Phụ nữ Đồng Nai cần kế thừa và phát huy truyền thống “Miền Đông gian lao mà anh dũng”

22/12/2021
Đó là phát biểu chỉ đạo của Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo khi tham dự Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh Đồng Nai lần thứ X, nhiệm kỳ 2021-2026, đang diễn ra ngày hôm nay tại 11 điểm cầu trực tuyến.
Bà Đỗ Thị Thu Thảo tặng hoa và trao kỷ niệm chương Vì sự phát triển của phụ nữ cho Hội LHPN tỉnh Đồng Nai. Ảnh: C.P

Đồng chí Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo cho biết, Biên Hòa xưa - Đồng Nai nay là nơi lưu trữ nhiều giá trị văn hóa to lớn. Là vùng đất có truyền thống văn hóa đặc sắc, dung hòa, tiếp biến nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc từ những lớp cư dân Việt, kết hợp với văn hóa dân tộc Hoa và các dân tộc bản địa... tạo nên một sắc thái văn hóa đa dạng, phong phú, rộng mở nhiều vùng miền. 

"Người Đồng Nai nói chung, phụ nữ Đồng Nai nói riêng vừa bình dị nhân ái, bao dung, nghĩa tình, nhưng cũng đầy hiên ngang bất khuất, trung trinh, gan dạ, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ gia đình, bảo vệ Tổ quốc. Cùng với phụ nữ cả nước, phụ nữ Đồng Nai vừa chiến đấu, vừa lao động sản xuất, đảm đang việc nước, việc nhà", bà Đỗ Thị Thu Thảo phát biểu. 

Đồng chí Đỗ Thị Thu Thảo phát biểu tại Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh Đồng Nai lần thứ X, nhiệm kỳ 2021-2026

Theo Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Đồng Nai là một trong hai địa phương của cả nước được công nhận hoàn thành trước Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2019. Bên cạnh đó, các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, văn hóa, thể dục - thể thao có nhiều tiến bộ. Quốc phòng - an ninh, an ninh chính trị, trật tự, an toàn được bảo đảm, hoạt động đối ngoại được tăng cường, nhất là với các nước trong khu vực, góp phần đẩy mạnh xúc tiến đầu tư. Công tác an sinh xã hội được đảm bảo. Đặc biệt, giữa bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, gây tác hại nặng nề. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Nai đã thể hiện quyết tâm và nỗ lực rất lớn trong đẩy lùi và kiểm soát dịch bệnh, đưa các hoạt động xã hội, đời sống nhân dân về trạng thái bình thường mới, đồng thời thực hiện hiệu quả mục tiêu kép "vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế, xã hội". Những thành quả đạt được của tỉnh Đồng Nai là sự quyết tâm chính trị rất cao của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Nai, trong đó luôn có sự đóng góp tích cực của các cấp Hội và các tầng lớp phụ nữ của tỉnh.

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh - Bí thư Tỉnh uỷ và bà Đỗ Thị Thu Thảo - Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam tham quan các gian hàng triển lãm tại Đại hội. Ảnh: C.P

Đồng chí Đỗ Thị Thu Thảo cho rằng, qua nghiên cứu báo cáo chính trị trình Đại hội và quá trình chỉ đạo, theo dõi hoạt động, Đoàn Chủ tịch TW Hội nhận thấy, nhiệm kỳ 2016-2021, các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Đồng Nai đã đoàn kết, sáng tạo, chủ động triển khai các phong trào thi đua, cuộc vận động và nhiệm vụ trong tâm của Hội; 7/7 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ 12 đề ra tỉnh đều đạt và vượt so với yêu cầu, nổi bật là:

Hội LHPN đã tích cực tham mưu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Kết luận về Đề án "Tăng cường công tác lãnh đạo, quản lý và phát huy vai trò của phụ nữ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, giai đoạn 2016-2020"; Đề án "Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020" và các Đề án khác liên quan đến phụ nữ và trẻ em. Sáng tạo trong ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động Hội, nhất là công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; quan tâm phát hiện, bồi dưỡng, tuyên truyền nhân rộng điển hình tiêu biểu. Hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, khởi nghiệp, vận động phụ nữ tham gia kinh tế tập thể có nhiều cách làm mới, bước đầu đạt được một số kết quả tích cực, hiện tỉnh không còn hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ. Tham gia thực hiện tốt công tác an sinh xã hội ở địa phương, tích cực vận động nguồn lực chăm lo, hỗ trợ phụ nữ khó khăn, phụ nữ dân tộc, tôn giáo; thực hiện tốt chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" giai đoạn 2018-2020. Tăng cường củng cố tổ chức Hội, thường xuyên bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ các cấp; mô hình"Đồng hành cùng cơ sở Hội" tiếp tục được duy trì và nâng chất, tỷ lệ hội viên đạt 62,7%, không còn cơ sở Hội có tỷ lệ tập hợp dưới 50% phụ nữ trên 18 tuổi. 

Bước vào nhiệm kỳ 2021-2026, để phát huy tốt vai trò, chức năng của tổ chức Hội, góp phần cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 11, và Chiến lược phát triển Hội LHPN Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2035, bên cạnh sự thống nhất với phương hướng, nhiệm vụ vừa trình bày trước Đại hội, đồng chí Đỗ Thị Thu Thảo đã đưa ra một số nội dung để đại hội tiếp tục nghiên cứu thảo luận:

Thứ nhất, Các chị đang sinh sống trên vùng đất truyền thống văn hóa, lịch sử trên 320 năm mà các thế hệ các mẹ, các dì, các chị đã hy sinh biết bao xương máu cho thế hệ phụ nữ hôm nay có được hạnh phúc ấm no. Vì vậy, các cấp Hội tiếp tục giữ gìn, củng cố, dày công chăm lo, vun đắp cho sự đoàn kết thống nhất trong Hội và các tầng lớp phụ nữ, hết sức coi trọng công tác giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, khơi dậy niềm tự hào, gìn giữ và phát triển các giá trị văn hóa bao đời nay trên vùng đất Đồng Nai; đổi mới phương thức giáo dục bằng cách cụ thể hóa từng nội dung, đối tượng, thông qua gương điển hình, tiếp tục đầu tư nâng chất cuộc vận động: "tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang" gắn với thực hiện làm theo lời Bác để xây dựng người phụ nữ Đồng Nai thế hệ mới, xứng đáng với những giá trị hôm nay được kế thừa đó là: "Đoàn kết, bình đẳng, sáng tạo, phát triển" tiếp tục là người "giữ lửa" các giá trị truyền thống của người Đồng Nai "trung dũng, kiên cường", gương phụ nữ "liệt phụ khả gia" Nguyễn Thị Tồn, "những bà mẹ anh hùng chân chất" để cho các con, em học tập noi theo, đồng thời góp phần lan tỏa các giá trị đó để mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ đóng góp xây dựng người Đồng Nai phát triển toàn diện hướng đến chân -thiện -mỹ.

Thứ hai: Các cấp Hội cần có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả để khơi dậy mạnh mẽ mọi tiềm năng, nguồn lực và khát vọng, chuyển hóa được truyền thống cách mạng, lịch sử, văn hóa của Đồng Nai thành nguồn lực để phát triển tổ chức Hội và phụ nữ, cụ thể: Hội vận động kêu gọi chị em kế thừa và phát huy truyền thống "Miền Đông gian lao mà anh dũng", chủ động đề xuất với chính quyền, trực tiếp tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội theo thế mạnh của tỉnh và phù hợp với khả năng của phụ nữ để chăm lo cho chị em ổn đinh cuộc sống, thích ứng tình hình mới, như: xây dựng các mô hình kinh tế nông nghiệp hữu cơ, mô hình kinh tế tuần hoàn thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng dụng công nghệ để khởi nghiệp sáng tạo kế tục và làm đa dạng các sản phẩm truyền thống bản địa tại địa phương đạt chất lượng trong và ngoài ngước có thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý mang giá trị kinh tế cao; nhân rộng nâng chất tổ hợp tác, hợp tác xã do nữ làm chủ. Định hướng cho chị em vùng sâu, vùng xa, phụ nữ là người dân tộc về học nghề, việc làm, chế biến những sản phẩm OCOP tạo khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh đạt chuẩn các sao nhằm nâng cao thu nhập cho chị em, góp phần thu hẹp khoảng cách gìau nghèo giữa chi em ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo với chi em vùng đồng bằng, đô thị. Vận động chi em ứng dụng thương mai điện tử trong hoạt động phát triển kinh tế, kinh doanh bán hàng, và giới thiệu các sản phẩm hàng hóa do chị em làm ra, để góp phần thực hiện kinh tế số và làm cho chị em thấy đến với Hội được đáp ứng nhu cầu bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng làm giàu cho bản thân và gia đình sẽ tự nguyện tham gia tổ chức Hội.

Thứ ba: Hội các cấp tiếp tục củng cố và xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, mở rộng tập hợp mọi thành phần, đối tượng phụ nữ, đặc biệt là nữ công nhân để thực hiện tốt hơn nữa phương châm "ở đâu có phụ nữ ở đó có hoạt động Hội", không để chị em phụ nữ nào đứng ngoài hoạt động, tổ chức Hội và đồng thời chọn người có uy tín làm tổ trưởng chi tổ hội; Hội thể hiện rõ hơn tư cách là người bạn, người mẹ, người chị của các con, các em, các cháu. Vì vậy, Hội xác định giải pháp phù hợp để là chỗ dựa tin cậy của chị, em, các cháu ở các vùng dân tộc, tôn giáo, vùng sâu, vùng xa, vùng nhiều nhà trọ của nữ công nhân tìm đến Hội mọi lúc, mọi nơi khi khó khăn và Hội hỗ trợ định hướng tư vấn hướng nghiệp, học tập nâng cao trình độ, nghiệp vụ chuyên môn giỏi, kỹ năng thực hành tay nghề cao, kỹ năng xã hội tốt, kỹ năng hội nhập nhạy bén và những cái mới mà chị em chưa được tiếp cận nhằm khơi dậy ý chí tự lập, khát vọng vươn lên, nâng cao khả năng thích ứng tình hình mới, chủ động giải quyết các vấn đề của bản thân, của gia đình để thực hiện tốt nghĩa vụ công dân và trách nhiệm xã hội, mỗi hội viên phụ nữ hãy là người tiêu dùng thông minh để thu vén chăm lo cuộc sổng gia đình, sổng tốt đời đẹp đạo, là ngọn lửa của gia đình tiến tới xây dựng gia đình số hạnh phúc ấm no - góp phần xây dựng xã hội số.

Thứ tư: Các cấp Hội đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tham mưu, đề xuất và phương thức hoạt động của Hội từ tỉnh đến cơ sở, cán bộ Hội phải ứng dụng và sử dụng thành thạo công nghệ thông tin trong mọi hoạt động để không bị tụt hậu, cán bộ Hội phải biết trước mọi vấn đề trước phụ nữ. Xây dựng đội ngũ cán bộ Hội thế hệ mới chuyên nghiệp có tâm, có tầm, bao dung, đổi mới, sáng tạo, gần gũi sâu sát với hội viên phụ nữ. Hội là nơi bồi dưỡng, giới thiệu, cung cấp đội ngũ đảng viên nữ, cán bộ nữ vừa hồng, vừa chuyên cho đảng, chính quyền và các cơ quan khác. Làm tốt công tác vận động xã hội, phối hợp các đơn vị, đặc biệt là gắn chặt với hoạt động nữ doanh nhân, nữ trí thức để kết nối nguồn lực xã hội cho hoạt động Hội. Cán bộ Hội các cấp phải có kỹ năng giám sát sâu, phản biện sắc bén và nòng cốt lãnh đạo chị em tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh thông qua cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch". Đồng thời, lấy chỉ số thụ hưởng văn hoá, chỉ số phát triển con người của chi em đề xuất những chính sách phù hợp cho từng đối tượng phụ nữ, đặc biệt có những chính sách riêng cho phụ nữ dân tộc, tôn giáo, nữ công nhân không để gia đình hội viên, phụ nữ rơi vào đói nghèo, không bị bạo hành, không bị xâm hại và không để chi em bị bỏ rơi lại phía sau.

Thứ năm: Tại đại hội này sẽ bầu Ban Chấp hành tỉnh Hội khóa 14 và Đoàn Đại biểu dự Đại hội toàn quốc lần thứ 13. 

"Tôi đề nghị các đại biểu lựa chọn những nhân sự tiêu biểu, trí tuệ, gương mẫu của phụ nữ Đồng Nai vào Ban Chấp hành tỉnh Hội khoá mới. Sau Đại hội, từng ủy viên BCH phải là tác giả của những phong trào, mô hình, cách làm mới; thực sự là những hạt nhân xây dựng nên diện mạo mới cho công tác Hội và phong trào phụ nữ của tỉnh và góp phần xây dựng Đồng Nai trở thành tỉnh công nghiệp phát triển, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đồng thời lựa chọn đại biểu thực sự tiêu biểu cho phụ nữ tỉnh và đóng góp vào thành công chung của Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ 13", đồng chí Đỗ Thị Thu Thảo nêu ý kiến.

https://phunuvietnam.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video