Phụ nữ đất Tổ với phong trào “Dân vận khéo”

20/08/2010
Thấm nhuần sâu sắc ý nghĩa câu nói của Bác "Dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công"., các cấp Hội LHPN tỉnh Phú Thọ đã tích cực trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” đồng thời gắn với việc thực hiện phong trào thi đua "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc" và các nhiệm vụ trọng tâm công tác Hội.

Hội phụ nữ các cấp trong tỉnh đã chỉ đạo, tổ chức thực hiện phong trào bằng nhiều hình thức, biện pháp phù hợp với các đối tượng hội viên, phụ nữ; phong trào được triển khai cả bề rộng và chiều sâu, vì vậy kết quảđạt được tương đối toàn diện, thiết thực, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng và thu hút được đông đảo chị em phụ nữ, tạo khí thế thi đua sôi nổi, hăng hái thi đua lao động sản xuất, công tác và xây dựng tổ chức Hội.

Nhiều mô hình mới, với nhiều loại hình tập hợp thu hút hội viên, củng cố tổ chức Hội. Nhiều mô hình hiệu quả được nhân ra diện rộng như mô hình phát triển kinh tế, giúp nhau trong đời sống, giúp nhau thoát nghèo: có 9.178 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ đã được Hội phụ nữ giúp đạt 70,9% trong đó 45% số hộ đã thoát nghèo, góp phần tích cực thực hiện chương trình giảm nghèo của tỉnh. Ngoài ra, trong tỉnh Hội đã triển khai, xây dựng được 28 mô hình Dân vận khéo về phát triển kinh tế như: Mô hình "Nuôi gà an toàn sinh học" xã Phượng Mao (Thanh Thuỷ), Cự Đồng (Thanh Sơn); Mô hình "Vỗ béo bò thịt" xã Phù Ninh (huyện Phù Ninh), Yến Mao (Thanh Thủy), Cổ Tiết (Tam Nông); Mô hình trồng ngô lai tại xã Thượng Long (Yên Lập).....góp phần ổn định đời sống cho chị em, phụ nữ. Phong trào thi đua Dân vận khéo trong phát triển kinh tế được gắn với thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thông qua xây dựng Mô hình tiết kiệm trong các cấp Hội với các hình thức vận động đa dạng, phong phú như: “Ống tiền tiết kiệm; lọ gạo tiết kiệm” ở Lâm Thao; “Tiết kiệm ngày, tiết kiệm tuần, tiết kiệm tháng” ở Tân Sơn; “Tiết kiệm cộng đồng” ở thành phố Việt Trì; “Tiết kiệm theo phiên chợ” (Thanh Thủy); phong trào “nuôi trâu đất” (Hạ Hòa). Một số nơi làm tốt: Xã Tân Phú (Tân Sơn) đã có 462 phụ nữ thực hiện: "Ống tiền tiết kiệm"; xã Xuân Đài (Tân Sơn) thực hiện "Tuần tiết kiệm" thu được 21 triệu đồng giúp cho 136 hộ phụ nữ nghèo. Hội LHPN thành phố Việt Trì thành lập "Quỹ phát triển cộng đồng" với 152 nhóm tín dụng - tiết kiệm thu hút 1.951 thành viên đóng góp được trên 1,3 tỷ đồng giúp cho trên 120 hộ phụ nữ nghèo sản xuất, chăn nuôi, giúp chị em dần ổn định cuộc sống.

Trong chỉ đạo phong trào “Dân vận khéo” các cấp Hội trong tỉnh đã có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác vận động phụ nữ. Điển hình một số đơn vị đã thực hiện Dân vận khéo trong vận động gia đình hội viên phụ nữ "giải phóng mặt bằng phát triển khu công nghiệp, đường giao thông"... được cấp uỷ, chính quyền ghi nhận đánh giá cao như: Hội LHPN thị xã Phú Thọ vận động phụ nữ và nhân dân xã Hà Thạch và xã Phú Hộ "giải phóng mặt bằng làm đường giao thông". Vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ trong thị xã giúp đỡ hộ phụ nữ nghèo ủng hộ 25,4 triệu đồng ở 2 xã Hà Thạch và Phú Hộ có điều kiện giải toả mặt bằng, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo chung của Thị xã. Hội LHPN huyện Thanh Ba đã chỉ đạo xã Vân Lĩnh tuyên truyền, vận động các hộ gia đình ủng hộ, hiến đất làm đường giao thông… Điển hình cá nhân gương mẫu đi đầu là chị Giang Thị Hà, đã vận động gia đình hiến trên 600m2 đất làm đường giao thông; bản thân chị đã tích cực vận động các gia đình khác thực hiện theo.

Phong trào Dân vận khéo được cụ thể hoá trong xây dựng các mô hình tuyên truyền, vận động phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội ma tuý, mại dâm, HIV/AIDS, quản lý giáo dục trẻ vị thành niên; tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm của phụ nữ, nam giới và cộng đồng trong xây dựng gia đình văn hoá gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư". Vận động phụ nữ xây dựng gia đình đạt 4 chuẩn mực gắn tổ chức các hoạt động cụ thể, thiết thực; lồng ghép với tuyên truyền, vận động phụ nữ và nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội theo tinh thần Chỉ thị 14, 15 của Tỉnh uỷ.

Thực hiện Dân vận khéo trong hoạt động giám sát thực hiện luật pháp, chính sách liên quan đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của phụ nữ theo chức năng nhiệm vụ của Hội. Giám sát về thực hiện bình xét hộ nghèo ở khu dân cư; chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định 167/QĐ-CP của Chính phủ; cấp tiền, cấp gạo cho hộ nghèo; quản lý sử dụng quỹ vì người nghèo; chính sách trợ cước, trợ giá cho đồng bào vùng cao và các chính sách an sinh xã hội; giám sát thực hiện Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình...

Có thể nói, thông qua phong trào Dân vận khéo, Hội phụ nữ các cấp trong tỉnh được củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng và tổ chức hoạt động. các loại hình hoạt động, tập hợp hội viên thường xuyên mở rộng như: sinh hoạt theo lứa tuổi, nhu cầu, sở thích, nghề nghiệp. Điển hình: mô hình tập hợp phụ nữ dân tộc thiểu số (Tân Sơn), mô hình tổ phụ nữ đồng cảnh (Cẩm Khê), mô hình thu hút phụ nữ công giáo xã Sơn Thủy (Thanh Thủy)…

Kết quả của phong trào thi đua " Dân vận khéo"thực sự là động lực thúc đẩy phong trào phụ nữ phát triển, góp phần xây dựng hệ thống chính trị, Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh.

Nguyễn Huyền
Hội LHPN tỉnh Phú Thọ

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video