.

Bà Hoàng Thị Thu Trang, Chủ tịch xã Xuân Phú đánh giá, mô hình trồng dâu nuôi tằm của Hội Phụ nữ đã có bước đầu thành công tốt. So với những hộ trồng cà phê, tiêu trong năm vừa qua thì 01ha trồng dâu nuôi tằm giống mới mỗi năm cho bà con trồng dâu nuôi tằm thu lợi nhuận cao hơn gấp 03 - 04 lần. Nhờ giá kén ổn định nên đời sống bà con thay đổi rõ nét, từ hộ nghèo thành hộ khá, từ hộ khá thành hộ giàu. Từ 3 ha dâu ban đầu, đến nay diện tích này đang tăng lên gần 10 ha dâu với thêm 20 hộ tham gia mô hình. Ngoài việc trồng dâu nuôi tằm, một số thành viên còn nuôi thêm giun quế, trồng nấm... cho thu nhập thêm từ 2 – 3 triệu đồng/tháng/hộ.

Trên cơ sở mô hình trồng dâu nuôi tằm của thôn Hạ Điền, hiện tại đã nhân rộng mô hình ra các thôn như Thanh Phong, Thanh Ba, Trung Hòa, Thôn 3, Thôn 7.... Hội LHPN xã Xuân Phú đã đề xuất với UBND xã thành lập Tổ hợp tác Trồng dâu nuôi tằm để liên kết hỗ trợ nhau phát triển sản xuất bền vững. Hiện nay, một số hội viên ở các huyện lân cận đã đến học hỏi kinh nghiệm, mua cây giông, con giống tại mô hình của chị Thịnh về nhân rộng, góp phần mở ra một hướng đi mới giúp hội viên phụ nữ và nhân dân địa phương thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Phạm Thị Len

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video